Quảng Nam: Gần 30 nghìn tỷ đồng phát triển 235 dự án nhà ở, xây dựng giá đất sát với thị trường
| 11-02-2019, 13:30 | Thị trường 24h
Trong đó, có 163 dự án nhà ở thương mại; 7 dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp, sĩ quan quân nhân chuyên nghiệp; 12 dự án nhà ở công nhân; 53 dự án nhà ở tái định cư.
Kế hoạch đất để phát triển dự án đầu tư xây dựng nhà ở đến năm 2020 là 1.658ha. Tổng nguồn vốn phát triển nhà ở trong giai đoạn này khoảng 28.933 tỷ đồng; trong đó, kế hoạch năm 2019 khoảng 16.230 tỷ đồng.
Để thực hiện kế hoạch phát triển thị trường nhà ở đúng hướng, theo UBND tỉnh Quảng Nam, với các danh mục, dự án thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND tỉnh, cần phê duyệt trước ngày 31/10 hằng năm để các địa phương có cơ sở đưa vào kế hoạch sử dụng đất (KHSDĐ) trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Các cơ quan cần thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng đất theo quy hoạch. Điều quan trọng là phải công bố quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) để các cấp, các ngành và nhân dân tham gia quản lý, thực hiện tốt quy hoạch.
Tiếp theo đó, sau khi công bố quy hoạch, KHSDĐ, cần tổ chức cắm mốc giới ngoài thực địa, cấm mọi hoạt động xây dựng trong vùng quy hoạch; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra và xử lý nghiêm khắc trường hợp vi phạm ngay từ khi mới bắt đầu có dấu hiệu vi phạm. Đối với các quy hoạch chậm triển khai hoặc không thể triển khai được, phải tổ chức rà soát điều chỉnh hoặc hủy bỏ theo đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt, các địa phương của tỉnh cần phân loại danh mục thu hồi đất và chuyển mục đích sử dụng đất thành 2 nhóm. Nhóm cho mục đích công cộng (gồm đất xây dựng giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, tái định cư…), cần xác định rõ nguồn vốn đầu tư trung hạn, vốn năm kế hoạch được phân bổ phù hợp với QHSDĐ.
Ở nhóm cho mục đích sản xuất kinh doanh, dịch vụ, du lịch, bất động sản… chỉ cho phép chuyển mục đích đất lúa những vùng được quy hoạch phát triển đô thị, khu dân cư, vùng đất lúa sản xuất kém, phù hợp với QHSDĐ. Những danh mục đăng ký 3 năm mà không thực hiện thì công bố hủy bỏ.
Song song đó, cơ quan chuyên môn phải xây dựng bộ công cụ, tiêu chí xác định giá đất cụ thể theo thị trường bởi đây là rào cản làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng thời gian qua. Việc xác định giá đất cụ thể tốn nhiều thời gian, công sức và cũng tạo ra nhiều tranh cãi. Bởi vì, giá đất cụ thể rất khó xác định, nhiều khu vực không có giao dịch đất đai hoặc có giao dịch về đất đai vẫn lấy giá đất hàng năm do UBND tỉnh quy định làm cơ sở giao dịch. Đây là bất hợp lý cần tháo gỡ.
Nguyên Minh
Theo Trí thức trẻ