Thanh Hóa ì ạch phát triển trung tâm thương mại

| 26-02-2024, 13:59 | Trung tâm thương mại / Thị trường 24h

Thanh Hóa ì ạch phát triển trung tâm thương mại

Khách hàng mua sắm tại TTTM GO! Thanh Hóa.


Như mục tiêu đã đặt ra, đến năm 2030 toàn tỉnh Thanh Hóa sẽ có 28 TTTM. Ghi nhận từ kết quả thu hút đầu tư xây dựng các TTTM đến nay còn quá thấp so với những gì đặt ra trước đó.

Theo lý giải của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, việc chậm phát triển này do nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế.

Cụ thể, việc đầu tư xây dựng hạ tầng TTTM yêu cầu vốn đầu tư lớn, trong khi nhu cầu thị trường nội tỉnh chưa thực sự phát triển mạnh. Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cũng chưa có các cơ chế đãi ngộ, hỗ trợ đối với loại hình này nên chưa có nhiều nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu đầu tư.

Mặt khác, việc công nhận TTTM được thực hiện theo Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/9/2004 của Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương); tuy nhiên, quyết định trên đã được ban hành từ lâu, dẫn đến một số quy định không còn phù hợp với thực tế; vì vậy, có những khu dịch vụ thương mại, siêu thị đủ điều kiện nâng cấp thành trung tâm thương mại nhưng chủ đầu tư không đề xuất.

Theo thông tin được công bố, trong năm 2023, toàn tỉnh Thanh Hóa không có dự án trung tâm thương mại mới đi vào hoạt động; tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 02 trung tâm thương mại, trên 100 siêu thị tổng hợp và chuyên doanh, trên 52.500 cửa hàng bán lẻ đang hoạt động. Số lượng siêu thị hạng III chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số lượng siêu thị đang hoạt động trên địa bàn với tỉ lệ trên 60%, phân bố chủ yếu tại khu vực trung tâm các huyện và đô thị nhỏ.

Bên cạnh đó, có hàng trăm cửa hàng thương mại thuộc chuỗi cửa hàng VinMart, MediaMart, Điện máy xanh, Thế giới di động… và các điểm kinh doanh quy mô lớn (như: Vinaconex, Thanh Hóa Sông Đà; VNF1…) cơ bản đáp ứng được tiêu chí loại hình siêu thị hoặc trung tâm thương mại nhưng đơn vị quản lý, kinh doanh, khai thác không làm thủ tục công nhận theo quy định.

Trái ngược với việc chủ đầu tư mặn mà với việc xây dựng TTTM quy mô thì mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa lại được quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng theo hướng văn minh, hiện đại.

Năm 2023, các địa phương đã huy động khoảng 20 tỷ đồng; trong đó, vốn ngân sách ngân sách cấp huyện, xã khoảng 02 tỷ đồng để thực hiện cải tạo, nâng cấp chợ bảo đảm tiêu chí hạ tầng nông thôn mới, chợ kinh doanh thực phẩm; nguồn ngân sách Trung ương khoảng 13 tỷ đồng từ nguồn chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; ngoài ra còn có nguồn vốn khác của các doanh nghiệp, hợp tác xã để đầu tư xây dựng, quản lý, kinh doanh, khai thác chợ phục vụ công tác duy tu, bảo trì và mua sắm trang thiết bị.

Đến nay, toàn tỉnh có 389 chợ đang hoạt động; trong đó, có 351/389 chợ trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm, đạt 90%.


Lê Doãn Tài
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm