Bài 4: Phải xử lý tận gốc việc lập hóa đơn, chứng từ giả

| 3-08-2023, 16:00 | Thị trường 24h

Bài 1: Chậm hoàn thuế GTGT, gây khó cho doanh nghiệp?

Bài 2: Doanh nghiệp sử dụng thủ đoạn “tinh vi” gian lận hoàn thuế GTGT

Bài 3: Ngành thuế thực hiện loạt giải pháp đẩy nhanh hoàn thuế GTGT, chống trục lợi 

Liên quan đến việc chậm trễ hoàn thuế GTGT, bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam (VTCA) đã có những chia sẻ với báo chí xung quanh vấn đề này.

Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp trong lĩnh vực bột sắn, gỗ… phản ánh việc chậm hoàn thuế GTGT, ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, xin bà cho biết quan điểm của mình về việc trên?

Liên quan tới ngành gỗ, vừa qua có tình trạng một số công ty có thể mua hàng của dân, hàng trôi nổi hoặc nhập lậu từ Lào… sau đó hợp thức hóa bằng việc sử dụng hóa đơn giả của các doanh nghiệp ma. Từ đó họ có đủ điều kiện để hoàn thuế.

Như vậy gỗ có đưa vào sản xuất nhưng nguồn gốc gỗ đó không phải là gỗ được hoàn thuế. Muốn hoàn thuế phải có hóa đơn GTGT hợp pháp, có chứng từ nộp thuế khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế thay nhà thầu nước ngoài. Do đó mình phải khẳng định được rằng không phải tất cả sản phẩm gỗ xuất khẩu đều được hoàn thuế và hoàn thuế phải đủ điều kiện.

Bài 4: Phải xử lý tận gốc việc lập hóa đơn, chứng từ giả

Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA.


Hiệp hội Sắn Việt Nam cũng cũng kiến nghị liên quan tới hoàn thuế. Nhưng có một số trường hợp doanh nghiệp thu mua bột sắn trôi nổi trên thị trường không có hóa đơn chứng từ hợp pháp và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp. Hoặc một số doanh nghiệp xuất khẩu ra nước ngoài có đầy đủ tờ khai phi mậu dịch, có tiền chuyển về nhưng lại không đúng với doanh nghiệp mua hàng do ở Trung Quốc cũng có tình trạng lập doanh nghiệp ma như ở Việt Nam.

Vì vậy, cơ quan thuế rất khó hoàn thuế trong những trường hợp như vậy.

Theo bà, nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng trên?

Hiện nay vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp chưa hiểu biết hết pháp luật về thuế, chưa hiểu hết tầm quan trọng của hóa đơn chứng từ. Vẫn có tình trạng doanh nghiệp khi sử dụng hàng hóa không có hóa đơn chứng từ thì họ sẵn sàng đi tìm hóa đơn chứng từ để hợp thức hóa các khoản chi đó, không chỉ hoàn thuế mà cả chi tiêu đưa vào chi phí tính thuế. Doanh nghiệp vẫn có ý tưởng là phải tìm hóa đơn để hợp pháp hóa. Đây là suy nghĩ còn đang tồn tại trong những người làm kế toán của doanh nghiệp. Chừng nào suy nghĩ đó vẫn còn thì việc sử dụng hóa đơn giả vẫn còn và người bán hóa đơn giả vẫn còn tồn tại.

Nhiều ý kiến cho rằng cần để hoàn thuế GTGT diễn ra thuận lợi, nhanh chóng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thì nên đưa mặt hàng gỗ ra khỏi danh sách rủi ro hoặc không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, bà nghĩ sao về đề xuất trên?

Nếu những doanh nghiệp làm ăn chân chính, có mua hàng, sản xuất, xuất khẩu có đầy đủ chứng từ nhưng không được hoàn thuế hoặc hoàn thuế chậm thì sẽ thiệt cho họ.

Nhưng nếu đưa gỗ gạt ra khỏi danh sách đen thì những doanh nghiệp làm ăn chân chính vẫn bị oan, những doanh nghiệp gian lận, trốn thuế lại có cơ hội để tiếp tục gian lận.

Vì vậy, không thể đưa một ngành nào ra khỏi danh sách đen mà phải lựa chọn trong đối tượng đó. Mình lựa chọn đối tượng nộp thuế vàng, yên tâm, chắc chắn mua hàng có nguồn gốc…

Tại Nhật Bản, hoàn thuế GTGT không cần hóa đơn như ở Việt Nam. Họ nắm luồng tiền và hàng. Dòng tiền đi với dòng hàng nên tránh được việc mua hóa đơn giả. Còn tại Việt Nam đang xử lý theo phần ngọn, hoàn thuế dựa trên hóa đơn. Hóa đơn là chứng từ hợp pháp.

Đối với đề xuất đưa gỗ vào nhóm đối tượng không chịu thuế GTGT, hiện nay theo quy định luật có 25 nhóm không chịu thuế GTGT. Đối tượng không chịu thuế GTGT sẽ không phải nộp thuế đầu ra, nhưng không được khấu trừ thuế đầu vào. Việc này sẽ không đảm bảo tính liên hoàn của thuế GTGT.

Bên cạnh đó, một số sản phẩm gỗ có tính đặc thù. Ví dụ gỗ dùng đóng bàn, ghế… không được hoàn thuế sẽ thiệt thòi cho doanh nghiệp.

Vì vậy, cần phải nghiên cứu kỹ đề xuất đó thông qua bài học từ mặt hàng phân bón. Trước kia sản xuất phân bón chịu thuế GTGT 5%, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn muốn đưa vào diện không chịu thuế để không phải nộp không hoàn. Vì vậy Luật Thuế GTGT đã đưa mặt hàng phân bón vào diện không chịu thuế GTGT. Tuy nhiên sau 7 năm doanh nghiệp phân bón lại kiến nghị đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT.

Cơ quan chức năng đã xử lý nhiều doanh nghiệp ma, mua bán hóa đơn bất hợp pháp.


Để gỡ khó hoàn thuế GTGT hiện nay, theo bà cần phải có những giải pháp nào?

Tôi đã từng có kiến nghị, để hoàn thuế GTGT mình sẽ cắt lát ra từng khúc một. Ví dụ như ở khâu mua vào, người mua phải chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hóa đơn chứng từ. Họ biết mua hàng của đối tượng nào và phải chịu trách nhiệm về điều đó. Cơ quan thuế sẽ hoàn thuế khi thấy nhà sản xuất mua hàng có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, có hóa đơn mua vào, nộp thuế đầu ra chứng tỏ doanh nghiệp tồn tại hợp pháp. Tuy nhiên có một vấn đề, khi cơ quan thuế hoàn rồi nhưng kiểm tra lại thì những doanh nghiệp ma đã giải thể rồi vậy làm sao thu lại được tiền ngân sách nhà nước, thất thoát sẽ rất lớn.

Vì vậy, giải pháp vẫn là phải xử lý được tận gốc của việc lập hóa đơn chứng từ giả, kiểm soát luồng tiền, luồng hàng của doanh nghiệp.

Hiện nay theo quy định, cơ quan thuế sẽ phân loại đối tượng doanh nghiệp được hoàn thuế. Nếu doanh nghiệp thuộc diện đối tượng hoàn thuế trước thì sau 6 ngày nhận đủ hồ sơ cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế. Nếu quá thời hạn giải quyết hồ sơ hoàn thuế mà việc chậm hoàn thuế do lỗi của cơ quan quản lý thuế thì ngoài số tiền thuế phải hoàn trả, cơ quan quản lý thuế còn phải trả tiền lãi với mức 0,03%/ngày tính trên số tiền phải hoàn trả và số ngày chậm hoàn thuế.

Còn đối với trường hợp kiểm tra trước, hoàn thuế sau thì cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế trong vòng 40 ngày kể từ ngày ra quyết định thanh tra, kiểm tra.

Theo đó, việc phân loại để xác định các doanh nghiệp ít rủi ro được hoàn thuế trước thì rất quan trọng. Do vậy, cơ quan thuế cần phải loại, xem xét trường hợp nào giải quyết được thì chỉ đạo quyết liệt hoàn thuế cho doanh nghiệp. Với những trường hợp không đủ điều kiện cơ quan thuế trả hồ sơ lại doanh nghiệp bổ sung. Những trường hợp có dấu hiệu vi phạm, cơ quan thuế sẽ chuyển sang cơ quan điều tra xử lý.

Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng việc thành lập doanh nghiệp hiện nay còn quá dễ dàng nên mới xảy ra tình trạng doanh nghiệp ma, mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Vì thế, cần sửa đổi bổ sung các điều kiện, thủ tục trong việc cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp cũng như vấn đề hậu kiểm đối với doanh nghiệp sau khi thành lập, nâng mức xử phạt để tăng tính răn đe…

Việc thành lập doanh nghiệp cần phải có đầy đủ thông tin như nguồn vốn, nơi sản xuất, kinh doanh, nguồn nhân lực… để tránh tình trạng doanh nghiệp lập ra làm xong 1 phi vụ rồi biến mất. Các ngành địa phương cần cần phối hợp với cơ quan thuế để có biện pháp quản lý chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp sau khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần nâng cao ý thức chấp hành các chính sách pháp luật về thuế, hóa đơn. Doanh nghiệp phải xác định mua hàng hóa có hóa đơn chứng từ hợp pháp, tránh tình trạng mua hàng hóa trôi nổi rồi hợp thức hóa các hóa đơn chứng từ. Việc làm này rất dễ khiến doanh nghiệp rơi vào vòng lao lý.


Thanh Phương
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm