Dự án Vành đai 4 Tp.HCM tăng vốn gần 9.000 tỷ đồng

| 17-09-2024, 14:39 | Thị trường 24h

Thông tin nêu trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổng thể đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Tp.HCM, UBND Tp.HCM vừa gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét để tổ chức rà soát và cơ bản hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án tổng thể và các dự án thành phần.. Đây được xem là siêu dự án lớn nhất trong các dự án giao thông phía Nam từ trước tới nay. Đi qua các tỉnh Tp.HCM, Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu. UBND Tp.HCM cho biết đã phối hợp với UBND các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Đáng chú ý, tổng mức đầu tư của dự án Vành đai 4 Tp.HCM đã tăng lên tới gần 137.000 tỷ đồng - tăng gần 9.000 tỷ đồng so với tổng vốn dự tính trong các báo cáo gửi Chính phủ gần đây (khoảng 128.000 tỷ đồng).

Dự án Vành đai 4 Tp.HCM tăng vốn gần 9.000 tỷ đồng

Dự án Vành đai 4 Tp.HCM tăng vốn gần 9.000 tỉ đồng


Được quy hoạch năm 2011, Vành đai 4 có tổng chiều dài gần 207 km. Trong đó, đoạn qua Long An dài nhất với hơn 78 km, Bình Dương gần 48 km, Đồng Nai 45,6 km, Bà Rịa - Vũng Tàu 18,2 km và Tp.HCM 16,7 km. Trong đó, mặt bằng dự án được giải tỏa một lần với quy mô hoàn chỉnh từ đầu và làm trước 4 làn cao tốc, hai làn dừng khẩn cấp (rộng 3 m). Trên tuyến có khoảng 21 nút giao lớn cùng hệ thống đường song hành, đường gom dân sinh, nhất là những nơi qua khu đô thị, dân cư.

Vành đai 4 Tp.HCM, dự kiến được chia làm 11 dự án thành phần, gồm hai nhóm giải phóng mặt bằng, đường gom dân sinh và tuyến chính cao tốc. Trong tổng mức đầu tư, vốn ngân sách ước tính hơn 76.000 tỷ đồng (khoảng 42.553 tỷ đồng vốn trung ương và hơn 33.500 tỷ đồng vốn địa phương). Phần còn lại hơn 60.000 tỷ đồng huy động vốn từ nhà đầu tư thực hiện các dự án thành phần cao tốc theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Cụ thể, Đoạn qua Tp.HCM với vốn đầu tư khoảng 14.546 tỷ đồng (dự kiến vốn ngân sách địa phương hơn 8.700 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư khoảng 5.818 tỷ đồng). Đoạn qua Long An với vốn khoảng 69.323 tỷ đồng (dự kiến vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ gần 28.400 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương gần 11.200  đồng). Đoạn qua tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với vốn khoảng 8.579 tỷ đồng (dự kiến vốn ngân sách Trung ương khoảng 2.144 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương khoảng 2.144 tỷ đồng). Đoạn qua tỉnh Đồng Nai với vốn khoảng 23.657 tỷ đồng (dự kiến vốn ngân sách Trung ương khoảng 6.399 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương khoảng 6.399 tỷ đồng). Đoạn qua tỉnh Bình Dương với vốn khoảng 20.486 tỷ đồng (dự kiến vốn ngân sách Trung ương khoảng 5.114 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương khoảng 5.114 tỷ đồng).

Theo kế hoạch, hồ sơ dự án sau khi hoàn thiện nghiên cứu và thẩm định sẽ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp tháng 10 năm nay. Khi được thông qua, tuyến đường dự kiến khởi công năm 2025, hoàn thành sau ba năm. Dự án khi hoàn thành sẽ tạo trục giao thông chiến lược liên kết các cao tốc, quốc lộ, sân bay, giúp phát triển kinh tế xã hội cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Khu vực Tp.HCM được quy hoạch bao quanh bởi ba tuyến vành đai, giúp giảm ùn tắc nội thành và liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ngoài Vành đai 4, tuyến Vành đai 3 đi qua thành phố và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, dài hơn 76 km, đang được triển khai dự kiến hoàn thành năm 2026. Riêng Vành đai 2 nằm trọn trong địa phận Tp.HCM, dài khoảng 64 km, còn một số đoạn chuẩn bị được đầu tư khép kín.


Xuân Nhi
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm