Không cho tồn tại hay hợp thức hóa công trình trái phép
Nguyễn Thanh Thuý | 3-07-2020, 02:14 | Thị trường 24h
Thành phố Hồ Chí Minh có nhiều công trình vi phạm xây dựng. Tại huyện Bình Chánh, có hộ dân xã Vĩnh Lộc A xin phép xây nhà 2 tầng, rộng 168m2, nhưng sau đó tự thay đổi kiến trúc, chia thành 125 căn hộ với tổng diện tích hơn 1.180m2. Một trường hợp khác xin giấy phép xây 3 căn, nhưng 2 năm sau thành 19 căn...
Có nhiều trường hợp các cơ quan chức năng đã ban hành quyết định cưỡng chế, nhưng trải qua thời gian khá lâu vẫn chưa thực hiện. Nhiều trường hợp xây trái phép chỉ bị phạt rồi được tồn tại, đã ban hành quyết định cưỡng chế nhưng rồi không thực hiện, để kéo dài. Do vậy, dư luận hoài nghi có sự dung túng bao che, móc ngoặc giữa người vi phạm với cán bộ quản lý thực thi nhiệm vụ, dẫn đến giảm niềm tin vào bộ máy công quyền. Với vai trò đại diện cho bộ máy quản lý nhà nước, quản lý trực tiếp địa bàn, gần dân nhất, thật khó biện minh là chính quyền địa phương không biết, không phát hiện, hay vì người vi phạm bất hợp tác nên không thể xử lý.
Có nhiều cách xử lý, chỉ là có quyết tâm hay không thôi. Chính quyền địa phương có thể lập biên bản, báo cáo cấp trên hoặc cơ quan quản lý người vi phạm, ban hành quyết định xử lý từ đầu, cương quyết cưỡng chế. Không thể vì cả nể, sợ đụng chạm hay dung túng mà để việc xây dựng trái phép kéo dài đến khi hoàn thành. Công tác kiểm tra, giám sát phải thực chất, không qua loa chiếu lệ.
Với những vụ vi phạm xây dựng, cần ngăn chặn và xử lý ngay từ đầu, tránh để kéo dài; cũng đừng xử phạt rồi cho tồn tại hay hợp thức hóa. Bởi suy cho cùng, mục đích của người vi phạm là làm sao cho công trình xây dựng trái phép vẫn được hoàn thành thủ tục, tồn tại, sử dụng một cách hợp pháp. Khi công trình xây sai phép, trái phép vẫn được cho tồn tại và chỉ xử phạt hành chính rồi hợp thức hóa, thì chẳng khác gì dùng tiền mua sai phạm, hoặc nói cách khác là khuyến khích những sai trái, vi phạm pháp luật.
Đây là tiền lệ xấu trong đời sống xã hội, là tiếp sức cho các sai phạm noi theo và làm băng hoại chính đội ngũ cán bộ của chúng ta. Bất kỳ một địa phương, cơ quan, đơn vị nào cũng đều phải tuân thủ kỷ cương, kỷ luật quản lý điều hành, đã được cụ thể hóa bằng quy trình quy định pháp luật. Đây là điều kiện tiên quyết để nâng cao hiệu lực pháp luật, đưa pháp luật vào cuộc sống, lan tỏa những điều tích cực, hạn chế bớt tiêu cực, tạo niềm tin vào lẽ phải, sự đồng thuận trong nhân dân.
Cần thể hiện ý thức tuân thủ pháp luật từ trên xuống, không chấp nhận mọi hình thức bảo vệ sai phạm. Quy định pháp luật phải thực hiện triệt để, công trình vi phạm lớn hay nhỏ, bên cạnh xử lý nghiêm người có trách nhiệm, buộc cưỡng chế tháo dỡ, tuyệt đối không để tồn tại hay hợp thức hóa bằng hình thức khác. Có vậy mới có thể chấm dứt được vi phạm xây dựng.
Theo Trần Văn Trường/sggp.org.vn