Thị trường vốn sẽ tiếp tục quay lại quỹ đạo phát triển nhanh, hiệu quả

| 18-12-2022, 15:38 | Thị trường 24h

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2022, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính ưu tiên rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn nhằm khắc phục ngay những bất cập, vướng mắc trên thị trường chứng khoán (TTCK).

Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Chính phủ việc sửa đổi Nghị định số 65/2022/NĐ-CP để có sự điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện hiện nay cũng như khó khăn hiện tại của thị trường trái phiếu. Các nội dung sửa đổi liên quan đến vấn đề gia hạn, hoán đổi trái phiếu, định mức tín nhiệm và nhà đầu tư. Bộ Tài chính đẩy mạnh công tác giám sát hoạt động giao dịch trên TTCK cơ sở, TTCK phái sinh, thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Kịp thời chia sẻ, cung cấp thông tin và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xử lý, ngăn chặn các hành vi thao túng, tăng cường kỷ luật trên thị trường.

Thị trường vốn sẽ tiếp tục quay lại quỹ đạo phát triển nhanh, hiệu quả

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi.


Về tổ chức thị trường trái phiếu, Bộ Tài chính sẽ phát triển thị trường trái phiếu đồng bộ theo hai phương thức phát hành trái phiếu ra công chúng và phát hành riêng lẻ.

Đối với kênh phát hành ra công chúng, Bộ Tài chính sẽ cố gắng tạo các điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát hành. Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng đã có chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đủ điều kiện phát hành thì họ có thể phát hành trái phiếu ra công chúng, để tiếp cận đến tất cả các đối tượng nhà đầu tư.

Đối với kênh phát hành riêng lẻ, do những biến động thị trường vừa qua, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng có các chỉ đạo để có những giải pháp bình ổn lại thị trường.

Cũng theo ông Chi, Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng khuyến nghị các doanh nghiệp trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc về thanh toán thì phải làm việc, đàm phán với các nhà đầu tư để thống nhất phương án cơ cấu lại trái phiếu đó. Chẳng hạn như cơ cấu về mặt kỳ hạn, cơ cấu về mặt lãi suất, về mặt phương thức thanh toán trái phiếu.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho hay, đã chỉ đạo các Sở Giao dịch chứng khoán chuẩn bị nền tảng giao dịch TPDN riêng lẻ nhằm phát triển thị trường thứ cấp minh bạch, an toàn, tăng cường khả năng quản lý, giám sát, giảm thiểu rủi ro. Nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường thông qua việc tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đang tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng TTCK Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra nhằm thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường Việt Nam.

Thứ trưởng chia sẻ, bước sang năm 2023 và các năm tiếp theo, cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, các chính sách và việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, việc điều hành hợp lý các thị trường tín dụng, tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính tin thị trường vốn sẽ tiếp tục quay trở lại quỹ đạo phát triển nhanh, hiệu quả, bền vững và trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng của doanh nghiệp.

Bà Vũ Thị Chân Phương, Phó chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, trong tháng 12/2022, thị trường có khoảng 42,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Trong đó, doanh nghiệp bất động sản là 19.287 tỷ đồng (99,5% có tài sản đảm bảo); tổ chức tín dụng là 9.828 tỷ đồng; doanh nghiệp sản xuất là 7.854 tỷ đồng, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ là 2.100 tỷ đồng .

Ngoài ra, trong năm 2023, khối lượng đáo hạn cả năm là 282,167 nghìn tỷ đồng. Riêng quý 1/2023, dự kiến đến hạn 35,9 nghìn tỷ đồng.

Luỹ kế từ đầu năm đến 25/11/2022, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp là 331.811 tỷ đồng, giảm 31,6% so với cùng kỳ năm 2021.

Về cơ cấu phát hành, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp bất động sản, xây dựng vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng khối lượng phát hành. Tính đến ngày 25/11/2022, các ngân hàng thương mại phát hành chiếm 41%, các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng chiếm lần lượt 28,59 % và 7,73% tổng khối lượng phát hành, doanh nghiệp sản xuất chiếm 6,72% tổng khối lượng phát hành.

Cũng theo bà Phương, hoạt động mua lại trước hạn gia tăng, với tổng khối lượng trái phiếu mua lại lũy kế từ đầu năm là 161.656 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cả năm 2021.

Đánh giá về thị trường trái phiếu, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cho biết, thời gian qua có nhiều khó khăn, chủ yếu xuất phát từ sự sụt giảm niềm tin của thị trường do sai phạm của một số doanh nghiệp vừa bị xử lý, cũng như việc một số phương tiện đưa tin không chính thống, tin thất thiệt về một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường và tâm lý nhà đầu tư...

Bên cạnh đó, thanh khoản của thị trường cũng gặp khó khăn trong thời gian qua khi lãi suất ngân hàng tăng, dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang hệ thống ngân hàng thương mại và các doanh nghiệp khó khăn trong cân đối nguồn vốn kinh doanh và trả nợ trái phiếu đến hạn.


Huyền Châu
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm