Bồi thường, tái định cư khi thu hồi đất phải minh bạch nhưng không nên quy định cứng

| 3-11-2023, 20:30 | Thị trường 24h

Phát biểu ý kiến về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) cho biết, nhiều cử tri quan tâm đến nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh - tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. 

Bồi thường, tái định cư khi thu hồi đất phải minh bạch nhưng không nên quy định cứng

Đại biểu Quốc hội Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) cho rằng việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất phải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi.


Theo đại biểu, việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất phải bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư để người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn, phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư nơi có đất bị thu hồi.

Ngược lại với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn TP Hà Nội) cho rằng, dự thảo Luật quy định khu tái định cư phải đảm bảo các điều kiện về hạ tầng kĩ thuật, đường giao thông bảo đảm kết nối, hạ tầng xã hội bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ y tế giáo dục.., phù hợp vơi điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền…. Tuy nhiên, với quỹ đất hiện nay thì khó có khu tái định cư nào đủ 3 điều kiện trên. Nếu quy định cứng trong Luật, vấn đề bồi thường tái định cư trở nên khó khả thi, nhất là các thành phố lớn.

Vì vậy, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cho rằng, việc bố trí tái định cư phải phù hợp với điều kiện phong tục tập quán của từng vùng miền là rất khó khả thi. Bởi lẽ phong tục tập quán là điều đặc trưng không địa phương nào giống địa phương nào, có người được bố trí tái định cư ngay tại địa phương nhưng cũng có người phải tái định ở nơi khác. Do đó dự thảo Luật chỉ nên quy định những tiêu chí mang tính nguyên tắc căn bản, có tính khả thi và không quy định cứng.

Ngoài ra đại biểu cũng đề nghị rà soát liên quan đến định nghĩa “tái định cư” trong dự thảo Luật, khái niệm về “người không có chỗ ở nào khác”.

Quan tâm tới chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số, đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) nhận thấy, dự thảo Luật lần này đã có những quy định rõ ràng, cụ thể hơn rất nhiều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 5; có 02 quy định riêng và 13 quy định cụ thể đối tượng là dân tộc thiểu số. Tuy có nhiều nội dung hợp lý, nhưng đại biểu cho rằng một số nội dung cần được điều chỉnh để phù hợp, cụ thể hơn...

Theo đại biểu, Luật Đất đai (sửa đổi) cần quy định bao quát, giải quyết thấu đáo, đáp ứng được mong muốn của từng dân tộc trong điều kiện nguồn lực của nhà nước còn hạn chế và nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cũng đang khó khăn.


An Tú
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm