Bộ Xây dựng: Hơn 50% dự án vướng do khó xác định giá thị trường

| 4-05-2023, 14:49 | Dự án / Thị trường 24h

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội liên quan đến tình hình thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội.

Theo Bộ Xây dựng, cả nước hiện đang xây dựng 698 dự án bất động sản, bằng khoảng 57,4% so với với cùng kỳ năm trước; 17 dự án được cấp phép mới, số lượng này chỉ bằng 43,59% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung nhà ở sụt giảm, dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng chiếm số lượng lớn.

Bộ Xây dựng chỉ ra số lượng bất động sản, nhà ở trong các dự án mới đưa ra giao dịch hạn chế. Chủ yếu các sản phẩm bất động sản đưa vào giao dịch là hàng tồn kho của các dự án đã mở bán. Qua số liệu tổng hợp của các địa phương có báo cáo cho thấy nguồn cung về nhà ở thương mại trong quý I/2023 vẫn còn hạn chế và có xu hướng giảm so với quý IV/2022. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, dư nợ tín dụng bất động sản tháng 2/2023 là hơn 2,63 triệu tỷ đồng, tăng 2,19% so với 31/12/2022.

Bộ Xây dựng: Hơn 50% dự án vướng do khó xác định giá thị trường

Bộ Xây dựng: Hơn 50% dự án vướng do khó xác định giá thị trường.


Về những vướng mắc của các dự án bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng có nhiều khó khăn liên quan đến pháp luật về quy hoạch đầu tư và pháp luật về nhà ở, đô thị, xây dựng. Đặc biệt, việc xác định giá thị trường là vướng mắc của hơn 50% các dự án chậm triển khai hiện nay. Liên quan đến định giá đất theo giá thị trường, nội dung nhận được nhiều kỳ vọng sẽ khơi thông nguồn lực đất đai, song còn nhiều ý kiến trái chiều và băn khoăn liên quan đến việc xác định giá trị đất đai.

Về những khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho rằng, theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất được giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, để được miễn tiền sử dụng đất vẫn phải xác định tiền sử dụng đất rồi mới thực hiện thủ tục miễn, làm phát sinh thủ tục hành chính. Theo báo cáo của các doanh nghiệp, riêng việc thực hiện những thủ tục này mất thời gian từ 1-2 năm.

 Ngoài ra, theo quy định của Luật Nhà ở, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại các đô thị từ loại III trở lên phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội (tỷ lệ 20% theo quy định của Chính phủ), dẫn đến việc hầu hết các địa phương không bố trí các quỹ đất để phát triển dự án nhà ở xã hội độc lập.

Quy định này cũng dẫn đến việc bố trí quỹ đất không phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong khi quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội thời gian qua thiếu nhiều so với nhu cầu và không tạo sự chủ động cho địa phương.

Mới đây, Chính phủ đã có tờ trình dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gửi Quốc hội sau khi tiếp thu hơn 12,1 triệu góp ý của nhân dân về dự luật này.

Một trong những vấn đề được nhân dân tập trung cho ý kiến là tài chính đất đai, giá đất. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến nhân dân, Chính phủ quy định giá đất theo nguyên tắc thị trường. Bảng giá đất được ban hành hằng năm để đảm bảo giá đất phù hợp với nguyên tắc thị trường.

Theo phân tích của Chính phủ, qua tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy với việc ban hành bảng giá đất 5 năm một lần và điều chỉnh khi có biến động 20%, rất ít địa phương thực hiện được, làm cho bảng giá đất chưa phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường.

Cũng theo tờ trình, việc ban hành bảng giá đất hằng năm tiếp theo được hướng dẫn cụ thể theo hướng những khu vực, loại đất có biến động thì mới phải cập nhật giá đất cho phù hợp với thị trường.


Hoàng Tư
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm