Xác định loại đất: 10 năm không xong

| 9-03-2020, 02:52 | Chính sách

Một doanh nghiệp (DN) mua qua đấu giá khu đất ở từ Cục Thi hành án dân sự TPHCM (sau đây gọi tắt là Cục THA); thế nhưng 10 năm qua, hồ sơ đất vẫn nằm ở Sở TN-MT. DN bị chôn hàng chục tỷ đồng đến nay vẫn chưa được cấp chủ quyền...

Xác định loại đất: 10 năm không xong
Mua đất 10 năm không được cấp chủ quyền

Nhìn lại “cung đường”

Năm 2009, Công ty PTM mua đấu giá khu đất từ tài sản kê biên của người phạm tội, do Cục THA bán thông qua công ty bán đấu giá. Diện tích khu đất là 3.000m2, giá 72 tỷ đồng, với mô tả là đất quy hoạch khu dân cư xây dựng mới (theo công văn 2193/UBND-QLĐT ngày 25-7-2007 của UBND quận 7, TPHCM).

Nội dung hợp đồng quy định rõ, chủ sở hữu cũ có trách nhiệm thanh toán tiền sử dụng đất. Có nghĩa bên THA bán “đất ở”, nhưng khi giao đất thì trên khu đất có kho xưởng nên bị địa phương xác định là “đất kinh doanh”, mà muốn chuyển từ đất kinh doanh sang đất ở phải nộp thuế chuyển đổi, do vậy, Công ty PTM khiếu nại đòi Cục THA giao đúng loại đất như ghi trong hợp đồng.

Tiếp nhận khiếu nại từ năm 2011 đến năm 2014, UBND TPHCM đã có 3 văn bản chỉ đạo các sở ngành về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty PTM. Đơn giản là Sở Tài chính và Sở TN-MT xác định số thuế phải nộp khi chuyển đổi từ đất sản xuất kinh doanh lên đất ở là bao nhiêu tiền, Cục THA nộp, rồi cấp giấy chứng nhận cho bên mua.

Cụ thể, tại văn bản 1824/UBND-ĐTMT ngày 8-4-2015, Văn phòng UBND TP “giao Sở TN-MT, Cục THA và các đơn vị liên quan thực hiện như đề xuất của Sở Tài chính”. Sở Tài chính lại chờ Cục THA trả lời, nhưng Cục THA lại gửi văn bản hỏi Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản TPHCM và lại chờ. Đến gần 2 năm sau, Cục THA mới có văn bản trả lời là khi bán xác định giá đất là đất thổ cư (tức đất ở). Sau đó, Sở TN-MT mới lập tờ trình, trình UBND TP đồng ý cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty PTM, nhưng lại kiến nghị UBND quận 7 phải rà soát mục đích sử dụng đất, để Cục THA có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Hồ sơ tưởng xong, nhưng sau khi nhận được, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến chỉ đạo giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp rà soát quy định pháp luật và tình trạng pháp lý hồ sơ, làm rõ sự phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trình UBND TP phương án xử lý. Sở Tư pháp vẫn xác định: Cục THA phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính phát sinh do chuyển mục sử dụng đất và đề xuất giao UBND quận 7 có ý kiến chính thức về mục đích sử dụng đất tại thời điểm bán đấu giá, làm cơ sở để Sở Tài chính xác định nghĩa vụ tài chính để Cục THA thực hiện nộp tiền và giao Sở TN-MT cấp giấy chứng nhận cho DN.

Hồ sơ được nộp lên, Văn phòng UBND TP lại có Công văn 15722/VP-ĐT yêu cầu Sở QHKT, UBND quận 7 có văn bản chính thức làm rõ mục đích sử dụng đất tại thời điểm sử dụng đất của chủ cũ và thời điểm bán đấu giá để làm cơ sở xác định nghĩa vụ tài chính. Gần nửa năm sau, 2 đơn vị trên mới có văn bản trả lời. Thế nhưng, Sở Tài chính cho rằng, UBND quận 7 chưa trả lời cụ thể mục đích sử dụng đất nên lại gửi văn bản hỏi thêm lần nữa. UBND quận 7 không hồi âm vì cho rằng nội dung đó đã trả lời trong văn bản trước rồi. Một năm sau, Công ty PTM kêu cứu đến báo chí mới được quận trả lời với nội dung như cũ.

Lần này, Sở Tài chính lại gửi văn bản báo cáo UBND TP kiến nghị “Giao Sở TN-MT nghiên cứu lại hồ sơ và có ý kiến đối với mục đích sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Công ty PTM. Nếu không phát sinh chuyển mục đích sử dụng đất thì coi như hoàn thành nghĩa vụ tài chính; có phát sinh chuyển mục đích sử dụng đất thì Cục THA phải thực hiện nghĩa vụ tài chính. Khi đó, Sở TN-MT phải lập phương án giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính, trình Hội đồng Thẩm định giá đất TP thẩm định trước khi trình UBND TP quyết định”.

Văn bản chỉ đạo cũng rõ ràng, hồ sơ được chuyển trở lại Sở TN-MT và bị ngâm từ đầu năm 2019 đến nay.

Chỉ cần một buổi họp, sao phải “đá” chục năm

DN bức xúc cho rằng hồ sơ bị “đá” từ sở này sang sở nọ, trong khi chỉ cần UBND TPHCM chủ trì họp các sở ngành chừng một buổi là xong và DN đã không bị thiệt hại cả chục năm qua.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến hồ sơ kéo dài 10 năm là do các văn bản của UBND TP chỉ đạo, giao việc nhưng không ghi thời hạn trả lời. Đó là lý do có công văn hỏi đến một năm chưa được lời đáp, mà lẽ ra chỉ cần mở bản đồ lên là có thể trả lời ngay trong vòng vài phút. Như chuyện tưởng đơn giản là khi Cục THA bán ghi là đất ở, không đúng hiện trạng sử dụng đất nên phải xác định lại nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng đất để giao cho bên mua theo đúng hợp đồng. Vấn đề giờ đây là do giải quyết hồ sơ chậm trễ, thì tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất được tính theo thời điểm nào? Nếu tính theo khung giá đất hiện nay thì ai sẽ chịu phần tiền chênh lệch so với 10 năm trước, khi xác định chậm trễ?

Rõ ràng một sự việc mà DN không hề sai, nhưng lại phải chạy vạy hết cơ quan này đến sở ngành khác. Công tác cải cách hành chính sẽ khó thành công với quy trình văn bản không thời hạn và đội ngũ nhân sự vô cảm.

DiaOcOnline.vn – Theo SGGP

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm