Căn hộ hạng C ngày càng trở nên hiếm

| 3-06-2021, 09:49 | Thị trường 24h

Căn hộ hạng C ngày càng trở nên hiếm

Theo báo cáo của một đơn vị nghiên cứu BĐS, tính đến cuối quý I/2021, tại thị trường TP. Hồ Chí Minh lượng giao dịch căn hộ vẫn hạn chế, nguyên nhân đến từ việc thắt chặt các thủ tục hành chính trong công tác xây dựng và phát triển dự án. Bên cạnh đó, áp lực của dịch bệnh, ảnh hưởng đến tổng thể toàn ngành và làm hạn chế nguồn cung mới, đặc biệt là phân khúc căn hộ hạng C.

Nhu cầu ngày càng cao

Mỏi mòn tìm nhà ở giá dưới 2 tỷ đồng là điều mà nhiều gia đình có thu nhập thấp ở TP. Hồ Chí Minh đang gặp phải, bởi 2 năm trở lại đây nguồn cung căn hộ hạng C hầu như biến mất trên thị trường.

Anh Khương Văn Sáu là một viên chức của quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh, đã mỏi mắt tìm căn hộ dưới 2 tỷ đồng hơn 1 năm nay nhưng càng tìm càng thấy “vô vọng” vì chưa thấy nhà đâu mà tiếp tục thấy giá tăng.

Tương tự, vợ chồng chị Đỗ Thu Hảo (giáo viên của một trường Đại học mới chuyển từ Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh), mặc dù đã bán căn chung cư ở Hà Nội để mua nhà, nhưng khi vào đến nơi chị cũng đã nhờ nhiều mối tìm căn hộ tầm 2 tỷ đồng tại TP. Thủ Đức nhưng điều này đến nay đã quá là xa vời, vì đây là khu vực có mức tăng giá nhà cao nhất tại TP. Hồ Chí Minh từ 5-10% so với quý IV/2020.

Theo Hiệp hội BĐS TP. Hồ Chí Minh, lượng người tìm kiếm căn hộ hạng C vẫn chiếm số lượng lớn, khoảng 70-80% trên thị trường, và tình trạng này được dự báo sẽ tiếp diễn đến hết năm 2022. Trong khi đó, phân khúc nhà ở hạng C vẫn chưa được cải thiện 2 năm nay, thậm chí còn “mất hút” không thấy xuất hiện vì giá đã đội lên quá cao.

Một đánh giá của Savills Việt Nam mới đây cho thấy, việc quy mô hộ gia đình tại TP. Hồ Chí Minh ngày càng nhỏ dẫn tới thực trạng nhu cầu nhà ở tăng lên, vì họ có xu hướng tách hộ ở riêng. Nguồn cung cho mức giá 2 tỷ đồng hiện đang rất hạn chế với hầu hết những căn hộ có diện tích khá nhỏ, từ 50-60m2. Điều này cho thấy, các chủ đầu tư đang theo xu hướng giảm diện tích để vừa với nhu cầu của các gia đình nhỏ và làm cho giá trị vẫn thích hợp cho người mua.

Đánh giá về vấn đề này, bà Võ Thị Khánh Trang, Phó Giám đốc Bộ phận nghiên cứu Savills TP. Hồ Chí Minh cho biết, hiện quỹ đất đang ngày càng hạn hẹp và giá trị đất ngày càng tăng cao, điều này làm cho các chủ đầu tư buộc phải tăng giá trị căn hộ.

Ngoài ra, giá nguyên vật liệu xây dựng cũng đang tăng mạnh, cùng với kì vọng về lợi nhuận của các doanh nghiệp đã làm cho giá trị của căn hộ tăng lên. Tuy nhiên, phải nhìn nhận là các chủ đầu tư đang tập trung cải thiện chất lượng dự án để mang lại môi trường đáng sống để cho người dân không chỉ là một nơi ở mà còn là nơi để hưởng thụ.

Thúc đẩy thủ tục hành chính

Để giải quyết thực trạng này, một số chuyên gia BĐS chia sẻ, phải có hành động từ hai phía. Một bên là từ các cơ quan chức năng có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp làm cho các thủ tục hành chính nhanh hơn.

Bởi thực tế thời gian qua, các doanh nghiệp phải mất từ 3-5 năm để bắt đầu phát triển dự án. Trong thời gian đó, doanh nghiệp phải chi trả rất nhiều chi phí dẫn đến khi có dự án thật sự thì giá trị căn hộ tăng lên.

Do đó, việc tinh gọn quy trình sẽ giúp tiến độ nhanh và thuận lợi hơn rất nhiều. Còn về phía các doanh nghiệp phải tận dụng được sự hỗ trợ của các cơ quan nhà nước để tạo ra các sản phẩm có lợi và đúng với nhu cầu thật của người dân hiện nay.

Bên cạnh đó, để sở hữu BĐS ở với điều kiện tài chính ở mức 2 tỷ, bà Võ Thị Khánh Trang cho biết, hiện tại, đối với khách trẻ, độc thân hoặc mới lập gia đình, điều mà họ tìm kiếm trong một căn hộ là diện tích vừa phải không cần quá lớn. Vì thế, tùy vào mức thu nhập mà định hướng mua loại sản phẩm như thế nào cho phù hợp.

Theo định hướng của các cơ quan chức năng TP. Hồ Chí Minh, đến năm 2030, thị trường sẽ tập trung nhiều hơn vào loại hình chung cư để đáp ứng được nhu cầu nhà ở và thúc đẩy thị trường. Với quỹ đất trung tâm khan hiếm, việc cải thiện cơ sở hạ tầng giữa các quận ngoài trung tâm và các khu vực lân cận đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển dự án nhà ở với mức giá hợp lý. Nguồn cung mới đang được hình thành ở các quận Bình Chánh, Nhà Bè, Tân Bình và Bình Tân.

Mới đây, tại buổi làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính với Bộ Xây dựng, Thủ tướng đã lưu ý Bộ này về vấn đề thị trường BĐS chưa thực sự được kiểm soát, chưa có chiến lược cụ thể, chưa gắn với chiến lược phát triển nhà ở một cách hài hòa, hợp lý. Dòng tiền đang chủ yếu hướng vào phân khúc BĐS dành cho người giàu, trong khi phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp còn thiếu.

Bên cạnh đó, ngành chưa thực hiện tốt quy định dành 20% quỹ đất tại các dự án để phát triển nhà ở xã hội. Công tác quản lý nhà nước ở địa phương còn nhiều bất cập; trình tự, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, cản trở quá trình phát triển.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm