Thị trường bất động sản chật vật, tại sao giá bán chưa chịu giảm?

| 11-05-2020, 12:16 | Thị trường 24h

Tuy đã được kiểm soát tốt tại Việt Nam song trên thế giới, dịch Covid-19 vẫn đang có diễn biến phức tạp, tác động nặng nề lên nền kinh tế. Chính những diễn biến này đã khiến phần lớn các ngành kính tế gần như chỉ hoạt động cầm chừng. Riêng ngành bất động sản, ngay cả khi lượng giao dịch trên thị trường đã gần "chạm đáy", các doanh nghiệp vẫn chưa có động thái muốn giảm giá bán.


Doanh nghiệp vẫn muốn giữ giá

Gần hết nửa đầu năm 2020, thị trường bất động sản cũng chung tình trạng hậu "ngủ đông" sau dịch Covid-19, tương tự như nhiều ngành kinh tế khác hiện nay. Khó khăn ngày càng chồng chất đối với thị trường sau giãn cách xã hội, tâm lý bất an của người mua cùng sự ngưng trệ của kinh tế. Nhiều doanh nghiệp chỉ có thể hoạt động cầm chừng, cắt giảm nhân sự, các dự án bất động sản cũng buộc phải lùi lịch chào bán khiến nguồn cung bị đình trệ…

Tuy nhiên, nhu cầu mua bất động sản ở thực vẫn được ghi nhận là rất lớn giữa biến cố bất ngờ này. Giới đầu tư nắm bắt được tâm lý đó nên vẫn đợi kinh tế hồi phục và đang tìm mọi cách để có thể trụ lại thị trường. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp còn rất tự tin, một số thậm chí còn tiến hành tăng giá bán sơ cấp. Dự trên cơ sở mặt bằng giá đã thiết lập ở mức cao trước đại dịch, động thái này còn đến từ những tín hiệu tích cực của thị trường như nguồn cung khan hiếm, nguồn cầu lớn, dịch bệnh được kiểm soát tốt cùng các gói hỗ trợ của Chính phủ...

Hoạt động của các doanh nghiệp bất động sản chịu nhiều ảnh hưởng của việc "giãn cách xã hội". Ảnh minh họa

Giá đầu vào sản phẩm không ngừng tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến các chủ đầu tư buộc phải “giữ giá” cho sản phẩm của mình. Thêm vào đó, không chỉ tác động đến kế hoạch tài chính và doanh thu, việc giảm giá có thể sẽ ảnh hưởng đến đánh giá của thị trường với doanh nghiệp, thậm chí có thể khiến khách hàng phải chờ đợi lâu hơn. 

Dù vậy, để có thể duy trì sức mua, hình thức giảm giá một cách khéo léo đã được một vài doanh nghiệp lựa chọn như chính sách bán hàng đi kèm ưu đãi, tặng quà. Trong khi đó, với tài sản của những nhà đầu tư cần xoay vòng vốn tại thị trường thứ cấp, người mua có thể thương lượng để có mức giảm trên dưới 10%. Dù không phải mức giảm sâu nhưng trong hơn 3 tháng thị trường bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thì biên độ điều chỉnh này có thể coi là hợp lý.

Theo tìm hiểm của Batdongsan.com.vn, tuy giá bán trên thị trường sơ cấp gần như không biến động nhưng tại một số dự án ở phân khúc cao cấp gặp vấn đề về chất lượng hoặc không có lợi thế về vị trí đã xuất hiện tình trạng giảm giá sâu hơn. 

Tổng giám đốc Công ty Việt An Hòa, ông Trần Khánh Quang, nhìn nhận, do giới đầu cơ vẫn muốn ôm hàng và xoay sở tài chính nên giá bất động sản trong thời điểm này khó giảm sâu. Tuy nhiên, trong trường hợp khó khăn còn tiếp tục kéo dài, việc chấp nhận bán ra dưới giá kỳ vọng của một số nhà đầu tư hoàn toàn có thể xảy ra. 

Sẵn sàng tăng tốc

Các hoạt động quan trọng như bán hàng hay giới thiệu sản phẩm của các doanh nghiệp đều phải tạm dừng suốt thời gian qua. Chính vì vậy, ngay cả khi Việt Nam đã kiểm soát tốt được dịch bệnh nhưng bức tranh chung của thị trường đến thời điểm cuối tháng 4 vẫn không mấy tươi sáng, lượng giao dịch thực tế vẫn chưa thể hồi phục lại như thời điểm trước dịch, trong khi nhiều sàn BĐS tiếp tục đóng cửa vô thời hạn.

Tin rao trên Batdongsan.com.vn có sự phục hồi trở lại khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng

Tuy nhiên, theo báo cáo tháng 4/2020 của Batdongsan.com.vn, thị trường đã chứng kiến một vài tín hiệu tích cực với sự quay trở lại của cả người mua lẫn doanh nghiệp. Theo đó, sau khi sụt giảm mạnh trong giai đoạn đầu thực hiện cách ly xã hội, lượng tin đăng đã tăng mạnh đến 73% khi nới lỏng việc giãn cách. Không những vậy, trong tháng 3 và 4, mức độ quan tâm của người dùng không hề suy giảm nên có thể thấy, người mua vẫn sẵn sàng trở lại thị trường ngay cả khi giá bán chưa giảm sâu và nguồn cung còn khan hiếm. 

Trên thực tế, các doanh nghiệp có thực lực trong thời gian qua vẫn thích ứng với dịch bằng cách thực hiện ái cấu trúc sản phẩm, thay đổi cách tiếp cận khách hàng và vẫn tung sản phẩm mới ra thị trường, trái lại với tình trạng gần như đóng băng vì dịch bệnh của các doanh nghiệp nhỏ lẻ. Đó cũng là lời lý giải cho sự bắt nhịp kịp thời của nhiều doanh nghiệp ngay khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng.

Đơn cử, Vinhomes Online đã được Vinhomes ra mắt, cho phép khách hàng giữ chỗ, tiến hành đặt cọc online; Sunshine Group thúc đẩy hoạt động bán hàng, đầu tư BĐS qua Sunshine App; Gamuda Land cho ra mắt website giữ chỗ trực tuyến;… Tại thị trường TP.HCM, Đất Xanh đầu tư thêm dự án 2ha ở Long Thành; đầu tháng 5, Tập đoàn Novaland cũng đang chuẩn bị ra mắt phân khu River Park 1 nằm trong khu đô thị sinh thái thông minh Aqua City; Capital Land, Phú Long cũng đang triển khai dự án mới tại huyện Nhà Bè....

Nhìn chung, sau Covid-19, toàn thị trường đã được sàng lọc, giúp tìm ra những doanh nghiệp có tiềm lực, vị thế trên thương trường, đồng thời đào thải những doanh nghiệp yếu kém. Thời gian tới, giá bán bất động sản sẽ tăng lên hay giảm xuống, đều phụ thuộc trực tiếp vào diễn biến của dịch bệnh. Trường hợp dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường dần phục hồi và giá bán có thể tiếp tục tăng nhưng ở mức hạn chế. Ngược lại, một vài doanh nghiệp, nhà đầu tư không đủ tài chính sẽ buộc phải giảm giá bán nếu như khó khăn kéo dài.


(Theo ThanhnienViet)
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm