Công ty Thuận Việt: Á quân nợ thuế ở Tp.HCM vẫn “đua” gói thầu 35.000 tỷ ở sân bay Long Thành

| 12-09-2023, 08:47 | Thị trường 24h

Nợ thuế vẫn “đua” gói thầu 35.000 tỷ ở sân bay Long Thành

Đầu tháng 8/2023, Cục Thuế Tp.HCM cho biết tổng mức nợ thuế trên địa bàn thành phố là hơn 53.000 tỷ đồng. Trong danh sách đó có nhiều "ông lớn" ngành địa ốc, doanh nghiệp nợ thuế nhiều nhất tới 6.146 tỷ đồng. Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Thuận Việt là đơn vị có số nợ thuế lớn thứ hai với 2.696 tỷ đồng. Vị trí "quán quân" thuộc về Công ty TNHH Quốc tế Thế kỷ 21 với số nợ thuế gần 6.150 tỷ đồng.

Công ty Thuận Việt được UBND Tp.HCM giao thực hiện dự án 1.330 căn hộ tái định cư (New City Thủ Thiêm) tại Thủ Thiêm. Tuy nhiên, sau đó Thanh tra Chính phủ chỉ ra Công ty Thuận Việt tự ý thay đổi thiết kế từ dự án tái định cư sang nhà ở thương mại trái luật. Nhiều năm trước đây, xung đột tại dự án trở nên rất căng thẳng khi khi chủ đầu tư là Công ty Thuận Việt buộc người dân đóng tiền trong khi người mua cho rằng dự án chưa đủ pháp lý.

Công ty Thuận Việt: Á quân nợ thuế ở Tp.HCM vẫn “đua” gói thầu 35.000 tỷ ở sân bay Long Thành

Công ty Thuận Việt của ông Võ Văn Bé là "á quân" nợ thuế ở Tp.HCM vẫn “đua” gói thầu 35.000 tỷ ở sân bay Long Thành.


Trong khi chưa giải quyết được triệt để sản phẩm, Thuận Việt liên tục bị “bêu tên” nợ thuế. Nhưng có vẻ như các khoản nợ tập trung vào công ty con nhiều hơn là công ty mẹ. Tại công ty mẹ, hồi cuối năm 2022, chỉ tiêu thuế và các khoản phải nộp nhà nước của Thuận Việt đạt 18,3 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 4,6 tỷ đồng hồi cuối năm 2021.

Không chỉ nợ thuế, Thuận Việt còn nợ người lao động. Hồi cuối năm 2022, công ty ghi nhận khoản phải trả lương cán bộ quản lý 637 triệu đồng, giảm mạnh so với con số 3 tỷ đồng hồi đầu năm và 514 triệu đồng Phải trả bảo hiểm xã hội.

Dù nợ nần nhiều nhưng Thuận Việt vẫn tham gia “cuộc đua” gói thầu 35.000 tỷ đồng ở sân bay Long Thành. Liên danh Thuận Việt góp mặt là CHEC-BCEG-Vietnam Contractors. Tuy nhiên, liên danh này sớm “dừng cuộc chơi”.

Thu không đủ bù chi

Ngoài nợ thuế, Thuận Việt còn chứng kiến nợ vay cao ngất ngưởng dù sụt giảm đáng kể. Tại ngày 31/12/2022, vay và thuê tài chính ngắn hạn tại Thuận Việt giảm 929 tỷ đồng, tương đương 34,2% xuống 1.785 tỷ đồng. Chủ nợ lớn nhất của Thuận Việt là Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Chi nhánh Hóc Môn với 1.494 tỷ đồng. Đứng sau là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) – Chi nhánh Sài Gòn với 240 tỷ đồng, Ngân hàng TNHH MTV Public VN – Chi nhánh HCM với 23 tỷ đồng.

Chỉ tính riêng khoản vay ngắn hạn thì nợ nần tại Thuận Việt đã lớn hơn Vốn góp chủ sở hữu. Hồi cuối năm 2022, Vốn góp chủ sở hữu của công ty đạt 1.500 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông bao gồm: ông Võ Văn Bé (sở hữu 95% vốn, tương đương 1.425 tỷ đồng), bà Võ Ngọc Thanh Vân (sở hữu 5% vốn, tương đương 75 tỷ đồng).

Không chỉ nợ thuế, chủ đầu tư dự án New City còn nợ nần chồng chất.


Nợ vay lớn nhưng Chi phí lãi vay của Thuận Việt rất khiêm tốn, chỉ là 15,4 tỷ đồng. Tuy nhiên, dù chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều đứng ở mức thấp so với quy mô vốn ngàn tỷ thì Thuận Việt vẫn thua lỗ khi thu không đủ bù chi.

Cụ thể, trong năm 2022, Thuận Việt ghi nhận 656 tỷ đồng Doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ, tăng 260 tỷ đồng, tương đương 65,7% so với năm 2021. Thế nhưng, do Giá vốn hàng bán đi lên mạnh hơn nên công ty thua lỗ.

Giá vốn hàng bán năm 2022 của Thuận Việt đạt 991 tỷ đồng, tăng 663 tỷ đồng, tương đương 202%. Vì vậy công ty lỗ gộp 335 tỷ đồng dù trước đó trong năm 2021, công ty đạt lãi gộp 68 tỷ đồng. Kết quả là trong năm 2022, Công ty ghi nhận lỗ sau thuế chưa phân phối tăng 391 tỷ đồng. Hồi cuối năm 2022, lỗ lũy kế là 234 tỷ đồng. Vì vậy, Vốn chủ sở hữu của công ty chỉ đạt 1.266 tỷ đồng.   


Mộc Hương - Thanh Tùng
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm