Bộ Xây dựng: Bất động sản phát triển là tất yếu và tiềm năng còn nhiều

| 13-07-2023, 16:14 | Thị trường 24h

Tại Hội thảo "Tiềm năng phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam" sáng 13/7, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn nhận định, lĩnh vực bất động sản đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia.

Tính trung bình, đóng góp của ngành xây dựng và bất động sản trong GDP các năm gần đây chiếm khoảng 11% tổng thu ngân sách (trong đó ngành bất động sản trực tiếp chiếm khoảng 4,5%).

Đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản đã không ngừng gia tăng và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của thị trường. Lũy kế đến nay, vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản đạt 66,4 tỷ USD, chiếm 15,1% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Bất động sản là lĩnh vực đứng thứ hai về thu hút FDI, chỉ sau lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn, thách thức và nảy sinh nhiều vấn đề cần phải giải quyết.

Trước những khó khăn của thị trường bất động sản trong thời gian gần đây, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh “Bộ Xây dựng cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và quốc tế trong việc thúc đẩy phát triển bền vững thị trường bất động sản tại Việt Nam”.

Bộ Xây dựng: Bất động sản phát triển là tất yếu và tiềm năng còn nhiều

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đánh giá lĩnh vực bất động sản đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia.


Đánh giá về cơ hội và tiềm năng phát triển thị trường bất động sản tại Việt Nam và những những điểm mới trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, dù có những khó khăn của thị trường bất động sản thời gian qua nhưng xu hướng phát triển là tất yếu và tiềm năng còn nhiều.

Đối với việc sửa đổi Luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản, ông Hải cho rằng việc sửa luật giúp thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của nhà nước đối với thị trường bất động sản.

Luật Nhà ở sẽ tạo tác động về kinh tế trong việc tạo cơ sở pháp lý cho các chủ thể thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ đối với tài sản là nhà ở và khuyến khích thu hút đầu tư nước ngoài. Góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở đảm bảo cân đối cung - cầu, đa dạng hóa nguồn cung, tránh tình trạng thị trường phát triển nóng, bất thường, gây lạm phát kinh tế.

Hệ thống tài chính nhà ở được hoàn thiện theo hướng ổn định và dài hạn, giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước, đồng thời đảm bảo nguồn vốn phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho các đối tượng chính sách. Tăng nguồn cung nhà ở, giảm giá nhà, tạo nhiều cơ hội cho đa số người dân tiếp cận với nhà ở phù hợp, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Các quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân nước ngoài được luật hóa theo hướng rõ ràng, cụ thể tạo sự yên tâm về điều kiện sinh sống làm việc tại Việt Nam, góp phần thu hút đầu tư nước ngoài, phù hợp với thông lệ quốc tế mà không ảnh hưởng đến chính sách nhà ở cho các đối tượng xã hội.

Luật Kinh doanh bất động sản có vai trò giúp cho thị trường bất động sản tiếp tục phát triển ổn định, lành mạnh, ngân sách nhà nước qua đó sẽ tăng thu, việc tái đầu tư lại xã hội như mở rộng trường học, xây dựng công viên, phát triển nhà ở dành cho người có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp... sẽ có thêm nguồn lực để thực hiện tốt hơn. Góp phần phát triển kinh tế xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội.

Qua đó, tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ, rõ ràng, công khai, minh bạch hơn cho hoạt động kinh doanh bất động sản, kiểm soát thị trường bất động sản, kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật của tổ chức, cá nhân khi tham gia kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra, các tổ chức trung gian, liên quan đến thị trường bất động sản như tổ chức tín dụng, văn phong công chứng, công ty luật, các doanh lĩnh vực ngành nghề sẽ được hưởng lợi từ sự phát triển của thị trường bất động sản kéo các theo nhu cầu khác về kinh tế xã hội.

Bên cạnh đó, chính sách đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân và lực lượng vũ trang cũng đã được ông Hoàng Hải làm rõ.

Về quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, theo ông Hải, trách nhiệm bố trí quỹ đất để làm nhà ở xã hội là của UBND cấp tỉnh. Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị không phải dành diện tích đất ở trong phạm vi dự án để xây dựng nhà ở xã hội. Đồng thời, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo HĐND cùng cấp việc dành một tỷ lệ nhất định nguồn tiền thu được từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng (nếu có) và đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hoặc đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội, dự án nhà lưu trú công nhân trên phạm vi địa bàn.

Đối với việc lựa chọn chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội: Trường hợp UBND cấp tỉnh thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua thì UBND tỉnh xác định chủ đầu tư theo đề nghị của cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh theo quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật về xây dựng.

Đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được đầu tư không phải bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về xây dựng thì việc lựa chọn chủ đầu tư thực hiện theo hình thức chỉ định theo pháp luật về nhà ở hoặc đấu thấu theo pháp luật về đấu thầu.

Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với toàn bộ diện tích đất của dự án và không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất, tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được miễn theo quy định của pháp luật về đất đai.

Chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận định mức 10% đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội; Được hưởng ưu đãi phần diện tích quỹ đất hoặc sàn thương mại để làm dịch vụ kinh doanh, thương mại; Chủ đầu tư được hạch toán riêng và được hưởng toàn bộ lợi nhuận đối với phần diện tích kinh doanh, dịch vụ thương mại này; Chủ đầu tư không bắt buộc phải dành 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án để cho thuê.

Về đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội. Trường hợp mua, thuê mua nhà ở xã hội thì phải đáp ứng đồng thời các điều kiện về nhà ở và thu nhập (bỏ điều kiện về cư trú). Trường hợp thuê nhà ở xã hội thì không bắt buộc phải đáp ứng điều kiện về nhà ở và thu nhập như mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Về xác định giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội không phải do nhà nước đầu tư xây dựng thì giá bán được xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở (bao gồm cả chi phí đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (nếu có) trong phạm vi dự án), lãi vay (nếu có), các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp (chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí hợp lý khác), lợi nhuận định mức 10% và không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước quy định

Giá thuê mua được xác định tương tự như giá bán nhưng không tính kinh phí bảo trì nhà ở do người thuê mua nộp theo quy định của Luật Nhà ở; Giá thuê do chủ đầu tư thỏa thuận với bên thuê; Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội xây dựng phương án giá và trình cơ quan chuyên môn của tỉnh thẩm định tại thời điểm nhà ở đủ điều kiện được bán, cho thuê mua nhà ở theo quy định của pháp luật nhà ở.

Về nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua, cho thuê nhà ở xã hội thì chủ đầu tư khi bán, cho thuê mua nhà ở không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai và không phải thông qua sàn giao dịch bất động sản. Mỗi đối tượng thuê thì mỗi thời điểm chỉ được thuê một căn nhà ở xã hội. Bên bán lại nhà ở xã hội không phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của Chính phủ và phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật thuế....


Hoàng Tư
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm