Lập Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Luật Đất đai sửa đổi

Linh Giang Trần Linh Giang Trần | 6-08-2020, 03:07 | Chính sách

- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Quyết định số 1188/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi).


Lập Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Luật Đất đai sửa đổi

Theo Quyết định, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) (Ban Chỉ đạo). Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Phó Trưởng ban thường trực. Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Phó Trưởng ban.

Ban Chỉ đạo có chức năng tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện đánh giá việc thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi); đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện tổng kết thi hành Luật Đất đai; tổ chức tổng kết, đánh giá việc thi hành Luật Đất đai, xây dựng Báo cáo tổng kết để báo cáo Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo việc xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) theo yêu cầu của Ban Chấp hành Trung ương và Quốc hội.

Luật đất đai hiện đang áp dụng quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước được Quốc hội ban hành ngày 29/11/2013. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm triển khai, Luật Đất đai 2013 đã lộ rõ nhiều bất cập, chồng chéo với các Luật khác liên quan dẫn tới không rõ trách nhiệm quản lý, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, với thị trường bất động sản, Luật Đất dai 2013 còn tạo 2 điểm nghẽn như: Chưa có biện pháp giải quyết cho một dự án đầu tư mà đất đai có nguồn gốc từ nhiều nguồn khác nhau; Chưa có quy định cụ thể về chế độ sử dụng đất đối với các bất động sản đa công năng như Condotel, Officetel, Shophouse...

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, năm 2019, số đơn khiếu nại về lĩnh vực đất đai tiếp tục chiếm đa số trong tổng số đơn khiếu nại (67,7% tăng 5,9% so với năm 2018), trong đó tập trung chủ yếu vào các vấn đề như: Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; khiếu nại, tranh chấp đất đai có nguồn gốc là đất do nông, lâm trường quản lý, tranh chấp tại các dự án bất động sản,...

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm