2 viễn cảnh có thể xảy ra của thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm
| 1-07-2021, 19:48 | Thị trường 24h
Lạc quan – Thận trọng – Chờ đợi
Hơn 1 năm trở lại đây, thị trường bất động sản chịu không ít tác động của dịch Covid-19. Dưới tác động của dịch bệnh, nhiều phân khúc bất động sản như: bán lẻ, du lịch – nghỉ dưỡng đã rơi vào tình trạng gần như “đóng cửa” hàng loạt.
Theo báo cáo của các đơn vị nghiên cứu, tư vấn thị trường bất động sản, quý 1 vừa qua, sau khi dịch bệnh được khống chế, thị trường bất động sản ghi nhận nhiều tín hiệu khả quan cho việc khôi phục thì đến giữa quý 2/2021, làn sóng Covid-19 thứ 4 bất ngờ bùng phát trở lại tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, khiến nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng lâm vào thế khó.
Đáng chú ý, dưới tác động của dịch bệnh, trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường phía Nam gần như chỉ có vài dự án mới ở TP.HCM (phân khúc trung cao cấp & cao cấp) và các tỉnh thành lân cận, bao gồm Bình Dương. Nhiều dự án có kế hoạch ra mắt trong năm nay do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh cũng phải điều chỉnh lại thời điểm triển khai.
Đánh giá về thị trường bất động sản Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021, bà Hương Nguyễn, Tổng giám đốc Đại Phúc Land cho rằng, thị trường bất động sản đã trôi qua khá nặng nề với thực trạng khác hẳn so với các dự đoán lạc quan vào hồi đầu năm.
Theo bà Hương, hai đợt dịch xảy ra liên tiếp và kéo dài làm đảo lộn mọi kế hoạch dự định của các công ty bất động sản. Đến đợt dịch lần 4 này, thị trường gần như ngưng trệ hẳn.
“Nhìn lại 6 tháng đầu năm có thể gói gọn trong các đánh giá ngắn gọn: lạc quan- thận trọng- chờ đợi. Điều đó có nghĩa là chưa kịp trở tay thì dịch bệnh đã ập tới và đành phải chờ tiếp cơ hội ở 6 tháng cuối năm”, CEO Đại Phúc Land nhận định.
Doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội để tăng tốc vào cuối năm
Đề cập đến thị trường 6 tháng cuối năm, bà Hương cho rằng câu trả lời không nằm ở yếu tố thị trường quyết định mà hoàn toàn tùy thuộc khả năng kiểm soát dịch bệnh diễn biến như thế nào do đây là hoàn cảnh bất khả kháng.
Kịch bản tích cực, thị trường 6 tháng cuối năm có khả năng tăng trưởng ít nhất 25-30% so với 6 tháng đầu năm do các doanh nghiệp tăng tốc tối đa để bù lại 6 tháng đầu năm. Bà Hương Nguyễn, Tổng giám đốc Đại Phúc Land
Theo bà Hương, đến thời điểm này chúng ta phải nhìn nhận một thực tế là dịch bệnh Covid sẽ tiếp tục kéo dài và khó xác định thời điểm nào sẽ kết thúc. Việt Nam cũng như thế giới sẽ buộc phải tiến đến giai đoạn cùng chung sống với nó.
Theo nhận định của CEO Đại Phúc Land, có lẽ chúng ta phải “hy sinh” tiếp quý 3 để truy vết dịch trong cộng đồng và triển khai tiêm vaccine tối đa cho người dân. Do đó, thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm được dự báo có 2 kịch bản có khả năng xảy ra.
Kịch bản tích cực là thị trường phục hồi 1 phần ở giữa quý 3 và khởi sắc trở lại trong quý 4 với giả thiết tối thiểu 50% người dân được triển khai tiêm vaccine và các công ty 100% tiêm vaccine được cho nhân viên.
Với kịch bản này, thị trường 6 tháng cuối năm có khả năng tăng trưởng ít nhất 25-30% so với 6 tháng đầu năm do các doanh nghiệp tăng tốc tối đa để bù lại 6 tháng đầu năm.
Kịch bản xấu hơn là tiếp tục mất thêm quý 3 để dập dịch, vaccine không đủ để triển khai cho dân và chỉ đạt mức dưới 30%, các công ty vì vậy có thể chưa đến 50% số lượng nhân viên được tiêm. Với kịch bản này, thị trường 6 tháng cuối năng khả năng tăng trưởng không cao do các doanh nghiệp dần bị đuối sức.
Hiện nay, việc duy trì bộ máy hoạt động đã là một gánh nặng cho doanh nghiệp. Các kế hoạch sản xuất kinh doanh sẽ bị phá vỡ, kéo theo doanh thu sụt giảm nghiêm trọng. Toàn thị trường chung sẽ khó tăng trưởng trên mức 20% so với 6 tháng đầu năm nếu không nhận được các sự trợ lực cần thiết và kịp thời.
Mặc dù vậy, theo bà Hương, trong cả 2 kịch bản sẽ vẫn có những yếu tố ngoại lực tác động vào thị trường, đó là trợ lực từ cơ chế chính sách của Nhà nước, các gói hỗ trợ doanh nghiệp, các gói kích cầu tiêu dùng, tiến độ giải ngân các gói đầu tư công, tiến độ tháo gỡ nút thắt pháp lý ... sẽ ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp đến các doanh nghiệp, các nhà đầu tư và tâm lý thị trường chung theo chiều hướng lạc quan hay thận trọng.
“Nhìn về phía trước chúng ta hiểu là cần phải nắm bắt mọi cơ hội vào 6 tháng cuối năm và tăng tốc tối đa để bù lại khoảng thời gian đã mất do ảnh hưởng dịch bệnh. Chúng ta cầu mong kịch bản tích cực sẽ xảy ra và doanh nghiệp sẽ vẫn còn nhiều cơ hội để bật dậy và bước tiếp dù khó khăn và thử thách vẫn còn đó. Năm nay chỉ cần đạt được 50% so với mục tiêu kế hoạch đã đề ra đã là một thành công lớn của các doanh nghiệp bất động sản”, bà Hương nhấn mạnh.