Nhà đất được quy định là tài sản chung của vợ chồng khi chúng được tạo ra sau khi bước vào thời kỳ hôn nhân. Sổ đỏ có thể chỉ cần đứng tên 1 người nhưng khi chuyển nhượng, phân chia, cả vợ và chồng đều có quyền lợi ngang nhau.
Là khối tài sản có giá trị kinh tế cao, việc phân chia, quyết định quyền sở hữu nhà đất là vấn đề được nhiều các cặp vợ chồng quan tâm. Các quy định về nhà đất của vợ chồng mới nhất trong năm 2021 đã có thêm một số bổ sung, sửa đổi mà bạn cần cập nhật ngay.
Thế nào là tài sản chung của vợ chồng?
Trong Khoản 1 Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã nêu rõ định nghĩa thế nào là tài sản chung của vợ chồng. Để tóm tắt một cách dễ hiểu, chúng ta có thể hiểu các loại tài sản được quy định là tài sản của vợ chồng khi:
– Được tạo ra từ thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân.
– Tài sản được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Nhà đất có được tính là tài sản chung của vợ chồng hay không?
Nhà đất được coi là tài sản chung của vợ chồng khi có được sau kết hôn. Quyền sở hữu chung nhà đất sẽ không có hiệu lực khi đó là tài sản được thừa kế riêng, tặng cho riêng hay mua bán bằng tài sản riêng của vợ hoặc chồng. Với trường hợp này, trừ khi cả hai vợ chồng đồng thuận là tài sản chung thì mới được tính là tài sản chung.
Các trường hợp quyền sở hữu nhà đất là của cả hai vợ chồng
Nếu chỉ dựa theo định nghĩa ở trên, quyền sử dụng đất đai chung của hai vợ chồng có vẻ còn khá nhiều mơ hồ. Chính vì thế để không xảy ra những tranh chấp, mâu thuẫn khó phân xử, Luật pháp Việt Nam đã có quy định cụ thể về từng trường hợp mà nhà đất là tài sản chung.
Căn cứ pháp lý để quyết định nằm tại Điều 9, Điều 10 Nghị định 126/2014/NĐ-CP. Trong đó:
Các trường hợp đất là tài sản chung của vợ chồng
– Đất được Nhà nước giao
– Đất được Nhà nước cho thuê đất: Tiền thuê đất trả tiền hàng năm hoặc trả một lần cho cả thời gian thuê là tài sản chung thì quyền sử dụng đất mới là tài sản chung.
– Được chuyển nhượng (tiền trả cho bên chuyển nhượng là tài sản chung).
– Đất thừa kế chung, tặng cho chung.
Các trường hợp nhà ở tài sản chung của vợ chồng
– Được mua bằng tiền hoặc tài sản chung của vợ chồng.
– Được tặng cho chung, thừa kế chung.
Một số trường hợp đặc biệt khác
Không chỉ có tài sản nhà đất có sau hôn nhân mới được coi là tài sản chung của vợ chồng. Dưới đây là một số trường hợp cần lưu ý với loại tài sản có trước hôn nhân nhưng vẫn được công nhận là tài sản chung.
– Nhà, đất là tài sản riêng nhưng đã có thỏa thuận từ vợ chồng là tài sản chung.
– Nhà, đất có được bằng hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của vợ, chồng.
– Nếu không có căn cứ chứng minh nhà, đất mà vợ chồng đang tranh chấp là tài sản riêng thì chúng vẫn được coi là tài sản chung.
– Với nhà, đất dù mua trước hôn nhân nhưng lại trả góp bằng tiền của vợ chồng sau hôn nhân thì phần nhà được trả góp vẫn tính là tài sản chung.
Lưu ý về sổ đỏ sở hữu nhà đất của vợ chồng
Sổ đỏ là chứng thư pháp lý dùng để ghi nhận về quyền sử dụng, sở hữu đất đai, nhà ở. Vậy khi nhà đất là tài sản chung của vợ chồng, sổ đỏ sẽ đứng tên ai?
Căn cứ theo Khoản 4 Điều 98 Luật Đất đai 2013:
– Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất là tải sản chung phải ghi rõ họ, tên của cả vợ và chồng.
– Sổ đỏ có thể đứng tên 1 người khi có sự thỏa thuận giữa vợ và chồng. Tuy nhiên về quyền lợi sở hữu, chuyển đổi, chuyển nhượng, thế chấp, cho tặng,… vẫn phải được sự đồng ý từ hai vợ chồng.
Cũng theo điều luật kể trên, vợ hoặc chồng cũng có quyền yêu cầu ghi thêm tên mình vào Sổ đỏ/Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất khi giấy chỉ ghi tên một người hay cần được cấp, đổi để ghi tên cả 2 vợ chồng.
Nhà đất là tài sản chung sẽ được phân chia thế nào khi ly hôn?
Với nhà đất là tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn, theo Khoản 1 Điều 59 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 được giải quyết theo thỏa thuận bằng văn bản của hai bên. Mà thông thường, tài sản chung sẽ được chia đôi.
Tuy nhiên khi xảy ra tranh chấp, việc phân chia nhà đất khi ly hôn sẽ được Tòa án cân nhắc, phân chia theo các yếu tố:
– Hoàn cảnh gia đình của vợ và chồng.
– Công sức đóng góp của từng người để tạo lập, duy trì và phát triển tài sản chung. Lao động trong gia đình cũng được tính là lao động có thu nhập thấp.
– Đảm bảo lợi ích chính đáng của mỗi bên dựa trên điều kiện thực tế (nghề nghiệp, thu nhập,…) nhằm tạo điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập cho cả 2 bên.
– Trách nhiệm hoặc vi phạm của mỗi bên trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ vợ chồng.
– Với tài sản nhà đất chung mà một trong hai bên không có nhu cầu sử dụng, bên còn lại có thể thanh toán phần giá trị còn lại để được sở hữu thành tài sản riêng.
Các vụ án phân chia nhà đất là tài sản chung của vợ chồng không cần thực hiện hòa giải tại UBND xã, phường, thị trấn mà có thể trực tiếp khởi kiện ngay tức thì.
Trên đây là toàn bộ những thông tin mới nhất về quyền sử dụng nhà đất là tài sản chung của vợ chồng. Hiểu luật, cả hai bên sẽ tự bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân, cũng như hạn chế tối đa những mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra.