Đến năm 2030, Bình Định sẽ có 3 thành phố

| 19-12-2023, 11:49 | Thị trường 24h

Theo đó, đến năm 2030, toàn tỉnh Bình Định có 21 đô thị, gồm: 1 đô thị loại I (TP. Quy Nhơn); 2 đô thị loại III (TP. An Nhơn và TP. Hoài Nhơn); 3 đô thị loại IV (thị xã Tây Sơn, thị xã Tuy Phước và thị trấn Cát Tiến); 15 đô thị loại V (thị trấn Vĩnh Thạnh, Vân Canh, An Lão, Tăng Bạt Hổ, Phù Mỹ, Bình Dương, Ngô Mây, An Hòa, Mỹ Chánh, Cát Khánh, Canh Vinh, Mỹ Thành, Mỹ An, Cát Hanh, Ân Tường Tây).

Đến năm 2030, Bình Định sẽ có 3 thành phố

Cụ thể, phân vùng Bắc gồm 4 đơn vị hành chính phía Bắc là Đô thị Hoài Nhơn và các huyện Phù Mỹ, Hoài Ân, An Lão.

Đây là vùng phát triển bảo tồn rừng tự nhiên, phát triển du lịch sinh thái; chăn nuôi, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản công nghệ cao; các dự án năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen/amoniac xanh …); sản xuất thiết bị phụ trợ, chế biến gang thép, đóng tàu, cảng biển - logistics.

Phân vùng Nam gồm 7 đơn vị hành chính phía Nam: TP. Quy Nhơn, đô thị An Nhơn, Tuy Phước, Tây Sơn và các huyện Vân Canh, Phù Cát, Vĩnh Thạnh - là vùng động lực chính của tỉnh, phát triển đa ngành gồm công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử bán dẫn, nông nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, cảng biển - logistics, đô thị thông minh, các dự án năng lượng tái tạo.

Ba cực phát triển gồm TP. Quy Nhơn và vùng phụ cận là động lực chính, hạt nhân phát triển phía Đông Nam tỉnh Bình Định; thị xã Hoài Nhơn là cửa ngõ phía Bắc, đồng thời là hạt nhân thúc đẩy sự phát triển phía Bắc tỉnh Bình Định; huyện Tây Sơn (Đô thị Tây Sơn dự kiến) là cực phía Tây và là hạt nhân thúc đẩy phát triển phía Tây tỉnh Bình Định.

Ba hành lang kinh tế gồm, hành lang kinh tế Bắc Nam - phát triển dọc theo Quốc lộ 1, kết nối các đô thị và khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bình Định với các khu, cụm công nghiệp dọc duyên hải Trung Bộ, phát triển công nghiệp, đô thị và thúc đẩy giao thương Bắc Nam.

Hành lang kinh tế biển - dọc tuyến đường bộ ven biển (ĐT.639), kết nối các không gian kinh tế ven biển, phát triển đô thị du lịch dịch vụ biển, công nghiệp gang thép, công nghiệp phụ trợ, đóng tàu, cảng biển, nuôi trồng thủy hải sản ứng dụng công nghệ cao và năng lượng tái tạo, năng lượng mới (hydrogen/amoniac xanh…); trong đó xem xét khả năng mở rộng các cảng biển có điều kiện thuận lợi và tiềm năng thành tổ hợp cảng tổng hợp và sản xuất, xuất khẩu năng lượng mới.

Hành lang kinh tế Đông Tây - phát triển dọc theo các tuyến giao thông Đông Tây của Quốc lộ 19, thúc đẩy giao thương với vùng kinh tế thuộc các tỉnh Tây Nguyên là đầu mối xuất khẩu nông, lâm, thổ sản; nhập khẩu vật tư, máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên liệu đầu vào của một số ngành sản xuất vùng Tây Nguyên.


PV
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm