Sở Công Thương Tp.HCM vừa có văn bản gửi UBND TP về kết quả nghiên cứu nhiệm vụ khoa học công nghệ “Phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn Tp.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, trong đó đề xuất đưa 23 cụm công nghiệp ra khỏi quy hoạch.
Thu hút đầu tư vô cùng khó khăn
Trong báo cáo gửi UBND Tp.HCM về kết quả nghiên cứu nhiệm vụ khoa học công nghệ "Phương án phát triển cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn Tp.HCM thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050", Sở Công Thương TP đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch 23 CCN với diện tích 1.503,92 ha trong tổng số 30 CCN theo quy hoạch trước đây.
Sở Công thương TP đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch 23 CCN với diện tích 1.503,92 ha trong tổng số 30 CCN theo quy hoạch trước đây.
Theo đó, 13 cụm công nghiệp chuyển thành điểm sản xuất công nghiệp hiện hữu với diện tích 633 ha. Danh sách này gồm: Phú Mỹ (quận 7) 80 ha, Bình Đăng 28 ha (quận 8), Hiệp Thành 50 ha, Tân Thới Nhất 50 ha (quận 12), Hiệp Bình Phước 20 ha (TP Thủ Đức), Đông Quốc lộ 1A 33 ha (quận Bình Tân), Tân Quy A 65 ha, Tân Quy B 97 ha (huyện Củ Chi), Xuân Thới Sơn A 38 ha, Tân Hiệp A 25 ha (huyện Hóc Môn), Trần Đại Nghĩa 50 ha, Tân Túc 40 ha (huyện Bình Chánh), Long Thới 57 ha (huyện Nhà Bè).
Sáu cụm công nghiệp (283,5 ha) chuyển chức năng do điều kiện hạ tầng hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển của địa phương: Cụm công nghiệp quận 2 (nay là TP Thủ Đức) với 18 ha, Đông Thạnh 36 ha, Tân Thới Nhì 87 ha (huyện Hóc Môn), Bình Khánh 97 ha (huyện Cần Giờ), Tân Hiệp B 20 ha (huyện Củ Chi), Long Sơn 25,5 ha (TP Thủ Đức).
Hai cụm công nghiệp đã chuyển thành khu công nghiệp (223,42 ha): Cụm công nghiệp An Hạ 123,5 ha (quận 12) và Cơ khí ô tô Hòa Phú 99,91 ha (huyện Củ Chi) được Thủ tướng chấp thuận tại công văn số 1204/TTg ngày 21-7-2011.
Ngoài ra, báo cáo đề xuất giữ lại 7 CCN (diện tích 420,75 ha) gồm cụm tiểu thủ công nghiệp Lê Minh Xuân, Láng Le - Bàu Cò, Quy Đức, Xuân Thới Sơn B, Dương Công Khi, Nhị Xuân và Bàu Trăn. Trong đó, cụm Lê Minh Xuân và Nhị Xuân đã đầu tư hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp. Các CCN khác đang kêu gọi chủ đầu tư hạ tầng, đang hoàn tất các thủ tục xây dựng hạ tầng.
Theo Sở Công Thương Tp.HCM, việc điều chỉnh quy hoạch là cần thiết để định hướng phát triển các CCN phù hợp hơn với tình hình phát triển của TP, đảm bảo yếu tố khả thi để kêu gọi đầu tư, khai thác hợp lý quỹ đất. Việc điều chỉnh này cũng đồng thời kết hợp với các chương trình của TP như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch và có nguy cơ cháy, nổ xen cài trong khu dân cư trên địa bàn TP, bổ sung ngành công nghiệp hỗ trợ bên cạnh các KCN.
Việc điều chỉnh quy hoạch là cần thiết để định hướng phát triển các CCN phù hợp hơn với tình hình phát triển của TP.
Hơn nữa, đối tượng chủ yếu hoạt động trong các CCN là doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa. Việc vào các KCN tập trung với DN là tương đối khó khăn vì quy mô sản xuất, vốn đầu tư. Gần chục CCN nói trên có trong quy hoạch từ năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa có chủ đầu tư, chưa có DN hoạt động.
