Mua nhà trên giấy tờ : Những lưu ý bạn cần biết

Linh Giang Trần Linh Giang Trần | 27-07-2021, 15:28 | Kiến thức

Mua nhà trên giấy là gì? Ưu nhược điểm của hình thức đầu tư này?

Dự án còn nằm trên giấy có nghĩa là dự án sẽ hình thành trong tương lai, pháp lý chưa hoàn thiện hoặc đang trong giai đoạn bắt đầu xây dựng mà còn phải mất rất lâu mới hoàn thành. Ưu điểm của việc đầu tư sớm này là số tiền bạn bỏ ra để đầu tư ban đầu sẽ thấp hơn rất nhiều so với việc bạn mua nhà đã hoàn thiện và bàn giao. Thông thường, những đợt mở bán đầu của dự án sẽ có mức giá bán tốt hơn so với các đợt mở bán tiếp theo.

Đơn cử như các dự án căn hộ chung cư, vào đợt mở bán đầu tiên của dự án, chủ đầu tư thường chỉ đưa ra mức giá sát với giá thành thực tế nhất để khảo sát, đánh giá tình hình thị trường và mức giá này chắc chắn sẽ tăng dần vào các đợt mở bán tiếp theo. Chưa kể việc đầu tư dự án ngay từ giai đoạn này bạn sẽ nhanh chóng và dễ dàng có được cho mình các vị trí đẹp nhất.


Mua nhà trên giấy tờ : Những lưu ý bạn cần biết

Các dự án trên giấy luôn thu hút những người đầu tư mạo hiểm vì khả năng sinh lợi cao

Đương nhiên, kênh đầu tư nào sinh lợi càng nhiều luôn đi kèm với rủi ro càng cao. Khi đầu tư mua nhà trên giấy, bạn hoàn toàn không biết được năng lực của chủ đầu tư tới đâu, chất lượng thi công cũng như tiến độ công trình thế nào, thậm chí gặp vướng mắc pháp lý ở các giai đoạn sau dẫn tới dự án bị treo, bị thu hồi hoặc bị chủ đầu tư lừa và kết quả là bạn mất trắng. Câu hỏi cần đặt ra lúc này đó là làm sao để an toàn khi mua nhà trên giấy? Hãy xem những lưu ý dưới đây:

Lưu ý cần nhớ khi mua nhà trên giấy: Xác định chủ đầu tư uy tín

Điều tiên quyết và quan trọng nhất khi bạn quyết định đầu tư vào loại hình bất động sản hình thành trong tương lai này là phải lựa chọn và xác định được chủ đầu tư uy tín. Một chủ đầu tư uy tín sẽ luôn rõ ràng minh bạch và công khai thông tin dự án, nhất là với các dự án hình thành trong tương lai thì điều này càng quan trọng. Ngoài ra, khi lựa chọn chủ đầu tư uy tín thì bạn sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin về thủ tục pháp lý, giấy phép xây dựng, có đang cầm cố dự án ở ngân hàng hay không…

Các câu hỏi giúp bạn xác định chủ đầu tư dự án có uy tín hay không:

  • Năng lực chủ đầu tư trong lĩnh vực bất động sản như thế nào?: Bạn hãy tìm hiểu thông tin về các dự án đã triển khai và hoàn thành trước đó của chủ đầu tư như quy mô, cơ sở hạ tầng, tiện nghi tiện ích, mức giá của các dự án đó… Qua các thông tin trên bạn sẽ phần nào hình dung được dự án mình sẽ nhận được sau này.

  • Đánh giá của cư dân, người sử dụng về dự án của chủ đầu tư như thế nào?: Thông qua lời đánh giá thực tế của người sử dụng bạn sẽ biết chủ đầu tư đã từng có vấn đề gì hay không, chất lượng thực tế các dự án khác của chủ đầu tư như thế nào. Một lời khuyên cho bạn là nên tìm kiếm thông tin qua các diễn đàn thảo luận công khai, các bài báo, bài blog chứ đừng nên chỉ đánh giá qua website chủ đầu tư hoặc trang quảng cáo dự án.

Tìm hiểu kỹ càng thông tin chủ đầu tư là cách giúp bạn tránh được rủi ro mất trắng

  • Các thông tin pháp lý của dự án có rõ ràng hay không?: Các giấy tờ, thông tin về dự án bạn cần đòi hỏi chủ đầu tư công khai trước khi quyết định đầu tư dự án đó là giấy phép chấp thuận dự án, dự án đã được phép huy động vốn hay chưa. Cơ sở nào để chủ đầu tư đảm bảo triển khai dự án đến khi hoàn tất như cam kết, giải trình tài chính khi xin chấp thuận đầu tư dự án.

Lưu ý cần nhớ khi mua nhà trên giấy: Rà soát thực trạng dự án

Không gì có thể xác thực và chắc chắn hơn việc "mắt trực tiếp thấy, tai trực tiếp nghe và tay trực tiếp cầm". Bước tiếp theo khi người đầu tư vào dự án hình thành trong tương lai cần làm là yêu cầu chủ đầu tư cung cấp thông tin dự án đã được cấp phép xây dựng hay chưa hoặc tại thời điểm mở bán, dự án đã hoàn tất xây dựng phần móng chưa và phải có biên bản nghiệm thu.

Ngoài ra, các loại giấy tờ, hồ sơ bạn cần phải tận mắt thấy và xác định là thật. Đừng bao giờ tin vào lời hứa cứ yên tâm giấy tờ còn thiếu sẽ hoàn thành và bổ sung sau. Bạn là người đầu tư, dù có mạo hiểm đến đâu cũng cần phải có bằng chứng cụ thể, đừng phó mặt mọi thứ cho may rủi. 

Lưu ý cần nhớ khi mua nhà trên giấy: Kiểm chứng dự án có được bảo lãnh từ ngân hàng?

Dù mua nhà với hình thức tiền có sẵn hay đi vay, người đầu tư vào các dự án hình thành trong tương lai đều có quyền yêu cầu chủ đầu tư giải trình dự án có được bảo lãnh tại ngân hàng theo luật nhà ở hay không. Hình thức bảo lãnh là cho toàn bộ công trình hay bảo lãnh riêng lẻ. Ngoài ra, việc dự án có đang thế chấp tại ngân hàng không là hết sức quan trọng. Cần chú ý xem việc thế chấp dự án được thực hiện tại một hay nhiều ngân hàng, tránh tình trạng rắc rối, vay chồng chéo.


Bạn sẽ được lợi và an toàn hơn khi mua nhà có bảo lãnh của ngân hàng

Lưu ý cần nhớ khi mua nhà trên giấy: Xem xét kỹ điều khoản hợp đồng

Vì là dự án hình thành trong tương lai nên vào giai đoạn hiện tại bạn khó có thể hình dung được dự án thực tế sẽ như thế nào và không chắc chắn rằng bạn sẽ nhận được sản phẩm như mong muốn. Vì vậy trước khi bạn đặt bút ký vào hợp đồng mua nhà trên giấy, bạn cần xem xét bổ sung vào các điều khoản bắt buộc chủ đầu tư phải cam kết đảm bảo chất lượng thi công, sản phẩm bạn nhận được phải đúng như thiết kế.

Ngoài ra, giá trị hợp đồng chính xác là bao nhiêu cũng là điều bạn cần phải lưu ý. Khoản chi phí trên hợp đồng đã cố định, hoàn chỉnh chưa hay còn phát sinh ở tương lai, nếu có phát sinh thì khoản phát sinh đó được tính như thế nào. Diện tích căn hộ sẽ được tính như thế nào (bao gồm tiêu chí đo đạc) và có cam kết về lối đi chung hay không.


Ảnh minh hoạ

Lưu ý cần nhớ khi mua nhà trên giấy: Bám sát lộ trình giao nhà

Bạn cần phải xác định được chủ đầu tư trong trường hợp nhà bị bàn giao trễ sẽ có phương án giải quyết hay không và cách giải quyết này như thế nào. Tương tự, trong trường hợp căn nhà, các tiện ích, tiện nghi bạn nhận được không đúng như thiết kế thì cách giải quyết sẽ là như thế nào. Đây là lưu ý rất quan trọng giúp bạn đảm bảo quyền lợi của mình vì vậy hãy xác định rõ ràng với chủ đầu tư và tốt nhất nên thể hiện rõ trong hợp đồng mua bán.

Lưu ý cần nhớ khi mua nhà trên giấy: Kiểm soát rủi ro không nhận được nhà

Cách giảm thiểu rủi ro tốt nhất là đặt mình vào tình huống rủi ro từ đó tìm được nguyên nhân và hướng giải quyết. Có lẽ khi bạn quyết định đầu tư vào các dự án hình thành trong tương lai, điều bạn không mong đợi nhất là mình không thể nhận được nhà mà lý do đến từ phía chủ đầu tư. Tìm hiểu kỹ các trường hợp bất khả kháng nào khiến chủ đầu tư không thể giao nhà cho bạn là cách giúp bạn có được sự chuẩn bị trước và giảm thiểu tối đa nguy cơ mất trắng.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm