Lý do gì khiến startup bị “khai tử” ngay khi ra mắt thị trường? Hé lộ từ founder sáng lập 4 startups

| 7-06-2021, 12:48 | Thị trường 24h

Theo thống kê tại Việt Nam, có tới hơn 80% startup không thể duy trì quá 2 năm và chỉ 3% là thành công trong thực tế. Số startup thành công chỉ chiếm rất nhỏ so với số startup “khai tử” trong giai đoạn đưa sản phẩm ra thị trường.


Ông Nguyễn Duy Vĩ – Founder Buzi Agency

Có rất nhiều nguyên nhân khiến startup thất bại trong các giai đoạn của hành trình khởi nghiệp. Nhưng giai đoạn đáng tiếc mà các startup thường “khai tử” nhất theo ông Nguyễn Duy Vĩ – Founder Buzi Agency là giai đoạn đưa sản phẩm ra thị trường. 

Ông Nguyễn Duy Vĩ đã hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực khởi nghiệp với vai trò sáng lập/ đồng sáng lập các công ty khởi nghiệp tên tuổi: Tugo, Bu’s Food, Lingo.vn, Ringier,… Với ông điều tuyệt vời nhất là được đồng hành cùng các startup và cùng họ phát triển trong hành trình khởi nghiệp. 

Trong buổi chia sẻ tại chương trình Hỏi thật – Đáp thật của FM 88.7 MHz VOH – Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng chương trình hỗ trợ khởi nghiệp Propzy Launch đồng tổ chức và livestream tại Fanpage Propzy lúc 12 giờ 30 phút ngày 1/6/2021. Ông Nguyễn Duy Vĩ – Founder Buzi Agency đã tiết lộ những lý do startup bị  “khai tử” khi đưa sản phẩm ra thị trường.


Ông Nguyễn Duy Vĩ – Founder Buzi Agency tham gia với vai trò khách mời

Ý tưởng đột phá, thiếu tài chính thực hiện 

Theo ông Vĩ, có rất nhiều vấn đề các startup cần đặc biệt lưu ý trong hành trình khởi nghiệp từ ý tưởng đến thực thi. “Trong giai đoạn đầu thường các startup rất “bay” mà quên mất rằng mình đang có bao nhiêu tiền và mình tồn tại được thời gian bao lâu. Để thực hiện được các bước trong quá trình đưa ý tưởng thành sản phẩm thì cần cân nhắc túi tiền của mình, “lựa cơm gắp mắm” cho phù hợp”, ông Vĩ chia sẻ.

Đây là vấn đề đầu tiên các startup cần đặc biệt lưu ý trong giai đoạn đưa sản phẩm ra thị trường nếu không muốn “sập” ngay trong những ngày đầu “tung” sản phẩm. Startup cần đặc biệt cân nhắc tài chính, chi tiêu phù hợp để duy trì và phát triển công ty vững mạnh.

Không đủ độ chai lì 

Ở giai đoạn này các startup thường “vẽ” ra một kế hoạch rất đẹp nhưng khi đưa ra thị trường, không được đón nhận sẽ rất dễ nản chí và bỏ cuộc. Vấn đề thường gặp phải ở các startup thất bại trong giai đoạn đưa sản phẩm ra thị trường là dễ dàng bỏ cuộc, nản chí ngay từ những trở ngại đầu.

Ông cha ta đã từng nói “thất bại không phải là ngã, mà là từ chối đứng dậy”. Thật vậy, startup trong giai đoạn đưa sản phẩm ra thị trường cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho việc thất bại, sẵn sàng vượt qua thất bại, thậm chí là thất bại nhiều lần để vượt qua hành trình khởi nghiệp thật thành công.

Thay vì nản chí, bỏ cuộc các startup hãy dùng hết năng lực, sự sáng tạo, nhiệt huyết, sự kết nối của đội ngũ nhân sự để cùng nhau tìm hiểu về thị trường, khi nắm bắt được thị trường, rút ra kinh nghiệm từ những lần thất bại trước startup sẽ ngày càng vững vàng hơn trong giai đoạn đưa sản phẩm ra thị trường. 

Thiếu kiến thức, kém chuyên môn 

Theo ông Vĩ, khởi nghiệp theo mô hình nào cũng được. Đối với các bạn trẻ theo mô hình khởi nghiệp tinh gọn muốn thành công thì những người tham gia dự án, ý tưởng khởi nghiệp phải là chuyên gia trong ngành. Bởi phải có quá trình trau dồi kinh nghiệm, am hiểu lĩnh vực khởi nghiệp, am hiểu thị trường startup mới tránh được những lỗi nhỏ thường mắc phải trong quá trình khởi nghiệp.

Ông Vĩ cũng chia sẻ rõ về hiện trạng khởi nghiệp đang gặp phải trong hiện tại. “Đang có rất nhiều hình thức khởi nghiệp gồm 3 hay 4 bạn trẻ mới ra trường, đi làm được 1 đến 2 năm. Các bạn ấy vừa trau dồi được 1 ít kinh nghiệm liền ra mở công ty. Những hình thức trên đảm bảo chỉ duy trì nhiều nhất được 1 đến2 năm. Tại vì sẽ có rất nhiều vấn đề các bạn không nhận ra, không làm chủ được”, ông Vĩ cho biết.

Thật sự, các bạn trẻ nên đi làm và trải nghiệm tại các công ty khởi nghiệp lớn, khởi nghiệp thành công để học hỏi và trau dồi kinh nghiệm nhiều hơn, khi có đủ năng lực, kinh nghiệm nhìn nhận vấn đề, nhìn nhận thị trường và lĩnh vực mà startup theo đuổi, có những mối quan hệ nhất định với các chuyên gia trong lĩnh vực thì khả năng thành công sẽ cao hơn.

Startup “ngáo” giá 

Cũng theo ông Vĩ, điểm khác biệt của sản phẩm là điều quyết định sống còn của startup trong giai đoạn ban đầu khi đưa sản phẩm ra thị trường. Bên cạnh đó, ông cũng chia sẻ thêm về hiện trạng hiện tại các startup đang gặp phải. “Hầu hết các bạn trẻ đều đang định giá sản phẩm cao hơn thị trường vì số tiền các bạn đầu tư lớn. Trong khi đó, các bạn bỏ tiền đầu tư cho nhân sự, đầu tư chỗ này chỗ kia rồi thuê mặt bằng “xịn” cuối cùng số tiền đầu tư tăng. Đây là điều các startup mắc phải gọi vui là “đốt tiền nhanh”,” ông Vĩ chia sẻ thêm.

Việc lựa chọn địa điểm kinh doanh, làm văn phòng cũng rất quan trọng, thay vì việc lựa chọn địa điểm ở trung tâm thì trong những giai đoạn đầu để đảm bảo tài chính startup nên chọn địa điểm ở các khu lân cận để giá mặt bằng thấp hơn. Đây cũng là một cách giúp startup duy trì được nguồn vốn lâu hơn, giải quyết vấn đề tài chính hợp lý hơn. Từ đó,  startup không đẩy giá thành sản phẩm lên cao, giá thành sản phẩm có sức cạnh tranh với thị trường. Việc quản lý, sử dụng tài chính hợp lý sẽ giúp giá thành sản phẩm có tính cạnh tranh mà chất lượng sản phẩm không bị ảnh hưởng.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm