Thị trường bất động sản ổn định hay không phụ thuộc vào bảng giá đất

| 15-09-2022, 15:04 | Thị trường 24h

Tại buổi họp báo Diễn đàn Kinh tế xã hội Việt Nam năm 2022 với chủ đề "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững" diễn ra sáng 15/9, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đã có trao đổi xoay quanh khung giá đất trong Luật Đất đai (sửa đổi) và giảm thuế đối với xăng dầu.

Theo ông Thanh, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được Thường trực Uỷ ban Kinh tế họp phiên mở rộng để thẩm tra sơ bộ, dự kiến tổ chức ngày 16/9. Trong 8 gói chính sách theo Nghị quyết 18 của Hội nghị T.Ư 5 khóa XIII đã đặt ra chính sách tài chính, giá đất. Nghị quyết cũng đặt vấn đề bỏ khung giá đất, giao cho các địa phương ban hành bảng giá đất, với yêu cầu khách quan độc lập, bảo đảm sát giá thị trường.

Tuy nhiên, ông Thanh cho rằng, việc xác định giá đất là vấn đề rất khó và sẽ tác động đến rất nhiều đối tượng trong xã hội. Đơn cử việc nâng bảng giá đất giúp người dân được nhà nước bồi thường, hỗ trợ cao hơn, khiếu nại, tố cáo đất đai sẽ giảm, nhưng chi phí doanh nghiệp sẽ phải bồi thường nhiều hơn, dẫn đến tiền thuê đất, sử dụng đất sẽ tăng lên. Giá đất có thể giải quyết được vấn đề đối với đối tượng này nhưng có thể ảnh hưởng tới đối tượng khác.

Thị trường bất động sản ổn định hay không phụ thuộc vào bảng giá đất

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh.


Do đó, theo ông Vũ Hồng Thanh đưa ra bảng giá đất như thế nào là những vấn đề hết sức khoa học, thực tiễn cần phải nhìn thấu đáo theo nhiều chiều để xử lý.

Liên quan đến việc bỏ khung giá đất nhưng ở giữa 2 địa phương giáp ranh, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, trước đây có khung của Chính phủ để 2 địa phương liền kề đưa ra những bảng giá sát nhau. Bây giờ trao thẩm quyền cho HĐND các địa phương thì giá lại vênh nhau. Trên cùng một con đường, nhưng giá đất 2 tỉnh khác nhau cũng gây ra tranh cãi. Theo đó, Ủy ban Kinh tế sẽ cùng các cơ quan liên quan xử lý hài hòa. Không thể nào đưa ra một giá đất thỏa mãn, hài hòa lợi ích mọi đối tượng.

Liên quan đến thị trường bất động sản sau khi sửa Luật Đất đai, theo ông Thanh, thị trường ổn định hay không phụ thuộc vào việc giá đất, bảng giá đất tới đây sẽ thế nào. Đây là vấn đề phức tạp. Nhưng mục đích của chúng ta là phải ổn định được thị trường bất động sản.

Dự kiến Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến qua 3 kỳ họp. Sau khi cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, các cơ quan sẽ tiếp thu, tới đầu năm sau sẽ tổ chức xin ý kiến nhân dân rộng rãi, phục vụ việc hoàn thiện về tài chính đất đai và giá đất là "hai vấn đề vốn gây ra nhiều khiếu kiện".

Về giảm thuế xăng dầu, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời ban hành nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường, giúp giá xăng dầu trong nước hạ nhiệt.

Trả lời câu hỏi về vấn đề liệu có xem xét tiếp tục giảm một số loại thuế với xăng dầu như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT… hay không? Ông Thanh cho rằng, theo Nghị quyết 43, chỉ giảm thuế GTGT với mặt hàng không tiêu thụ đặc biệt, trong khi đó xăng dầu nằm trong nhóm hàng tiêu thụ đặc biệt nên không giảm được thuế GTGT.

Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ theo dõi tình hình giá xăng dầu thế giới, để đánh giá tác động, có đề xuất giảm các loại thuế với xăng dầu. Thuế bảo vệ môi trường đã giảm kịch khung theo thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các sắc thuế khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế bật mí đến giờ chưa nhận được tờ trình của Chính phủ. Ngoài thuế, trong Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị xem lại các yếu tố cấu thành giá xăng dầu, hay sử dụng Quỹ bình ổn xăng dầu thế nào… để giá trong nước diễn biến theo sát giá thế giới.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội. Việc có trình giảm các loại thuế này hay không sẽ phụ thuộc vào diễn biến giá xăng dầu thị trường thế giới.

Ông Vũ Hồng Thanh khẳng định, nếu giá thế giới tiếp tục tăng cao trên 100 USD/thùng, chắc chắn phải xem xét điều chỉnh thuế, các yếu tố cấu thành trong xăng dầu để hạ nhiệt mặt hàng này. Chính phủ sẽ theo dõi tình hình giá xăng dầu thế giới để đề xuất Quốc hội xem xét trong kỳ họp sắp tới.

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam 2022 do Ủy ban Kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức. Với chủ đề "Củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững", Diễn đàn sẽ diễn ra trong cả ngày 18/9/2022 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.

Diễn đàn Kinh tế - xã hội Việt Nam năm 2022  sẽ tập trung trao đổi, thảo luận về các nội dung, như: làm rõ bối cảnh quốc tế; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế; đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022 và dự báo cả năm 2022. Diễn đàn còn tập trung trao đổi, tham vấn ý kiến về các vấn đề “nóng” của kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế; các vấn đề về thể chế phát triển trong bối cảnh mới; nhận diện rủi ro lạm phát, rủi ro tài chính, tài khóa, tiền tệ; rà soát, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022… nhằm tập hợp, tổng hợp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu, hàng đầu trong nước, chuyên gia của các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp...

Theo dự kiến, Diễn đàn bao gồm 1 phiên toàn thể và 2 phiên hội thảo chuyên đề, cụ thể: Chuyên đề 1 có chủ đề về đẩy mạnh cải cách thể chế - Hoàn thiện chính sách về đất đai, giải pháp quan trọng trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; Chủ đề chuyên đề 2 là về thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tạo động lực phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.


Tâm An
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm