Cẩn trọng trước các cơn ‘sốt đất giá ảo’ khu vực ngoại thành Sài Gòn
| 16-04-2021, 07:48 | Thị trường 24h
Tại huyện Củ Chi, giá đất nông nghiệp tăng cao do nhà đầu tư đổ xô mua “để dành”.
Giá đất ngoại thành tăng mạnh
Tuy đề án nâng cấp Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi lên quận mới chỉ là bước chuẩn bị, nhưng thông tin này ngay lập tức khiến giá đất tại các huyện nói trên tăng bình quân từ 5 – 20%, có nơi tăng gấp đôi so với năm ngoái.
Cụ thể, với thông tin Khu đô thị lấn biển Cần Giờ được chính thức phê duyệt, đồng thời Sở GTVT đề xuất bổ sung sân bay cỡ nhỏ tại Cần Giờ vào Đồ án quy hoạch mạng lưới sân bay vùng TP.HCM, đã khiến giá nhà đất tại nơi đây tăng “chóng mặt”. Năm 2020, khu thị trấn Cần Thạnh, giá đất được chào bán ở mức 7 – 22 triệu đồng/m2, hiện tại đã tăng thành 30 – 40 triệu đồng/m2.
Khảo sát thực tế và so sánh giá trên các trang mua bán bất động sản, khu vực giá đất tăng mạnh nhất tại Cần Giờ là mặt tiền đường Tắc Xuất, đường đi bến phà Vũng Tàu – Cần Giờ. Giá đất tại đường Rừng Sác nối phà Bình Khánh và biển Cần Giờ hiện tại cũng không dưới 40 triệu đồng/m2.
Tại huyện Củ Chi, giá đất thổ cư đang dao động ở mức 15 – 17 triệu đồng/m2. Giá đất nông nghiệp cũng tăng gấp đôi so với năm 2020. Tại xã Tân Thạnh Đông, khu vực giáp ranh huyện Hóc Môn, giá đất nông nghiệp hiện đang được chào bán với giá 4 – 5 triệu đồng/m2. Các khu vực có quãng đường di chuyển về trung tâm thành phố xa hơn, hay khó chuyển đổi thành thổ cư, giá đất nông nghiệp đang ở mức 800 – 1 triệu đồng/m2. Theo lộ trình, Củ Chi có thể được lên quận vào năm 2025, nên các nhà đầu tư đổ xô về đây tìm mua đất nông nghiệp “để dành”.
Trong số 5 huyện vùng ven, thị trường mua bán đất tại Bình Chánh có vẻ sôi động nhất, giá đất tại Bình Chánh cũng “nhảy múa” không ngừng. Với tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, hạ tầng giao thông tập trung vào việc xây dựng các tuyến đường kết nối với trung tâm Sài Gòn, Bình Chánh được kỳ vọng trở thành đô thị vệ tinh phía Tây Nam thành phố.
Chính những yếu tố này khiến giá đất Bình Chánh tăng cao ngất ngưỡng. Như xã Bình Hưng, gần trung tâm thành phố, giá đất đã lên đến 80 – 90 triệu đồng/m2. Đặc biệt “khu nhà giàu” Trung Sơn, giá đất đã ở mức 130 – 140 triệu đồng/m2.
Thận trọng với “sốt đất giá ảo”
Nhiều chuyên gia cho rằng nhà đầu tư cần tỉnh táo hơn khi đề án nâng cấp huyện lên quận vẫn chưa được chính thức phê duyệt. Giới đầu cơ, “cò đất” rất có thể lợi dụng thông tin này để “thổi giá”, tạo nên “bong bóng bất động sản”. Về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS, Lê Bá Chí Nhân cho biết, rất có thể sẽ xảy ra “sốt đất giá ảo” tại các huyện vùng ven trong năm 2021.
Theo chuyên gia này, tín dụng ngân hàng đang tăng trưởng mạnh, dịch bệnh Covid có thể sớm được kiểm soát, kinh tế hồi phục, người dân sẽ mạnh dạn hơn trong việc đầu tư bất động sản. Còn nếu xét theo biểu đồ phát triển bất động sản TP.HCM sẽ thấy năm 2018, 2019, 2020 đi dần xuống đáy của đồ thị hình Sin, năm 2021 đang có xu hướng tăng dần lên tới đỉnh, giống với cơn “sốt đất giá ảo” năm 2007. Và cuối cùng, theo các khảo sát thì chỉ có khoảng 20% người mua đất để ở, 80% còn lại là để đầu tư, đầu cơ. Giá đất sẽ tiếp tục tăng cao nếu ai cũng muốn mua đất để kiếm lời, thị trường sẽ trở nên khập khiễng, tạo ra “bong bóng”.
“Đến một lúc nào đó người cuối cùng sở hữu không có nhu cầu để ở, lại không thể bán do giá thành vượt quá cao so với giá trị sử dụng thì “bong bóng” sẽ vỡ”, TS Lê Bá Chí Nhân phân tích.
Để tránh xảy ra “sốt đất giá ảo”, theo TS. Lê Bá Chí Nhân, cơ quan chính quyền các cấp từ thành phố cho đến các quận, huyện, phường, xã cần phải công bố thông tin quy hoạch rõ ràng. Người dân cần được biết rõ về các doanh nghiệp đang được đầu tư trên địa bàn, dự án được cấp phép hay chưa, tình trạng thủ tục pháp lý... Bởi nguyên nhân chính của việc “sốt đất giá ảo” là người dân không nắm được đầy đủ các thông tin, nên dễ dàng bị giới đầu cơ đưa ra các thông tin mù mờ để lừa đảo.
Mới đây, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở Nội vụ báo cáo lại đề án chuyển đổi 5 huyện sang quận. Bên cạnh đó, Sở Nội vụ phải hoàn chỉnh đề án sau khi đã được Thường vụ Thành ủy góp ý và Ban chấp hành cho ý kiến. Sau đó, Sở Nội vụ trình lại cho Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố xem xét để phê duyệt đề án. “Đây chưa phải đề án được phê duyệt và nó có lộ trình hẳn hoi. Nếu làm không khéo, người ta sẽ lợi dụng thông tin này để đẩy giá đất lên, gây khó khăn cho thị trường bất động sản của thành phố”, ông Nguyễn Thành Phong nói tại Hội nghị UBND TP phê duyệt Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ của Sở Nội vụ năm 2021. |