Việc Empire Group - chủ đầu tư dự án Cocobay Đà Nẵng thông báo chấm dứt chi trả cam kết lợi nhuận đã khiến các nhà đầu tư mua sản phẩm condotel, shophouse tại đây bằng nguồn vốn vay ngân hàng sa lầy trong khoản nợ tỷ đồng.
Năm 2016, ông Vinh (TP.HCM) đã vay ngân hàng gần tỷ đồng để mua căn condotel thiết kế 1 phòng ngủ tại Cocobay Đà Nẵng với giá 33 triệu đồng/m2. Đến nay, việc chủ đầu tư dự án vỡ trận cam kết lợi nhuận khủng, lên tới 12%/năm đã đẩy ông vào tình cảnh khó khăn tứ phía.
Để đầu tư vào condotel tại Cocobay, nhà đầu tư này đã dùng đòn bẩy tài chính với khoản vay ngân hàng lên tới 60% giá trị sản phẩm. Sau khi thanh toán đủ 95% giá trị hợp đồng, ông được hưởng lợi nhuận 12%/năm theo cam kết của chủ đầu tư. Tuy nhiên, toàn bộ khoản lãi đó đều dùng để trả nợ cho nhà băng. Tuy cam kết lợi nhuận là 12% nhưng trên thực tế nhà đầu tư chỉ nhận được 10% bởi còn phải trừ đi các khoản thuế và phí khác. Do căn condotel ông Vinh mua nằm ở block mới hoàn thiện giai đoạn lắp đặt, chưa vận hành nên ông phải xoay đủ mọi hướng để trả nợ ngân hàng.
Là một trong những người đổ vốn đầu tiên vào cocobay với 9 tỷ đồng để mua căn liền kề tại đây từ năm 2016, tuy nhiên ông Sơn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) thường nhận được các khoản thanh toán lợi nhuận chậm hơn so với cam kết mà chủ đầu tư đưa ra. Trong lần gần đây nhất, đáng nhẽ từ tháng 6/2019 chủ đầu tư phải chuyển cho ông khoản lợi nhuận trị giá 420 triệu đồng nhưng tận 4 tháng sau đó, tức là tháng 10 ông mới được thanh toán. Nhà đầu tư này nói: "Tôi còn nợ ngân hàng khoảng 55% trên tổng giá trị căn nhà, tức là khoảng hơn 4 tỷ đồng. Riêng tiền lãi mỗi năm đã vào khoảng 660 triệu, tương đương 55 triệu đồng mỗi tháng, chưa kể nợ gốc" và cho biết thêm, tất cả các phương án mà chủ đầu tư đưa ra đều khiến ông không hài lòng.
Vị trí cổng vào dự án Cocobay Đà Nẵng đang bị vỡ trận lợi nhuận khủng. Ảnh: Empire Group. |
Cũng đầu tư một căn shophouse tại cocobay từ tháng 3/2017 với giá 15 tỷ đồng, ông Long (Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Không chỉ vỡ mộng có nguồn thu nhập ổn định, giờ chúng tôi lại thêm cục nợ lớn thế này chưa có phương án khai thác nào để trả."
Ông Vinh một nhà đầu tư đến từ TP.HCM cho biết thêm, khi doanh nghiệp hủy bỏ cam kết lợi nhuận thì cũng là lúc ngân hàng ra chính sách đòi nợ sớm hơn so với thời hạn khiến khách hàng phải tự tìm hướng giải quyết cho mớ hỗn độn. Cụ thể, việc trả nợ ngân hàng (cả gốc lẫn lãi) được chia thành 2 kỳ trong một năm là vào ngày 25/1 và 25/7, tuy nhiên ngân hàng đã gửi trát đòi nợ vào ngày 25/6 vừa qua.
Bà Thanh (TP.HCM), một trong những nhà đầu tư tại cocobay cũng cho biết, mọi hướng xử lý mà Empire Group đưa ra đều gây bất lợi cho người mua, chính vì vậy ông không đồng tình với bất kỳ giải pháp nào. Bởi, các phương án đưa ra đều không có một thông số cụ thể để người mua tính toán được dòng tiền thâm hụt.
Ngoài ra, bà còn lo lắng rằng ngay cả những sản phẩm đã bàn giao cũng khó đảm bảo được tính khả thi trong quá trình khai thác khi tình trạng kinh doanh của dự án kém, chất lượng quản lý cũng như dịch vụ và tiện ích không đủ sức hút đối với khách hàng. Bản thân nhà đầu tư này cũng đã có những trải nghiệm đi nghỉ tại căn condotel mình đã đầu tư ở Cocobay, song mọi tiện ích đều khiến bà rất thất vọng vì không đáp ứng được nhu cầu nghỉ dưỡng cao cấp như đã cam kết.
Ông Nguyễn Đức Thành - Chủ tịch HĐQT Empire Group, đại diện chủ đầu tư Tổ hợp Cocobay Đà Nẵng khi thừa nhận vi phạm hợp đồng đã khẳng định, quyền lợi hợp pháp của khách hàng vẫn được đảm bảo, không hề mất và thiệt hại gì nếu chấp nhận phương án thanh lý hợp đồng và nhận lại tiền. Đồng thời, ông cho biết thêm: "Nếu khách hàng không chấp nhận, có thể kiện".
Tuy nhiên, theo người mua condotel Cocobay thì khi đổ vốn vào sản phẩm này họ đã mất rất nhiều chi phí cơ hội. Bà Thanh còn lo ngại rằng người mua dễ rơi vào tình cảnh ôm phải một sản phẩm lỗi, giá trị tài sản trượt dài theo thời gian. Nhà đầu tư này nói: "Còn nếu trả lại hàng, tôi chỉ được bồi thường giá trị hợp đồng ban đầu, chưa kể các chi phí quản lý, vận hành, bảo lãnh ngân hàng... ăn mòn vào dòng vốn".
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, một trong những yếu tố khiến nhà đầu tư quyết định rót tiền vào condotel chính là cam kết lợi nhuận khủng. Tuy nhiên, đây thực chất chỉ là một thủ thuật marketing tinh vi chứ không hề có cơ sở vững chắc để bảo vệ người mua trong trường hợp xảy ra rủi ro.
Ông Châu cho biết thêm, cơ sở pháp lý đảm bảo cam kết lợi nhuận này là rất yếu, cơ sở kinh tế (các điều kiện kinh doanh để có dòng tiền chi trả lợi nhuận khủng) cũng rất thiếu thuyết phục, quá lãng mạn. Vậy nên, nhà đầu tư sẽ là đối tượng phải chịu nhiều thiệt thòi hơn khi có sự cố xảy ra. Có thể nói, đây là thị trường đầu tư không có sự cân xứng giữa hai bên bán - mua.
Vị chuyên gia cho rằng, nếu nhà đầu tư tự quản lý, vận hành sản phẩm tại một dự án có quy mô lớn như Cocobay thì kết cục còn xấu hơn, do đó chủ đầu tư và người mua phải cần tìm được hướng giải quyết hài hòa nhất.
Cuối cùng, ông nhấn mạnh, Cocobay không phải là trường hợp duy nhất của thị trường đầu tư condotel Việt Nam và kịch bản vỡ trận có thể sẽ còn tiếp diễn nếu chủ đầu tư không chủ trọng vào chất lượng, tiện ích, dịch vụ, quản lý, vận hành dự án, mà chỉ chăm chăm vào dòng lợi nhuận.