Cư dân tòa nhà 8B Lê Trực gửi kiến nghị tới Bí thư Vương Đình Huệ

| 19-02-2020, 04:35 | Thị trường 24h

Sau những sai phạm của chủ đầu tư tại chung cư 8B Lê Trực (quận Ba Đình, Hà Nội), nhiều người dân mua nhà tại đây đã bày tỏ nguyện vọng được sớm nhận nhà của mình thông qua đơn kiến nghị lên Bí thư thành ủy Vương Đình Huệ. 

Cư dân tòa nhà 8B Lê Trực gửi kiến nghị tới Bí thư Vương Đình Huệ

Lo sợ 10 năm nữa chưa thể nhận được nhà?

Sau buổi thông tin báo chí về tiến độ xử lý công trình 8B Lê Trực, ông Hùng (khách hàng mua nhà) bức xúc nói, 5 năm rồi không xử lý xong, giờ tìm nhà tư vấn nước ngoài thì 10 năm nữa có xử lý được không?

Một chủ hộ khác cho biết, sau khi ký hợp đồng mua nhà hợp pháp và đã thanh toán đến 90% giá trị hợp đồng để giữa năm 2015 được vào ở, tòa nhà bị cưỡng chế. Đến nay, đã sang năm thứ 5 công trình vẫn nằm chờ quận Ba Đình và thành phố Hà Nội xử lý, trong khi người dân không thể tiếp cận với tài sản của mình vì bị phong tỏa.

Người mua nhà 8B Lê Trực căng băng rôn đòi quyền lợi vì bỏ tiền tỷ mà suốt 5 năm qua vẫn chưa thể nhận được nhà.

Đơn kiến nghị của người dân sau đó được gửi đến các cơ quan chức năng, trong đó có những kiến nghị cho rằng việc cưỡng chế vi phạm trật tự xây dựng dựa theo giấy phép xây dựng (GPXD) cấp ngày 24/3/2014 cho công trình 8B Lê Trực của Sở Xây dựng Hà Nội cấp là không đúng.

Cụ thể, đơn kiến nghị tập thể của các khách hàng cho rằng, việc cơ quan chức năng cưỡng chế phá dỡ tầng 17 và tầng 18 của công trình 8B Lê Trực là không đúng quy định pháp luật, do 2 tầng này xây dựng đúng theo quy hoạch 1/500 được phê duyệt. Đồng thời, trong GPXD mà Sở Xây dựng Hà Nội cấp cho công trình 8B Lê Trực cũng thể hiện có tầng 17 và tầng 18 là tầng căn hộ bán cho người dân.

Đơn kiến nghị tập thể của khách hàng mua nhà tại 8B Lê Trực cũng bày tỏ nguyện vọng được bảo vệ quyền lợi, được tham gia đối thoại giữa chính quyền, chủ đầu tư và người mua căn hộ, để làm rõ trách nhiệm, quyền lợi mỗi bên.

Thu hồi Giấy phép nếu cấp sai quy định

Tính pháp lý về việc cấp GPXD, căn cứ xử phạt cũng được báo chí đặt câu hỏi tới Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến trao đổi tại buổi thông tin diễn biến việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại dự án 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội) với báo chí diễn ra vừa qua.

Theo ông Chiến, pháp lý xử phạt vi phạm trật tự xây dựng của công trình 8B Lê Trực của UBND quận Ba Đình căn cứ theo GPXD số 11 do Sở Xây dựng cấp cho Công ty CP may Lê Trực. Theo đó, tầng 19 đã được xử lý xong, tầng 17 và 18 cũng được xác định có vi phạm trật tự xây dựng về vượt chiều cao và vượt diện tích sàn. Các sở, ngành đã rà soát rất kỹ và báo cáo UBND TP và TP cho phép quận Ba Đình tiếp tục xử lý giai đoạn 2.


Tuy nhiên, Chủ tịch UBND quận Ba Đình thừa nhận, trong quá trình xử lý vi phạm tại công trình 8B Lê Trực, chủ đầu tư có một số ý kiến cho rằng, việc xử lý vi phạm của UBND quận Ba Đình không đúng với Quy hoạch chi tiết 1/500 đã được UBND TP trước đây. Tuy nhiên, quận khẳng định, việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng phải căn cứ vào GPXD.

UBND quận Ba Đình vừa thông tin về việc chuẩn bị cưỡng chế giai đoạn 2 của tòa nhà sai phép 8B Lê Trực.


Trao đổi với PV Tiền Phong, Luật sư Diệp Năng Bình (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết, theo điểm c, khoản 1, Điều 19 Nghị định 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ thì trước khi khởi công xây dựng công trình, chủ đầu tư phải có GPXD, trừ trường hợp xây dựng các công trình trong đó có công trình xây dựng thuộc dự án khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu nhà ở có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Về công trình 8B Lê Trực thực hiện theo quy hoạch xây dựng chi tiết 1/500 tại Quyết định 2452 ngày 5/12/2008 của UBND TP.Hà Nội, được cấp phép 20 tầng, chiều cao 70 m (17 tầng chính + 2 tầng kỹ thuật + 1 tầng mái); các tầng 20, 19, 18, 17 mà UBND quận Ba Đình, UBND phường Điện Biên yêu cầu phá dỡ đều có trong quy hoạch xây dựng chi tiết nêu trên.

Luật xây dựng số 50 ngày 18/6/2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015 cũng quy định rõ: Dự án đầu tư xây dựng đã được phê duyệt trước ngày Luật này có hiệu lực thì không phải phê duyệt lại, các hoạt động tiếp theo chưa được thực hiện thì thực hiện theo quy định của Luật này. Công trình được xây dựng trước thời điểm Luật này có hiệu lực đang tồn tại phù hợp với quy hoạch xây dựng nhưng sau khi giải phóng mặt bằng không còn phù hợp về kiến trúc thì được phép tồn tại theo hiện trạng; trường hợp cải tạo, sửa chữa, nâng cấp công trình thì phải thực hiện theo quy định của Luật này.

Hơn nữa, trong việc cấp GPXD sai quy hoạch, tiêu chuẩn thì trách nhiệm là của cơ quan cấp phép. Doanh nghiệp, người dân chỉ là người xin, còn cho phép xây dựng bao nhiêu là do cơ quan nhà nước. Nếu các cơ quan xác định GPXD cấp sai quy hoạch, sai tầng và nếu dẫn đến phải thu hồi GPXD và tháo dỡ thì phải bồi thường cho người bị thiệt hại do hành vi có lỗi của mình. “Do đó, trong trường hợp này, Hà Nội cần phải ngưng việc cưỡng chế và giải quyết thỏa đáng quyền lợi cho người dân, doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật”, Luật sư Bình đề xuất.

Cùng quan điểm, Luật sư Nguyễn Thanh Tùng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) nhận định, cơ quan chức năng cần xem xét nhiều yếu tố mà công trình có thể tồn tại theo thực tế thì có thể điều chỉnh quy hoạch và điều chỉnh GPXD cho phù hợp.

“Còn nếu qua xem xét không thể điều chỉnh quy hoạch, công trình gây mất mỹ quan, mất an toàn, ảnh hưởng bộ mặt đô thị thì cơ quan nhà nước sẽ quyết định thu hồi GPXD đi kèm là xử lý công trình. Khi đó phải bồi thường cho người được cấp GPXD”, vị luật sư nói.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm