Có được vay mua nhà thế chấp bằng chính căn nhà định mua hay không?

Linh Giang Trần Linh Giang Trần | 23-12-2019, 17:42 | Góc pháp luật

Khi không đủ điều kiện tài chính để mua nhà hoặc không muốn trả hết một khoản tiền mua nhà một lúc, nhiều nhà lựa chọn vay mua nhà thế chấp bằng chính căn nhà định mua, lúc này cần chuẩn bị những thủ tục gì?


Khác với vay tín chấp không cần tài sản đảm bảo, hình thức vay thế chấp yêu cầu người vay phải có tài sản để thế chấp như nhà đất hay tài sản hữu hình nào đó. Hình thức này thường phù hợp với những khách hàng có nhu cầu vay vốn lớn.

Ưu điểm của hình thức vay thế chấp là có thể vay khoản tiền lớn tùy vào giá trị của tài sản thế chấp với lãi suất thấp hơn vay tín chấp. Tuy nhiên, nhược điểm của hình thức vay này là thời gian xử lý hồ sơ khá lâu, người vay phải có tài sản thế chấp và có thể mất tài sản nếu không trả được nợ.

Vay mua nhà thế chấp bằng chính nhà mua là hình thức vay mua nhà mà trong đó tài sản dùng để thế chấp chính là ngôi nhà mà khách hàng tiến hành mua.

Hiện nay, hầu hết các ngân hàng đều cho vay mua nhà dưới hình thức thế chấp bằng chính căn nhà mua từ vốn vay. Ngân hàng sẽ thẩm định giá trị ngôi nhà, thu nhập của người vay để quyết định tổng mức cho vay, thời gian vay cũng như mức trả theo định kỳ. Mức cho vay có thể lên đến 70% giá trị căn nhà với thời gian vay lên đến 15 năm.



Có được vay mua nhà thế chấp bằng chính căn nhà định mua hay không?


Vay mua nhà thế chấp bằng chính nhà mua là hình thức vay mua nhà mà trong đó tài sản


dùng để thế chấp chính là ngôi nhà mà khách hàng tiến hành mua. Ảnh minh họa

Có 2 trường hợp xảy ra khi thế chấp bằng chính căn nhà dự định mua.

Trường hợp mua chung cư: Người vay có thể thế chấp bằng hợp đồng mua bán căn hộ tại ngân hàng có liên kết hoặc hợp tác với dự án.

Trường hợp mua nhà đất: Tài sản phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi đó, ngân hàng sẽ làm cam kết 3 bên (người mua, người bán, ngân hàng) về việc thanh toán tiền mua nhà và thanh toán tiền nợ vay nhằm đảm bảo số tiền vay được sử dụng đúng mục đích, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho khoản vay.

Điều kiện vay mua nhà thế chấp

Để quyết định có cho vay hay không, ngân hàng thường rất cẩn trọng khi xét duyệt hồ sơ. Người vay và tài sản thế chấp phải thỏa mãn đầy đủ các điều kiện mà ngân hàng đưa ra. Cụ thể:

Điều kiện đối với người vay:

- Là công dân nước Việt Nam

- Nằm trong độ tuổi từ 22 đến 65 đối với nam và đến 60 đối với nữ

- Có sổ hộ khẩu thường trú tạm trú/xác nhận tạm trú

- Lịch sử tín dụng tốt, không có nợ xấu

- Không nằm trong nhóm đối tượng tội phạm hay các danh sách đen (khủng bố, rửa tiền…)

- Có thu nhập tối thiểu theo yêu cầu của từng ngân hàng

Điều kiện đối với tài sản thế chấp:

- Thuộc quyền sở hữu hợp pháp của người vay, có đầy đủ giấy tờ pháp lý rõ ràng, không tẩy xóa, không rách, các trang bổ sung phải được đóng dấu giáp lai

- Đáp ứng các điều kiện vay của ngân hàng (về diện tích, giá trị tối thiểu...)

- Không vướng tranh chấp, không nằm trong diện quy hoạch

- Tài sản được cho là thế chấp hợp lệ khi được người vay đăng ký thế chấp tại cơ quan chức năng có thẩm quyền

Thủ tục cho vay mua nhà thế chấp bằng chính nhà mua

Khách hàng muốn vay mua nhà thế chấp bằng chính nhà mua sẽ làm thủ tục vay vốn từ ngân hàng. Các loại giấy tờ cần chuẩn bị bao gồm:

Hồ sơ pháp lý: CMND không quá 15 năm kể từ ngày cấp; Sổ hộ khẩu hoặc Giấy đăng ký tạm trú; Giấy xác nhận độc thân hoặc đăng ký kết hôn.

Hồ sơ tài chính:

Đối với chủ hộ kinh doanh: Đăng ký kinh doanh/Giấy chứng nhận mã số thuế 6-12 tháng trở lên; Hóa đơn bán lẻ (nếu có); Sổ sách ghi chép bán hàng.

Đối với người làm công ăn lương: Hợp đồng lao động; Sao kê tài khoản trả lương; Giấy tờ chứng minh các nguồn thu nhập khác.

Hồ sơ tài sản bảo đảm và chứng minh mục đích sử dụng vốn: Sổ hồng, sổ đỏ; Hợp đồng mua bán căn hộ, nhà ở; Tờ khai lệ phí trước bạ; Giấy tờ, hóa đơn về việc đặt cọc, thanh toán.

Sau khi hồ sơ đã hoàn thiện đầy đủ, ngân hàng sẽ tiến hành thẩm định, xét duyệt để quyết định có đồng ý cho vay hay không. Trong trường hợp cho vay, ngân hàng sẽ hẹn khách hàng công chứng, đăng ký giao dịch đảm bảo, đăng ký thế chấp, sau đó giải ngân cho khách hàng.



Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm