Dự án BT của Tập đoàn Nam Cường lọt 'tầm ngắm' thanh tra

| 3-06-2022, 07:34 | Dự án / Thị trường 24h

Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội vừa có quyết định thành lập Đoàn thanh tra để tiến hành thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai đối với 33 tổ chức sử dụng đất tại 11 quận, huyện.

Cụ thể tại các địa phương gồm: Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hoàng Mai, Tây Hồ, Ba Đình, Đông Anh, Hoài Đức, Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ và Quốc Oai.

Đoàn Thanh tra gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, đại diện các Sở, ngành Quy hoạch - Kiến trúc, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Cục Thuế thành phố, Thanh tra thành phố, Phòng An ninh Kinh tế Công an TP. Hà Nội và đại diện UBND 11 quận, huyện nơi có địa điểm sử dụng đất của đối tượng thanh tra.

Dự án BT của Tập đoàn Nam Cường lọt 'tầm ngắm' thanh tra

Toà nhà Tập đoàn Nam Cường, KĐT Dương Nội, Hà Đông.


Đáng chú ý, trong danh sách thanh tra có Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường liên quan đến giao đất để xây dựng trục kinh tế trên địa bàn huyện Thạch Thất.

Dự án này được đầu tư theo hình thức BT (xây dựng – chuyển giao) và được hoàn vốn từ dự án các khu đô thị dọc tuyến đường. Trước đây dự án có tên là đường trục phát triển kinh tế xã hội bắc Nam tỉnh Hà Tây, nay là TP. Hà Nội.

Theo tìm hiểu, dự án đầu tư xây dựng đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc – Nam có chiều dài là 63,32km, mặt cắt ngang 42m, đi qua 6 huyện của Hà Nội, có tổng trị giá đầu tư là 7.694 tỷ đồng (theo dự toán lập từ năm 2008).

Dự án đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và khởi công xây dựng từ ngày 6/7/2008, tuy nhiên đến nay dự án bị chậm tiến độ và chưa đưa vào sử dụng.

Tháng 3/2021, TP. Hà Nội cũng đã có báo cáo số 75/BC-UBND về tình hình quản lý các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.

Theo đó, Hà Nội rà soát có 383 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai. Trong đó, 295 dự án đã được giao đất, cho thuê đất; 88 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất; 161 dự án có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật đất đai. Và trong số này có dự án liên quan đến Tập đoàn Nam Cường. 

Cụ thể, tại dự án khu đô thị Chương Mỹ tại Đông Sơn, Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ diện tích 5.673ha của Nam Cường được quyết định giao đất, cho thuê đất ngày 28/7/2018 chậm hoàn thành giải phóng mặt bằng, kết luận thanh tra dự án này không còn phù hợp quy hoạch chung của thị trấn Chúc Sơn. 

Tại dự án Xây dựng đường giao thông, khớp nối hạ tầng kỹ thuật khu đô thị mới Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm được giao đất từ ngày 7/9/2011, diện tích chậm giải phóng mặt bằng 475 m2. UBND TP. Hà Nội yêu cầu Tập đoàn Nam Cường phối hợp với UBND quận Bắc Từ Liêm làm việc với Học viện Kỹ thuật quân sự để làm rõ nội dung vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng diện tích trên.

Bên cạnh hai dự án chậm giải phóng mặt bằng, tại dự án Xây dựng đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam và dự án Giao đất để xây dựng trục kinh tế tại huyện Thạch Thất của Tập đoàn Nam Cường cũng bị UBND TP. Hà Nội kiểm tra, hậu kiểm và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong đó, riêng dự án Dự án Xây dựng đường trục phát triển kinh tế xã hội Bắc Nam giai đoạn 1 thuộc địa phận Chương Mỹ được đầu tư theo hình thức BT đã bị loại bỏ do trùng lắp, nhà đầu tư nghiên cứu khi chưa có chỉ đạo của UBND TP. 

Cũng theo báo cáo của UBND TP. Hà Nội, dự án khu đô thị Quốc Oai của Tập đoàn Nam Cường với diện tích 9.407ha đã bị thu hồi đất. 

Bên cạnh đó, Hà Nội cũng kiến nghị gia hạn 24 tháng, nộp nghĩa vụ tài chính đối với dự án Bệnh viện Quốc tế 500 giường tại Dương Nội do Tập đoàn Nam Cường làm chủ đầu tư.

Trước đó, dư luận xôn xao về nghi vấn Tập đoàn Nam Cường bán nhà “hai giá” để trốn thuế do trong quá trình tư vấn cho khách hàng, nhân viên của Nam Cường đã hướng dẫn cho khách hàng làm hợp đồng mua bán với giá thấp hơn rất nhiều so với giá giao dịch thực tế nhằm lách luật, trốn thuế. 

Luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều, Trưởng Văn phòng Luật sư Bắc Nam, Đoàn luật sư Hà Nội phân tích: Mục c, Khoản 1, Điều 6, Nghị định 140/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 về lệ phí trước bạ và Điều 1, Nghị định 20/2019/NĐ-CP ngày 21/2/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP đã quy định rất rõ: Trường hợp giá nhà, đất tại hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà cao hơn giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành thì giá tính lệ phí trước bạ đối với nhà, đất là giá tại hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà.

“Căn cứ vào các Quy định nêu trên, nếu Tập đoàn Nam Cường đã cố ý ký hợp đồng mua bán nhà với khách hàng bằng mức giá thấp hơn và thu tiền ngoài hợp đồng, không có hóa đơn chứng từ như nhân viên công ty đã nói là có dấu hiệu vi phạm pháp luật”, Luật sư Kiều cho biết. ​

Theo luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều, hành vi này đã làm tổn hại tới nguồn thu của Nhà nước ở những lĩnh vực sau đây:

1. Làm giảm lệ phí trước bạ phải nộp cho Nhà nước.

Theo quy định thì Lệ phí trước bạ được tính bằng 0,5% giá trị nhà đất mua bán theo hợp đồng. Giả sử với căn biệt thự liền kề có giá 13 tỷ đồng thì số tiền lệ phí trước bạ người mua nhà phải nộp cho Nhà nước là: 13 tỷ x 0,5% = 65.000.000 đồng. Nhưng nếu Hợp đồng chỉ ghi có 8 tỷ đồng thì số tiền lệ phí trước bạ người mua phải nộp sẽ bị giảm đi khá nhiều.

Cụ thể, nếu khung giá nhà nước bằng hoặc thấp hơn 8 tỷ thì số tiền sẽ phải nộp là: 8 tỷ x 0,5% = 40.000.000 đồng. Như vậy, với mỗi Hợp đồng mua bán nhà đất như vậy, Nhà nước sẽ thất thu ít nhất là 20 triệu đồng đối với tiền lệ phí trước bạ. Ngoài ra còn các khoản phí, lệ phí và thuế khác cũng bị giảm thu theo nếu doanh nghiệp ghi sai giá trị hợp đồng mua bán nhà đất.

2. Làm giảm các khoản phí thẩm định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Giảm Lệ phí cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi người mua nhà làm thủ tục cấp giấy chứng nhận. Có thể sẽ làm giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) mà Công ty là chủ dự án phải nộp. Vì theo quy định của Luật Thuế TNDN năm 2008, sửa đổi bổ sung năm 2013 và Điều 11, Thông tư 78/2014/TT-BTC thì cách tính thuế TNDN tạm tính theo quý và cuối năm sẽ theo công thức sau: Thuế TNDN phải nộp = Thu nhập tính thuế (Doanh thu – Chi phí hợp lý) x Thuế suất thuế TNDN (20%). Giả sử doanh nghiệp dấu doanh thu, ghi doanh thu thấp xuống thì sẽ dẫn đến giảm thu nhập chịu thuế và giảm số thuế phải nộp. Như vậy, nhiều khả năng, doanh nghiệp đã trốn thuế TNDN.

Nếu doanh nghiệp có những hành vi như trên, thì đã vi phạm vào Điều 6, Điều 17 của Luật quản lý thuế năm 2019. Khi doanh nghiệp có dấu hiệu trốn thuế, kê khai và nộp thuế không trung thực thì có thể sẽ bị truy thu thuế, phạt vi phạm hành chính về thuế thậm chí có thể khởi tố hình sự về tội trốn thuế theo quy định tại Điều 200 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.


An Tú
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm