Doanh nghiệp thích nghi với khủng hoảng do đại dịch Covid 19

| 10-03-2021, 03:10 | Phân tích Nhận định

Sự may mắn là thứ mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng mong muốn tìm thấy trong cuộc khủng hoảng do Covid-19, tuy nhiên may mắn dường như chỉ tìm đến những doanh nghiệp nào có kế hoạch tốt và hành động nhanh.


Năm 2020 là một năm đầy biến động với sự xuất hiện của cuộc khủng hoảng chưa từng có tiền lệ do đại dịch Covid-19 gây ra mà có lẽ các doanh nhân sẽ không bao giờ quên được.


“Chúng ta chưa bao giờ gặp tình huống như vậy. Sự kiện này làm thay đổi mọi thứ, công ty nào cũng gặp khó khăn và An Gia cũng không phải ngoại lệ”, ông Nguyễn Trung Tín, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bất động sản An Gia chia sẻ trong sự kiện ra mắt gói hỗ trợ startup Việt của Propzy Hub.


An Gia là một trong những nhà phát triển bất động sản còn khá non trẻ tại TP. HCM, tập trung vào các sản phẩm ở phân khúc cấp trung phù hợp với các khách hàng trẻ với mức giá phải chăng.


Ông Tín cho biết, vũ khí mạnh nhất của An Gia trong công tác bán hàng là tạo được các sản phẩm “làm say lòng người mua hàng”. Để khách hàng thấy đẹp, An Gia đã đầu tư xây dựng các nhà mẫu có giá trị từ 60-80 tỷ đồng cho khách đến trải nghiệm.


“Vũ khí” khác cũng không kém quan trọng đối với An Gia là các sự kiện được tổ chức chăm chút, tỉ mỉ với hàng nghìn người tham dự. Mỗi sự kiện như vậy, An Gia có thể bán được lên tới 500 đến 600 sản phẩm chỉ trong một buổi bán hàng trực tiếp. Tuy nhiên Covid-19 diễn ra đã khiến An Gia mất đi hai vũ khí mạnh nhất này.


Yêu cầu giãn cách xã hội cũng như nỗi lo về sự lây lan của dịch bệnh đã làm giảm sút lượng khách đến nhà mẫu nhiều. Dù khách muốn đến thì cũng không được tập trung quá 20 người. Cũng vì tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh mà các sự kiện bị hạn chế đến mức tối thiểu. Hơn nữa, những đơn vị như An Gia cũng không muốn xảy ra bất cứ sự cố nào.


Trước tình hình đó, ban lãnh đạo An Gia đã quyết định chuyển đổi từ chiến lược bán hàng tập trung sang chiến lược “đánh du kích”. Thay vì mời khách hàng đến tham quan nhà mẫu, đơn vị này chú trọng bán hàng qua các kênh trực tuyến, đầu tư chăm chút các trải nghiệm trên môi trường trực tuyến dành cho khách hàng.


Ông Nguyễn Trung Tín, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Bất động sản An Gia. (Ngồi ghế 2 từ phải sang).


“Đó cũng có thể xem là may mắn vì chúng tôi đã thử nghiệm được một hình thức bán hàng mới lạ. Tôi nghĩ rằng trong tương lai chúng tôi có thể bán được hàng dưới mọi điều kiện khó khăn”, ông Tín cho biết.


Một điều may mắn khác được ông Tín chia sẻ là công ty đã nhận được nhiều lời đề xuất tham gia đầu tư của các quỹ lớn với lãi suất tốt. Covid-19 diễn ra khiến các quỹ đầu tư không có nhiều cơ hội đầu tư, cũng vì vậy mà họ phải trực tiếp đi tìm kiếm những công ty đang hoạt động tốt để giải ngân.


Bên cạnh đó, trong bối cảnh Covid-19, nhiều chủ đất cũng ái ngại những nguy cơ trục trặc trong quá trình triển khai nên muốn bán bớt quỹ đất. Đó là lúc An Gia có cơ hội tiếp cận và mua các quỹ đất đẹp.


Hoạt động ở một lĩnh vực khác hẳn, khó khăn lớn nhất của Jupviec – công ty công nghệ cung cấp nền tảng kết nối nhu cầu giúp việc của khách hàng và người lao động, là sự e ngại việc tiếp xúc giữa chủ nhà và người giúp việc trong giai đoạn “nhạy cảm”.


Tuy nhiên, may mắn của Jupviec là từ trước đến nay hoạt động theo mô hình của một công ty công nghệ chứ không phải mô hình của công ty cung cấp dịch vụ. Do đó, làm việc từ xa hay câu chuyện chuyển đổi số trên thực tế không còn là việc gì xa lạ. “Một trong những cách chúng tôi làm là lên kế hoạch tốt và hành động nhanh”, ông Phan Hồng Minh, CEO Jupviec cho biết.


Ông Phan Hồng Minh, CEO Jupviec


Chẳng hạn, thay vì xem báo cáo theo ngày thì đội ngũ lãnh đạo và quản lý của Jupviec phải xem báo cáo theo tiếng, cứ mỗi tiếng lại điều chỉnh một lần và đảm bảo không bỏ sót đơn hàng, kiểm soát tốt dòng tiền.


Trong khi đó, may mắn hơn An Gia và Jupviec, ông Nguyễn Hoàng Trung, đồng sáng lập và CEO Loship cho biết startup này không gặp nhiều khó khăn về hoạt động kinh doanh do bản chất ngành nghề phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.


Tuy nhiên, một vấn đề mà Loship gặp phải trong mùa Covid-19 là khả năng tiếp cận các nguồn vốn trở nên hạn chế hơn khi startup này không còn ở giai đoạn thử nghiệm mà đã bắt đầu mở rộng hoạt động ở nhiều vùng địa lý.


Ông Trung cho biết gặp rất nhiều khó khăn trong việc thuyết phục nhà đầu tư trong thời kỳ khủng hoảng. Lãnh đạo Loship thay đổi hoàn toàn kế hoạch gọi vốn. Thay vì gọi các vòng lớn, Loship chia thành các thương vụ nhỏ để nhà đầu tư dễ đưa ra quyết định hơn. Các hoạt động gọi vốn trong mùa dịch đều được thực hiện trực tuyến qua ứng dụng Zoom.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm