Thanh Hóa: Kiểm soát biến động giá đất, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về sử dụng đất

| 18-05-2021, 14:15 | Thị trường 24h

Ảnh minh họa.

Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vừa ký văn bản gửi các đơn vị liên quan về việc tiếp tục tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất.

Tại văn bản trên, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cho biết, sau khi UBND tỉnh có công văn ngày 12/4/2021 về tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn, đến nay về cơ bản các hiện tượng biến động giá đất “đột biến”, “sốt ảo” đã bước đầu được kiểm soát, giá đất có xu hướng ổn định trở lại.

Do đó, để tiếp tục tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất và thị trường bất động sản trên địa bàn, tránh hiện tượng sốt ảo, bong bóng, đầu cơ đẩy giá, thổi giá đất để trục lợi làm ảnh hưởng đến chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa giao các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về tăng cường công tác quản lý tình hình thị trường bất động sản trên địa bàn.

Tổ chức công bố công khai các thông tin về quy hoạch, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kịp thời khuyến cáo người dân những nguy cơ, hậu quả có thể xảy ra khi giao dịch đất đai, bất động sản mà chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc giao dịch mà không đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Xử lý nghiêm các dự án không đưa đất vào sử dụng

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất; quản lý chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật đất đai về việc tách thửa đất.

Kịp thời tham mưu cho UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh xử lý nghiêm theo quy định đối với hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, sử dụng đất không đúng quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật.

Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại các dự án khu đô thị, khu dân cư theo quy định của pháp luật. Tham mưu, báo cáo UBND tỉnh quyết định việc điều chỉnh Bảng giá đất thời kỳ 2020-2024 trên địa bàn tỉnh đối với các tuyến đường mới, các tuyến đường chưa có tên trong Bảng giá đất hoặc giá đất giao dịch phổ biến thị trường biến động lớn so với giá đất quy định tại Bảng giá đất.

Xây dựng kế hoạch để chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc thẩm định, trình danh mục dự án đấu giá quyền sử dụng đất; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

Chủ động tham mưu, xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu giá đất; chỉ số biến động giá đất thị trường, nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin về giá đất, giao dịch đất đai tại địa phương, góp phần ngăn chặn hiện tượng tung tin, đồn thổi nhằm đẩy giá lên cao để trục lợi; đồng thời, tạo nguồn dữ liệu phục vụ công tác định giá đất…

Trước đó, BizLIVE có nhiều bài viết đề cập, sau Tết Nguyên đán đến nay, giá đất tại nhiều địa phương tăng phi mã. Mới đây nhất, sau thông tin Hà Nội chuẩn bị phê duyệt đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng vào tháng 6 tới, đất nền vùng ven sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội đã tăng dựng đứng.


Trước tình trạng trên, thời gian qua, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng một loạt các tỉnh, thành: Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bắc Giang, Cần Thơ… đã ban hành văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản trên địa bàn, xử lý nghiêm những đối tượng tung tin đồn, đẩy giá bất động sản.

Tại báo cáo mới nhất về tình hình nhà ở và thị trường bất động sản quý 1/2021 được phát hành đầu tháng 5 vừa qua, Bộ Xây dựng thừa nhận, giá giao dịch đất nền trong khu dân cư tại thời điểm nửa cuối quý 1/2021, đặc biệt là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán đã xảy ra hiện tượng tăng nóng ở nhiều địa phương trên địa bàn cả nước.

Điển hình, giá đất nền tại một số điểm cục bộ của một số địa phương có mức ghi nhận tăng cao như: vùng ven Hà Nội như Quốc Oai (tăng 20%), Ba Vì (45%), một số điểm thuộc các tỉnh như Hòa Bình (46%), Bắc Ninh (20%), Hưng Yên (26%) và mới đây là Thanh Hóa; tại TP. Thủ Đức, huyện Cần Giờ của TP.HCM; Biên Hòa, Nhơn Trạch và Long Thành của tỉnh Đồng Nai,…

Tuy nhiên, giao dịch chính thức được ghi nhận trên thực tế hầu như rất ít. Hình thức giao dịch tại các khu vực này chủ yếu là đặt cọc sau đó chuyển nhượng ngay khi giá tăng và xuất hiện nhà đầu tư khác có nhu cầu mua.

“Tình trạng giá đất tăng nóng cục bộ tại một số địa phương chỉ diễn ra trong thời gian ngắn rồi lắng xuống sau khi chính quyền địa phương kịp thời đưa ra các chỉ đạo, thông báo công khai cũng như cảnh báo tới các nhà đầu tư, người dân về quy hoạch, kế hoạch thực hiện, tình hình triển khai các dự án trên địa bàn (như thông tin quy hoạch sân bay Tec-nich tại Bình Phước, quy hoạch hành chính huyện Thủy Nguyên tại Hải Phòng, điều chỉnh bảng giá đất tại Đà Nẵng,…)”, Bộ Xây dựng cho biết.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm