TP. HCM: Quy hoạch không gian ngầm sẽ được chú trọng nghiên cứu trong thời gian tới

Nguyễn Thanh Thuý Nguyễn Thanh Thuý | 17-03-2021, 03:56 | Thị trường 24h

Hai khu vực đầu tiên tại TPHCM sẽ được nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm trong thời gian sớm nhất là khu trung tâm thành phố (khu 930ha) và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Thành phố đặt ra mục tiêu khai thác hiệu quả không gian ngầm đô thị, kết nối với không gian ngầm của tuyến metro số 1 sắp đi vào hoạt động.

Không gian ngầm cho khu trung tâm và Thủ Thiêm

Theo ông Nguyễn Thanh Nhã - Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM - UBND TPHCM đã đồng ý đề xuất của Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM về thi tuyển ý tưởng quy hoạch không gian xây dựng ngầm cho khu trung tâm hiện hữu 930ha và khu đô thị mới Thủ Thiêm.


Kết quả thi tuyển sẽ được sử dụng làm cơ sở điều chỉnh nội dung quy hoạch không gian xây dựng ngầm trong 2 đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2.000 khu trung tâm hiện hữu và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Đồng thời, thành phố sẽ kêu gọi đầu tư các dự án phát triển xây dựng không gian ngầm phù hợp với kế hoạch xây dựng, vận hành tuyến metro số 1, số 2 và các tuyến vận tải công cộng trọng điểm.


Trong hai khu này, quy hoạch sắp tới sẽ đánh giá, phân tích về địa chất, thủy văn, hiện trạng xây dựng các công trình trên mặt đất và đô thị ngầm; đồng thời, xác định phạm vi ranh giới, chức năng sử dụng không gian để xây dựng các công trình ngầm. Việc nghiên cứu này còn dự báo nhu cầu phát triển và sử dụng không gian ngầm đô thị, xác định các khu chức năng cho không gian ngầm, vị trí và quy mô ga tàu điện ngầm, hầm đường ôtô, bãi đỗ xe ngầm...


TP.Hồ Chí Minh sắp sửa nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm

Ông Nhã cho biết, tại khu trung tâm TPHCM, các dự án phát triển cao tầng, mật độ nén cao đã và đang hình thành, một mặt đặt ra yêu cầu cung cấp bổ sung hạ tầng kỹ thuật, mặt khác hình thành những không gian ngầm quy mô lớn. Cùng với tiến độ xây dựng, phát triển các tuyến đường giao thông công cộng khối lượng lớn (metro), khu vực nhà ga metro đòi hỏi yêu cầu kết nối không gian ngầm, hình thành mạng lưới giao thông ngầm kết nối liên hoàn với các tuyến đi bộ ngầm, phục vụ tiện ích đô thị như thương mại, dịch vụ…

Trước bối cảnh trên, việc phát triển không gian xây dựng ngầm đô thị sẽ tạo nguồn lực không gian dưới mặt đất để khai thác, phục vụ người dân và phát triển kinh tế. Tạo không gian bố trí các chức năng hạ tầng kỹ thuật dưới mặt đất, để dành quỹ đất phía trên làm nguồn lực phát triển.


“Thành phố dự kiến phát triển một mạng lưới không gian ngầm kết nối các tầng hầm của các tòa nhà riêng lẻ, với các nhà ga metro, hình thành các trục đi bộ ngầm phục vụ cộng đồng, như mọi người vẫn thấy ở Singapore” - lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM cho biết.

“Bám” theo metro để quy hoạch không gian ngầm

Thực tế bài toán phát triển không gian ngầm đã được TPHCM đặt ra từ cách đây nhiều năm, nhưng hầu hết đều thất bại. Khi chủ trương xây dựng phố đi bộ Nguyễn Huệ, rất nhiều chuyên gia, nhà quy hoạch đã đề xuất khai thác không gian ngầm bên dưới vừa làm trung tâm thương mại, vừa làm chỗ đậu xe, nhưng vì nhiều lý do, ý tưởng này đành phải gác lại.


Tương tự, từng quy hoạch hơn 10 bãi đậu xe ngầm trên địa bàn quận 1 trong vòng 15 năm qua nhưng đến nay, tại TPHCM vẫn chưa có một dự án nào được xây dựng. Nhiều vị trí từng được chọn để quy hoạch bãi đậu xe ngầm đã bị TPHCM hủy bỏ, chỉ còn lại 4 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng sau hơn 1 thập kỷ cũng đang “rơi rụng” dần.


Theo thống kê, hiện toàn TPHCM có khoảng 11ha diện tích tầng hầm, chủ yếu là không gian ngầm của các trung tâm thương mại và chỗ để xe. Dự kiến 8 tuyến metro nối các trung tâm chính của TPHCM có tổng cộng 72 nhà ga ngầm. Hiện 3 nhà ga ngầm của tuyến metro số 1 là ga trung tâm Bến Thành, ga Nhà hát Thành phố và ga Ba Son đang được xây dựng.


Theo kiến trúc sư Võ Kim Cương - nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TPHCM, việc lập quy hoạch không gian ngầm nên bám theo các tuyến metro, sau đó mới chia lớp không gian để quản lý. Tuy nhiên, cái khó nhất là dữ liệu về hiện trạng không gian ngầm của TPHCM hiện đang nằm rải rác tại nhiều cơ quan và chưa có nơi tập trung, tích hợp và cập nhật.


“Hiện dưới lòng đất của TPHCM ngổn ngang "mạng nhện" các công trình ngầm của các đơn vị (điện, nước, viễn thông...) quản lý độc lập. Vì thế, nếu không có hệ thống dữ liệu ngầm tổng hợp, cập nhật mới thường xuyên sẽ rất khó để các đơn vị tiếp cận không gian ngầm của TPHCM hiện nay. Không khảo sát được hiện trạng, không biết trong lòng đất hiện nay có gì thì khó có thể quy hoạch để định hướng cho việc xây dựng trong tương lai” - ông Cương nói.


Trong khi đó, TS Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý TPHCM - cho rằng, hệ thống tàu điện ngầm và hạ tầng giao thông đồng bộ là một phần không thể thiếu của những siêu đô thị trên thế giới. Từ sự thịnh hành của metro, quy hoạch hệ thống đô thị ngầm được hình thành gần như song song và đã tạo nên những thay đổi lớn cho đô thị của các quốc gia.


Tuy nhiên ngân sách nhà nước có hạn, quy hoạch giao thông trên mặt đất còn nhiều ngổn ngang, chưa hoàn thiện nên chưa xác định được thời gian và nguồn vốn cho không gian ngầm. Do đó, thời gian tới, nếu quyết tâm triển khai, TPHCM cần chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực, dự trù ngân sách và có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp cùng tham gia xã hội hóa.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm