Ông Trịnh Văn Quyết: 'Doanh nghiệp lớn như FLC cũng sợ vấn đề pháp lý'

| 8-06-2020, 11:52 | Thị trường 24h

Chia sẻ tại tọa đàm "Thăng trầm bất động sản 2010-2020 và những xu hướng sắp tới" (do câu lạc bộ doanh nhân Sao Đỏ và Tập đoàn FLC tổ chức), ông Trịnh Văn Quyết nhìn nhận rằng trong vòng 10 năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam đã đạt được sự phát triển mạnh mẽ, nhất là giai đoạn từ năm 2014 đến nay.

"6 năm gần đây tôi cho là giai đoạn mà thị trường bất động sản phát triển chưa bao giờ có. Tôi nghĩ từ ngày lập quốc đến giờ, chưa bao giờ bất động sản rực rỡ như vậy", ông Quyết nói.

Tuy nhiên sau giai đoạn phát triển mạnh mẽ, thị trường bất động sản hiện tại lại đang đối diện với sự suy giảm, mà một trong những nguyên nhân chính là vấn đề pháp lý.

 Ông Trịnh Văn Quyết

Ông Quyết cho biết trong 2 năm qua, ông đặc biệt quan tâm tới tính pháp lý của dự án, bởi tất cả sự cố trong bất động sản đều do vấn đề pháp lí.

"Lấy ví dụ như condotel, thời gian qua, mới được hướng dẫn, để chúng ta thấy rằng luật pháp luôn đi theo thị trường nhưng đi không kịp, nếu không muốn nói là rất chậm chễ. Trong bối cảnh hiện nay, pháp lý rất quan trọng. Chúng tôi có những dự án đầu tư hàng trăm hecta, xây xong rồi, đầu tiên bảo đấu thầu, sau đó lại bảo đấu giá, tức là ngay cả cơ quan nhà nước cũng mỗi năm một kiểu. Doanh nghiệp khốn khổ nhưng vẫn phải nhịn, lẳng lặng làm cho xong", ông Quyết dẫn chứng.

Chủ tịch Tập đoàn FLC cũng "tâm sự" về sự gian nan của doanh nghiệp khi làm dự án bất động sản: "Làm 1 dự án bất động sản, để bước vào thị công cũng phải mất 3 năm. Dự án FLC Quy Nhơn hay FLC Sầm Sơn sở dĩ chúng tôi làm được trong 11 tháng là do vừa làm vừa hoàn thiện thủ tục. Còn nếu làm đúng chuẩn thì ít nhất 3 năm mới đủ thủ tục để khởi công".

"Vì sao phải đợi 3 năm, vì phải chờ quy hoạch chung của tỉnh, của địa phương; nếu dự án có sân gôn thì phải trình lên chính phủ, lấy ý kiến của mười mấy bộ ngành, mỗi bộ trung bình hơn 1 tháng, xong hết thủ tục rồi lại quay về địa phương.

"Cho nên nếu pháp lý không hỗ trợ doanh nghiệp, cứ e ngại, lợi ích, không tạo điều kiện thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong thời gian tới đây. Cho đến độ doanh nghiệp lớn như chúng tôi cũng sợ, cũng chết khiếp vì pháp lý, nghĩ đến là sợ rồi, không dám đầu tư", ông Quyết chia sẻ.

Ông Quyết cũng nhấn mạnh thêm rằng: "Giờ đến tỉnh đầu tư, nếu nghe chủ tịch tỉnh nói đảm bảo hết vấn đề pháp lý thì chúng tôi nhận, còn không thì dẫu đất vàng cũng không nhận, vì nhận làm gì, có bán được đâu".

Người đứng đầu FLC khẳng định, các doanh nghiệp bất động sản thường quan tâm vấn đề vị trí dự án, nhưng FLC "chưa bao giờ quan tâm đến vị trí vàng".

"Tôi đánh bắt xa bờ, đến vùng heo may, gió, cát. Không ai như chúng tôi, đầu tư vào những khu đầm lầy sâu từ 3 – 23 m hay như ở Bình Định, chúng tôi thi công hàng nghìn hecta nhưng không một bóng người dân. Nhưng sau khi đầu tư, các dự án vây quanh FLC và tỉnh cũng đấu giá đất xung quanh FLC, thu về hàng nghìn tỷ. Mỗi người có một cách làm, tôi không quan tâm vị trí mà chỉ nhìn nhận tương lai có thị trường hay không", ông Quyết nói.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm