Giới trung lưu Trung Quốc đua bán bất động sản ở nước ngoài

| 27-09-2023, 18:57 | Thị trường 24h

Ngay khi Trung Quốc bỏ các biện pháp kiểm soát biên giới hồi tháng 1, chấm dứt 3 năm áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để chống COVID-19, Stephen Yao, nhà môi giới bất động sản ở Quảng Đông, bắt tay vào một sứ mệnh mới. Đó là đại diện cho hơn 200 gia đình trung lưu rao bán bất động sản họ đang sở hữu tại nhiều nước Đông Nam Á.

Lĩnh vực đầu tư thời thượng trong thập niên trước

Làn sóng mua bất động sản cao cấp tại nước ngoài bắt đầu xuất hiện từ giữa những năm 2010, khi những ông trùm kinh doanh như Vương Kiện Lâm, chủ tịch tập đoàn Đại Liên Vạn Đại, đóng vai trò là chất xúc tác thúc đẩy tầng lớp trung lưu thâm nhập thị trường bất động sản ở nước ngoài. Mảng bất động sản ngoại quốc hứa hẹn lợi nhuận tăng trưởng nhanh chóng và ổn định.

Ngay sau đó, các căn nhà, chung cư ở Thái Lan, Malaysia và Nhật Bản trở thành kênh đầu tư phổ biến của giới trung lưu Trung Quốc bởi khả năng chi trả vừa phải, khoảng cách địa lý không quá xa. Ngoài nhóm đầu tư, nhiều cá nhân mua bất động sản để trải nghiệm cuộc sống khác.

Riêng hai năm 2017, 2018, Yao đã thực hiện 32 chuyến đi từ miền nam Trung Quốc đến Thái Lan để giúp khách hàng tìm các căn chung cư tại thủ đô Bangkok và thành phố Pattaya. Mỗi căn hộ có giá từ 500.000 đến 2 triệu nhân dân tệ (1,7 tỷ đồng đến 6,7 tỷ đồng). Phần lớn khách hàng của Yao là gia đình trung lưu, sống tại các thành phố hạng hai của Trung Quốc, làm việc trong các ngành du lịch, xuất khẩu và dịch vụ.

Gió đổi chiều

Tuy nhiên, khi quá trình phục hồi hậu COVID-19 gặp nhiều khó khăn, mức tăng trưởng tài sản của các hộ gia đình ngày càng giảm, nhiều người Trung Quốc phải giảm bớt các quy mô đầu tư nước ngoài.

"Nếu tính lợi nhuận cho thuê và sự thay đổi về tỷ giá, hầu hết khoản đầu tư bất động sản của họ (khách hàng) đang mang lại lợi nhuận", Yao nói. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều người không đủ khả năng trả các khoản đóng góp cuối cùng, trước khi hoàn thành hợp đồng mua bất động sản. Bản thân họ cũng cần tiền mặt để giải quyết vấn đề tài chính trong nước, như kinh doanh thất bại, sa thải hoặc vỡ nợ thế chấp.

Giới trung lưu Trung Quốc đua bán bất động sản ở nước ngoài

Theo khảo sát của Viện Tài chính Tiên tiến Thượng Hải (SAIF) và nhà cung cấp dịch vụ tài chính Charles Schwab, môi trường kinh tế bất ổn khiến số hộ gia đình thuộc tầng lớp trung lưu đang giảm và sức mua hàng hóa xa xỉ cũng lao dốc.

Dữ liệu thống kê trong tháng 8 đang cho thấy sự lạc quan sau khi hàng loạt biện pháp hỗ trợ được áp dụng, nhưng nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang đối mặt với nhiều trở ngại trên con đường phục hồi, bao gồm tình trạng niềm tin thấp đối với sản xuất và tiêu dùng.

Năm 2017, Patricia Li, một nhà đầu tư trung lưu Trung Quốc đã mua căn hộ tại Forest City - một dự án phát triển của tập đoàn bất động sản Country Garden (Trung Quốc) ở Johor, bang phía nam ở Malaysia. Chủ đầu tư hứa hẹn Forest City có trị giá 100 tỷ USD đã được lên kế hoạch tạo chỗ ở cho 700.000 người sau khi hoàn thành vào năm 2035. Tuy nhiên, việc siết chặt quy định về tín dụng bất động sản của Trung Quốc từ năm 2021 đang khiến Country Garden và nhiều công ty khác rơi vào tình thế khó khăn tài chính nghiêm trọng.

Dự án Forest City mà Li đầu tư giờ giống một thị trấn ma hơn là khu dân cư và thương mại thịnh vượng như đã hứa hẹn. Thậm chí, mức giá căn hộ hiện giảm xuống còn 6.000 nhân dân tệ cho mỗi mét vuông, thay vì mức 18.000 nhân dân tệ như ban đầu.

"Có thể hiện nay chỉ còn vài nghìn người Trung Quốc đang sống ở khu đô thị đó. Nhiều người dân đang muốn bán nhà nhưng họ buộc phải tìm khách hàng là người Trung Quốc, bởi tất cả thiết kế và tính năng trong khu đô thị này chỉ phù hợp với cộng đồng người Trung Hoa", Li nói.

Kiên nhẫn chờ đợi là chiến lược duy nhất

Không riêng Thái Lan hay Malaysia, các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc thâm nhập vào thị trường Nhật Bản cũng phải đối mặt với nhiều thách thức khi chi phí lớn hơn lợi nhuận.

Tina Chen, làm việc tại cơ quan tư vấn điều tra thị trường Nhật Bản, cho biết những người đầu tư vào bất động sản Nhật Bản để kinh doanh nhà nghỉ phục vụ khách du lịch Trung Quốc đang rơi vào tình trạng thua lỗ, do nhóm đối tượng này chưa quay lại.

Còn đối với Yao, nhiệm vụ tìm người mua lại các căn hộ rất khó khăn. Anh cũng lập tài khoản trên các mạng xã hội như ByteDance và Facebook để rao bán nhưng chưa có kết quả. Từ tháng 3 đến nay, anh mới bán thành công 6 trong số hơn 200 chung cư ở Thái Lan.

"Thị trường bất động sản qua sử dụng ở Thái Lan khá bão hòa. Cả người dân trong nước và tổ chức đầu tư nước ngoài đều không muốn mua bất động sản cũ. Do vậy, mục tiêu chính của chúng tôi là tập trung vào tầng lớp trung lưu Trung Quốc, những người muốn chuyển tài sản trong nước ra nước ngoài. Còn nhóm người muốn bán tháo cần phải kiên nhẫn chờ đợi", Yao bình luận.


Tùng Lâm/Channel NewsAsia
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm