Loay hoay phát triển công trình xanh

| 26-07-2019, 17:10 | Thị trường 24h

Công trình xanh đang là xu thế tất yếu trong phát triển của thị trường bất động sản, tuy nhiên tại nước ta các doanh nghiệp đang thiếu cơ chế để phát triển công trình này.




Loay hoay phát triển công trình xanh

Toàn cảnh hội thảo về công trình xanh diễn ra mới đây

Là một trong những đơn vị tiên phong trong việc đưa công trình xanh vào phân khúc nhà ở bình dân tại Việt Nam, ông Trịnh Tùng Bách - Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển của Tập đoàn Capital House cho biết để xây dựng các dự án công trình xanh hiện nay đang gặp rất nhiều thách thức.

Thách thức phát triển công trình xanh

Thách thức trước tiên là về chi phí ban đầu, khi nói đến công trình xanh, người ta thường nghĩ đến việc tốn nhiều chi phí về vật liệu, thiết kế. Trong khi đó, theo quy định thì lợi nhuận và mức giá bị khống chế không vượt quá 10%, tức việc đầu tư công trình xanh tác động trực tiếp đến lợi nhuận của chủ đầu tư.

Theo kinh nghiệm thực hiện dự án của Capital House, chi phí phụ trội cho các công trình xanh thường giao động từ 1 – 1,5% tổng kinh phi thực hiện dự án. Với sự khống chế về lợi nhuận cũng như giá bán nhà ở xã hội, việc thêm chi phí đó đồng nghĩa với lợi nhận của chủ đầu tư cũng giảm 1 – 1,5%.

Nhưng bỏ từng đó tiền, lợi ích của chủ đầu tư chính là giá bán và tiêu thụ tốt hơn, chi phí vận hành giảm, đặc biệt là trường học và văn phòng, khách hàng hài lòng hơn về môi trường sống, sức khoẻ, giữ giá khi giao dịch, góp phần bảo vệ tài nguyên, phát triển bền vững…

Bên cạnh đó, khó khăn cũng đến từ nhận thức của người mua căn hộ khi hiện nay cả người mua lẫn những người bán chưa có khái niệm cũng như yêu cầu về công trình xanh.

“Nhắc đến xanh mọi người đều nghĩ rất đắt hoặc nhiều cây xanh. Do đó, khi mới bắt đầu tiếp cận, chúng tôi cũng gặp nhiều rào cản về suy nghĩ của mọi người. Đôi khi chúng ta chỉ nghĩ về công trình xanh với những giải pháp cao cấp, công nghệ, nguyên vật liệu đắt đỏ… mà quên mất việc áp dụng những giải pháp thiết kế thụ động, những ứng dụng thiết kế thông minh”, ông Bách nói.

Nhiều người khi được hỏi về tiêu chí lựa chọn căn hộ thì họ hoàn toàn không nhắc đến tiêu chí xanh của công trình, trong khi đó người hưởng lợi ích lâu dài của các công trình này không ai khác mà chính là cư dân ở đó.

Ông Bách cho biết, những dự án đầu tiên của Capital House: Ecohome 1, Ecohome 2, 2 dự án này có các yếu tố xanh gồm: Cảnh quan - cây xanh, gạch không nung, đèn LED cho không gian nội - ngoại thất, năng lượng mặt trời. Kết quả nghiên cứu từ USA cho thấy chi phí phát sinh dao động từ -18% tới 9%; +2,42% so với dự án thông thường. Kết quả nghiên cứu từ 16 dự án đưa ra kết quả chi phí vận hành giảm đối với chủ đầu tư và cư dân, lợi ích trong cả vòng đời dự án, nhưng nhiều hơn là lợi ích mang tới cho cư dân.

Cũng theo ông Bách, thách thức lớn nhất là hiện tại chưa có cơ chế chính sách cho công trình xanh, cũng như chưa có bộ tiêu chuẩn cụ thể riêng biệt, phù hợp với thực tế thị trường bất động sản Việt Nam, vì thế doanh nghiệp để thực hiện và xây dựng thương hiệu công trình xanh đang rất khó khăn.

Cần có tiêu chuẩn riêng

Công trình xanh là một giải pháp thông minh để giải quyết các bài toán Việt Nam đang gặp phải trong vấn đề ô nhiễm môi trường. Một số thách thức liên quan đến năng lượng: Do quá trình đô thị hoá, ô nhiễm và giải pháp chính là xây dựng xanh.

Theo ông Đỗ Viết Chiến - Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, phát triển xanh, tăng trưởng tất yếu không thể nào khác được, muốn hay không cũng sẽ xảy ra. Công trình xanh không chỉ là giải pháp để tiết kiệm năng lượng mà còn giúp bảo vệ môi trường, tăng chất lượng sống cho người dân.

Thực tế, hiện nay trên thị trường đã có các công trình xanh nhỏ lẻ, chưa có hệ thống, tự phát mang tính chất tự làm, tự kiếm trong lĩnh vực này. Mặc dù nhà nước đã sớm có chủ trương thực hiện các công trình xanh nhưng từ chủ trương đến thực tế vẫn còn một khoảng cách khá xa.

Đặc biệt, còn tồn tại các tên gọi có từ như Eco, Green khiến cho người mua thường nhầm tưởng rằng đó là công trình xanh. Tác hại của việc đặt tên đó là sự nhiễu loạn thị trường, khác hàng không hình dung được thế nào là công trình xanh. Do vậy, để thực hiện hóa xu hướng công trình xanh trước tiên phải bắt đầu từ những cơ chế chính sách, từ tiêu chuẩn quy phạm, phải có tiêu chuẩn về quy hoạch.

Cũng theo ông Chiến, khi làm công trình xanh, nhà xanh hay đô thị xanh cuối cùng vẫn căn cứ vào giải pháp tự nhiên. Do đó, là đô thị xanh thì vẫn căn cứ và yếu tố tự nhiên, dù áp dụng công nghệ thông minh ra sao cũng phải căn cứ vào yếu tố khí hậu nhiệt đới của chúng ta. Không thể đi ngược lại tự nhiên rồi lại lấy công nghệ thông minh để sửa lại tự nhiên, đó là cưỡng bức tự nhiên và công nghệ.

Với các bộ tiêu chuẩn như Lotus, EDGE thì các tiêu chuẩn này vẫn dựa trên các tiêu chí, điều hiện và tình hình của các nước khác, cho nên, để phù hợp hơn, Chính phủ cần sớm có những bộ tiêu chuẩn cụ thể dựa trên các yếu tối thực tế của điều kiện tự nhiên ở nước ta.

Ngoài ra, để áp dụng công trình xanh vào các dự án nhà ở bình dân, theo ông Trịnh Tùng Bách, cần phải có những cơ chế để tăng phụ trợ chi phí cho chủ đầu tư.

DIỆU HOA

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm