Năm 2022: Ngân hàng Nhà nước sẽ siết dòng tiền “đổ” vào bất động sản

| 29-12-2021, 14:18 | Thị trường 24h

Mới đây Ngân hàng Nhà nước tổ chức Họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 . Đồng thời cung cấp thông tin tín dụng của nền kinh tế Việt Nam tính đến ngày 22/12/2021.

Ngân hàng Nhà nước bơm gần 1,2 triệu tỷ đồng vào nền kinh tế

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19. Nhưng tín dụng toàn nền kinh tế (tính đến 22/12/2021) tăng 12,68% so với cuối năm 2020. Tăng khoảng 14,57% so với cùng kỳ năm 2020. Tính đến thời điểm ngày 22/12/2021, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đã đạt 12,97%. Như vậy, đã có 1,19 triệu tỷ đồng đã được bơm vào nền kinh tế nước ta năm 2021.

Năm 2021 này, Ngân hàng Nhà nước đã đẩy mạnh việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Cụ thể, 2 lần sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01 quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 cho phù hợp với tình hình thực tế.

Năm 2022: Ngân hàng Nhà nước sẽ siết dòng tiền “đổ” vào bất động sản
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại họp báo “Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2022”.

Đến ngày 20/12/2021, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ lũy kế từ khi có dịch khoảng 607 nghìn tỷ đồng. Khoảng 775 nghìn khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được cơ cấu lại nợ. Có số dư nợ trên 296 nghìn tỷ đồng. Hơn 1,96 triệu khách hàng đã được miễn, giảm lãi. Tổng số dư nợ lên tới hơn 3,87 triệu tỷ đồng. Tổng số tiền lãi lũy kế đến nay TCTD đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34,9 nghìn tỷ đồng.

Theo Phó Thống đốc, dự định trong năm 2022 của Ngân hàng Nhà nước là sẽ thực hiện hàng loạt các hành động nhằm hồi phục nền kinh tế. Trong đó có tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ. Phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa và chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát tình hình lạm phát. Nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường trong và ngoài nước.

Phó Thống đốc nói: “Đối với chính sách lãi suất, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế. Bên cạnh đó, điều hành các giải pháp tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tín dụng năm 2022 khoảng 14% nhưng trong điều hành có thể tăng lên và cũng có thể dưới mục tiêu”.

Siết chặt dòng tiền đổ vào bất động sản, chứng khoán

Diễn biến dịch Covid-19 còn rất phức tạp, đặc biệt khi xuất hiện biến thể đáng lo ngại là Omicron. Dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán và bất động sản tăng mạnh. Bởi theo nhận định của một số chuyên gia, bất động sản là nơi an toàn cho dòng tiền trú ẩn. Vì vậy, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm 2022. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết dòng vốn phải hướng vào lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực khó khăn của nền kinh tế. Những lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước về dòng vốn vào các lĩnh vực có rủi ro cao thì không tăng thêm mà còn phải kiểm soát chặt. Đó là các lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, trái phiếu, các dự án BOT, BT giao thông. Tăng cường quản lý rủi ro đối với cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, tín dụng tiêu dùng; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Trong năm 2022, siết dòng vốn vào bất động sản, chứng khoán, trái phiếu.

“Với bất động sản, chứng khoán, trái phiếu của các doanh nghiệp đang có những biểu hiện chưa lành mạnh thì không những không tăng thêm vốn vào những lĩnh vực rủi ro đó, mà còn kiểm soát chặt chẽ. Thậm chí sẽ thanh tra, giám sát một số khoản tín dụng có liên quan đến trái phiếu của một số doanh nghiệp phát hành mà chưa đảm bảo ngưỡng an toàn theo thời gian qua”, ông Đào Minh Tú cho biết.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ tạo điều kiện ưu tiên tín dụng cho lĩnh vực bất động sản nhà ở mà người dân thực sự có nhu cầu. Và tín dụng phục vụ cho việc phát triển thị trường chứng khoán một cách lành mạnh. Hai lĩnh vực bất động sản và chứng khoán mang tính chất đầu cơ sẽ được kiểm soát chặt chẽ.

“Dòng tiền khi đến thời hạn trả nợ có thể lại được quay vòng, thậm chí nếu không cẩn thận lại chảy vào bất động sản hay chứng khoán. Đây là một vấn đề không đơn giản trong tình hình hiện nay”, Phó Thống đốc Ngân hàng cảnh báo.

Liên quan đến về vấn đề này, đại diện Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, năm 2021, tín dụng chảy vào 5 lĩnh vực ưu tiên. Đó là nông nghiệp, công nghệ cao, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ. Cả 5 lĩnh vực này đều đạt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn so với năm 2020.

Vụ này cho biết 5 lĩnh vực ưu tiên là những trụ đỡ và động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy năm 2022, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có những định hướng giải pháp để hướng dòng vốn tín dụng ưu tiên chảy vào 5 lĩnh vực ưu tiên này.

Tiếp tục ổn định lãi suất trong năm 2022

Trả lời câu hỏi về lãi suất năm 2022, đại diện Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết: “Lãi suất sẽ được điều hành phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ”.

Năm 2021 mặt bằng lãi suất đã được Ngân hàng Nhà nước giảm. Hành động này bắt đầu từ năm 2020 (giảm 1%), năm 2021 giảm 0,82%. Với xu hướng giảm như vậy, riêng 5 lĩnh vực ưu tiên các TCTD cho vay thực bình quân là 4,32%. Thấp hơn trần do Ngân hàng Nhà nước đề ra là 4,5%. Thấp hơn với mặt bằng chung các nước trong khối ASEAN.

Lãi suất năm 2022 sẽ tiếp tục được duy trì.

“Năm 2022, với tình hình lạm phát và áp lực lạm phát toàn cầu, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, xuất nhập khẩu chiếm gần 200% GDP. Các ngân hàng trung ương trên thế giới đều có xu hướng thu hẹp nới lỏng tiền tệ và tăng lãi suất. Bối cảnh đó để duy trì lãi suất không thay đổi là áp lực rất lớn”- đại diện Vụ Chính sách tiền tệ chia sẻ.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn khuyến khích các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí. Để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm