Ninh Bình quy hoạch khu trọng điểm phát triển kinh tế ven biển 9.000ha

| 6-07-2023, 14:35 | Thị trường 24h

Ninh Bình quy hoạch khu trọng điểm phát triển kinh tế ven biển 9.000ha

Quy mô diện tích 9.000ha sẽ được phân vùng phát triển và định hướng phát triển theo 8 khu vực.


Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ khu vực từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi; khu quy hoạch nằm ở điểm cực Nam của tỉnh Ninh Bình tiếp giáp với biển; thuộc địa giới hành chính của huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Ranh giới cụ thể: phía Bắc giáp đê Bình Minh II; phía Tây giáp biển, giáp sông Càn (Thanh Hóa); phía Nam giáp biển Đông; phía Đông giáp sông Đáy và huyện Nghĩa Hưng (Nam Định).

Là khu vực trọng điểm phát triển kinh tế, dịch vụ du lịch biển

Khu vực được quy hoạch này có tính chất là khu vực trọng điểm phát triển kinh tế ven biển của tỉnh, có cơ cấu kinh tế tổng hợp, phát triển năng động, kết hợp dịch vụ, du lịch, công nghiệp, xây dựng, chế biến và kinh tế biển của huyện Kim Sơn. Là trung tâm dịch vụ du lịch biển của tỉnh, phát triển các khu chức năng hỗn hợp bao gồm: Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; công nghiệp; cảng tổng hợp; du lịch sinh thái; đô thị Cồn Nổi.

Đặc biệt với mô hình cấu trúc phát triển khu vực từ đê Bình Mình II đến Cồn Nổi có 2 trọng tâm, 3 phân vùng phát triển và 4 vành đai phát triển; 2 trọng tâm phát triển là: Khu vực đô thị dịch vụ từ đê Bình Minh II đến đê Bình Minh III và khu du lịch, dịch vụ Cồn Nổi; 3 phần vùng chức năng: vùng sản xuất công nghiệp và dịch vụ cảng, vùng dịch vụ du lịch và đô thị, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và bảo vệ sinh thái vùng bán ngập; 4 vành đai phát triển là: Vành đai sản xuất dịch vụ, vành đai nông nghiệp sinh thái, vành đai vùng ngập nước, vành đai dịch vụ du lịch biển.

Quy hoạch phân theo chức năng cụ thể: Đất phát triển dân cư đô thị (43,28ha); đất hỗn hợp nhóm nhà ở và dịch vụ (24,58%); đất dịch vụ công cộng (22,5ha); đất cơ quan, trụ sở (190,1ha); đất phát triển dịch vụ, du lịch (226,83ha); đất hỗn hợp dịch vụ, công cộng và thể thao (103,54ha); đất phát triển du lịch kết hợp nuôi trồng thủy sản (125ha); đất phát triển sản xuất công nghiệp, kho tàng (188,25ha); đất hạ tầng kỹ thuật (95,5ha); đất giao thông (178,45ha); đất quốc phòng (28,92ha); đất cây xanh sử dụng công cộng (101,46ha); đất khu vực nông nghiệp và chức năng khác (7.316,75ha) chiếm 81,3%.

Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 13.500 người (trong đó: dân số thường trú khoảng 6.000 người; Dân số quy đổi khoảng 7.500 người). Đến năm 2040 khoảng 24.700 người (trong đó dân số thường trú khoảng 10.000 người; Dân số quy đổi khoảng 14.700 người).

Phân vùng và định hướng phát triển theo 8 khu vực – cụ thể hoá quy hoạch

Quy mô diện tích 9.000ha sẽ được phân vùng phát triển và định hướng phát triển theo 8 khu vực.

Khu 1 – Khu đô thị dịch vụ (449ha) là khu trung tâm dịch vụ công cộng; khu đô thị dịch vụ sinh thái; khu nhà ở công nhân và chuyên gia; khu dịch vụ hỗ trợ du lịch; khu đô thị nước; khu hỗn hợp dịch vụ, du lịch, thể thao. Khu 2 – Khu công nghiệp, dịch vụ cảng (536ha) để phát triển công nghiệp công nghệ cao; khu dịch vụ logistics; khu cảng sông Đáy; dịch vụ công cộng hỗ trợ.

Khu 3 – Khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (456ha) để nuôi trồng sản xuất hải sản công nghệ cao; dịch vụ hỗ trợ sản xuất; thương mại và giới thiệu sản phẩm.Khu 4 – Khu du lịch kết hợp nuôi trồng thủy hải sản (346ha) là khu nuôi trồng thủy hải sản công nghệ cao trong nhà và ngoài trời; khu dịch vụ du lịch; dịch vụ công cộng.

Khu 5 – Khu du lịch, dịch vụ đảo Cồn Nổi (687ha) là trung tâm dịch vụ hỗn hợp; Khu du lịch sinh thái; khu du lịch biển; công viên vui chơi giải trí; khu bến du thuyền; bến cảng; quảng trường; tượng đài.Khu 6 – Khu bãi triều (2.217ha) là trung tâm sản xuất thủy sản ngoài trời; khu dịch vụ du lịch biển;

Khu 7 – Khu trồng rừng ngập mặn (1.303ha) có chức năng phòng hộ, chống sạt lở ven biển, tận dụng mặt nước dưới chân rừng thả nuôi các loài thuỷ sản, kết hợp khai thác phát triển các dịch vụ sinh thái. Khu 8 – Khu Cồn Mờ và mặt biển (3.006ha) để xây dựng đài quan sát, ngắm cảnh và dịch vụ hỗ trợ hoạt động tàu thuyền trên biển; khi có nhu cầu chuyển đổi khu vực Cồn Mờ thành cảng biển Ninh Bình để phát triển hoạt động vận tải hàng hóa, hành khách trên biển và phát triển du lịch.

Có thể thấy với khu vực được lập quy hoạc này trong tương lai sẽ hình thành tuyến trục kết nối đô thị và các tuyến kết nối ven sông Đáy, nối ra Cồn Nổi và Cồn Mờ để dự trữ cho nhu cầu phát triển vận tải quy mô lớn trong tương lai, khi hệ thống cảng biển được hình thành. Xây dựng các tuyến giao thông kết nối trực tiếp đến các khu chức năng như sản xuất công nghiệp, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khu nuôi trồng thủy hải sản trong tỉnh và các vùng lân cận.

Hiện tại, khu vực từ đê Bình Minh II đến Cồn Nổi chưa phát triển; tài nguyên du lịch biển và các lĩnh vực kinh tế vẫn còn ở dạng tiềm năng. Do vậy, tỉnh Ninh Bình cần tăng cường quản lý, thực hiện khẩn trương quy hoạch vùng biển Kim Sơn; có chính sách, cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư từ các nguồn lực xã hội để xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển bền vững không gian biển, nhất là hạ tầng giao thông kết nối vùng, liên vùng đồng bằng sông Hồng; hoàn thành việc cắm mốc giới, phân định ranh giới quản lý hành chính trên không gian biển giữa Ninh Bình với các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa.


Lê Doãn Tài
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm