Cầu cạn vành đai 3 và vành đai 2 ở Hà Nội có tổng đầu tư gần 15.000 tỷ đồng, dự kiến thông xe cuối năm nay.
Đường trên cao (cầu cạn) vành đai 2 đoạn từ Ngã Tư Sở - cầu Vĩnh Tuy khởi công tháng 4/2018, hiện đã hoàn thiện nhiều đoạn, trong đó đoạn từ Ngã Tư Sở đến Ngã Tư Vọng hoàn thiện khoảng 80%. Phần lớn các phiến dầm trên đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng (dài gần 1 km) đã được đúc xong.
Cầu cạn vượt qua Ngã Tư Vọng chiều cao khoảng 10 m. Sau khi khánh thành, nút giao này sẽ có 3 tầng xe chạy.
Điểm lên xuống của cầu cạn đoạn giáp với Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng đang được phủ lớp nhựa đầu tiên. Dự kiến đoạn này có thể khai thác trước, trong một vài tháng tới để tránh ùn tắc trên trục đường Trường Chinh.
Các đốt thanh dầm của tuyến cầu cạn Ngã Tư Sở - Cầu Vĩnh Tuy được đúc tại chỗ với công nghệ đà giáo di động MSS (Movable scaffolding sytem) giúp giảm chi phí, thời gian vận chuyển và đẩy nhanh tiến độ.
Ngày 19/2, công nhân đang phá dỡ hàng trăm ngôi nhà để lấy mặt bằng thi công đoạn từ chân cầu Vĩnh Tuy tới cầu Mai Động. Dự án còn vướng mắc do chưa giải phóng mặt bằng ở khoảng 2 km ở đường Minh Khai.
Tuyến vành đai 2 trên cao Ngã Tư Sở - cầu Vĩnh Tuy dài 5 km, tổng mức đầu tư hơn 9.400 tỷ đồng, dự kiến khánh thành vào cuối năm nay.
Cầu cạn vành đai 3 đoạn từ cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long sau gần 2 năm thi công đã đạt trên 70% tiến độ. Từ điểm đầu đến cuối dự án, hầu hết hạng mục trụ và xà mũ đã hoàn thiện.
Các phiến dầm của tuyến này được đúc và tập kết ở khu vực khác, vận chuyển đến công trường bằng xe siêu trường, siêu trọng để cẩu lắp vào ban đêm.
Hiện 70% phiến dầm của dự án đã được lắp đặt hoàn thiện, nhiều đoạn đã thi công xong lan can.
Phía dưới chân cầu cạn, công nhân đang hoàn thiện hệ thống cống thoát nước để một vài tháng tới sẽ bỏ rào chắn.
Do nhận mặt bằng chậm hơn 4 tháng so với dự kiến nên thay vì về đích vào tháng 8, dự án đường trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long được Bộ Giao thông Vận tải điều chỉnh hạn chót thông xe toàn tuyến vào tháng 12/2020.
Dự án có tổng mức đầu tư 5.343 tỷ đồng bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản, chiều dài 5,367 km, trong đó phần cầu cạn dài 4,728 km.