Đại diện Sở Công Thương cho biết trình tự, thủ tục đầu tư dự án CCN phải qua nhiều cơ quan chuyên môn, nên thời gian đầu tư tương đối dài, khác với KCN thì trình tự, thủ tục đầu tư của DN chỉ phải qua một cơ quan duy nhất là Ban Quản lý các KCN và khu chế xuất (KCX) Tp.HCM (Hepza).
Đa số DN đã xây dựng nhà xưởng sản xuất theo hiện trạng đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng... nên ngay cả việc lập quy hoạch chi tiết xây dựng, công tác giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng hạ tầng bao gồm phần đất của các DN hiện hữu và phần đất còn lại theo quy hoạch sẽ không thực hiện được. Bên cạnh đó, chi phí bồi thường cao do đất CCN xen cài trong khu dân cư có giá cao, ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng và khó thu hồi đất. Rồi quy định toàn CCN khá nhỏ (giai đoạn 1 không quá 50 ha, giai đoạn 2 không quá 75 ha) nhưng chi phí đầu tư lại cao, nên khó hấp dẫn nhà đầu tư.
Chuyển dịch cơ cấu, mô hình KCN
Hiện tại ngành công nghiệp của TP đang đứng trước những thách thức lớn. Đó là phát triển thiếu bền vững; gia công, lắp ráp còn chiếm tỷ trọng cao; giá trị gia tăng thấp; có công nghệ sau hơn 30 năm đầu tư phát triển nay đã lạc hậu; sử dụng nhiều tài nguyên; thâm dụng lao động… Tại Diễn đàn kinh tế Tp.HCM 2024 mới đây, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND Tp.HCM, thừa nhận: ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; phân bố KCX, KCN không còn phù hợp, một số KCN hiện nay nằm trong vùng lõi của TP. Thế nên việc chuyển đổi ngành công nghiệp TP là hết sức cấp bách và cần thiết.
TP vẫn phải cần có KCN để thúc đẩy hoạt động sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân, gia tăng thu nhập.
Tại Tp.HCM, các trung tâm tài chính, dịch vụ thương mại chỉ phát triển ở vùng trung tâm lõi và quy hoạch sắp tới cũng vậy. Với những vùng khác như Nhà Bè hay khu vực Tây Bắc gồm Hóc Môn, Củ Chi thì các hoạt động đó khó phát triển. Vì vậy, TP vẫn cần kết hợp giữa hoạt động thương mại, tài chính, dịch vụ kết hợp với sản xuất, y tế, giáo dục… Chẳng hạn, nếu như ở nhiều nước, y tế và giáo dục dần dần cũng phát triển thành dịch vụ thu hút khách trong và ngoài nước, tạo nguồn thu thì TP chưa thể phát triển được các lĩnh vực này.
Do đó, TP vẫn phải cần có KCN để thúc đẩy hoạt động sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người dân, gia tăng thu nhập. Khi thu nhập tăng thì cũng góp phần tác động phát triển thương mại, dịch vụ. Vấn đề là TP phải quy hoạch và phát triển đúng các CCN nói riêng và KCN nói chung để thu hút các ngành nghề kỹ thuật cao, tự động hóa với lực lượng lao động chính là công nhân kỹ thuật. Ví dụ, có thể xây dựng các CCN phù hợp cho các công ty quy mô nhỏ trong lĩnh vực sáng tạo, công nghệ vừa sản xuất và làm văn phòng với diện tích mặt bằng không quá lớn nhưng doanh thu sẽ ngày càng tăng.
Quy hoạch Tp.HCM cũng xác định việc hình thành, ưu tiên phát triển một số KCN công nghệ cao (công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip, vi mạch, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, phần mềm, thiết bị robot...). Khuyến khích, có chính sách tái cấu trúc các KCN, KCX hiện hữu nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất theo hướng chuyển dịch nội ngành và phát triển các ngành dịch vụ, có thể đan xen các chức năng đô thị ở tỷ lệ phù hợp.
Tuyết Nhi