Địa phương ven biển “siết” xây dựng cơ sở lưu trú, nhà cao tầng

| 21-08-2019, 11:20 | Thị trường 24h

Trong thời gian qua, việc ồ ạt xây dựng cơ sở lưu trú, nhà cao tầng tại nhiều địa phương ven biển đã và đang để lại hàng loạt hệ lụy, ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông, phát triển đô thị.




Địa phương ven biển “siết” xây dựng cơ sở lưu trú, nhà cao tầng

Sự phát triển tự phát của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đã bộc lộ nhiều hạn chế

Thống kê sơ bộ của Sở Du lịch Bình Định, thành phố Quy Nhơn hiện có 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú quy mô nhỏ đã hoàn thành đưa vào hoạt động, trong số đó nhiều khách sạn mini được xây ồ ạt tại khu dân cư, đất nhà ở của dân với diện tích mỗi công trình vỏn vẹn 50-70 m2.

Nhà nghỉ, khách sạn “như nấm sau mưa”

Tương tự, theo thống kê của Đại diện Sở Du lịch Thành phố Đà Nẵng, năm 2011, toàn thành phố chỉ có 260 cơ sở lưu trú với 8.736 phòng; đến năm 2017 có 693 cơ sở lưu trú với 28.780 phòng. Dự báo từ nay đến hết năm 2020 là giai đoạn tăng trưởng rất mạnh so với những năm trước, trung bình mỗi năm tăng khoảng 86 cơ sở với 6.000 phòng.

Tại tỉnh Khánh Hòa, trong thời gian vừa qua Khánh Hòa ghi nhận tình trạng các doanh nghiệp, nhà đầu tư ồ ạt đổ tiền xây dựng khách sạn. Tính đến nay toàn tỉnh có hơn 720 cơ sở lưu trú với khoảng 39.400 phòng, tập trung chủ yếu ở thành phố Nha Trang và dự kiến, trong năm nay sẽ có thêm 10.000 phòng.

Theo các chuyên gia, sự phát triển tự phát của hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đã bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống giao thông, bãi đỗ xe, hệ thống cấp nước, thoát nước và xử lý rác thải, ô nhiễm môi trường cũng như các vấn đề phát sinh khác.

Góp ý về số lượng khách sạn cao tầng và công trình cao tầng tại các khu vực ở gần, dọc biển Nha Trang, ông Phạm Văn Chi - Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng, như vậy là quá nhiều. “Nếu chính quyền cứ cho và để xây các khách sạn, công trình cao tầng chót vót lên thì sẽ "chết" giao thông mà không có cách gì cứu nổi” – ông Chi nói.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, việc gia tăng bất động sản nghỉ dưỡng khu vực ven biển ở địa phương này đã gây áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, cụ thể là hạ tầng giao thông, gây tắc nghẽn cục bộ.

Đại diện lãnh đạo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng thừa nhận số lượng cơ sở lưu trú du lịch tăng mạnh là một thành công của Đà Nẵng trong việc thu hút đầu tư các dự án bất động sản du lịch nhằm tạo tầm vóc và diện mạo mới. Tuy nhiên, việc tăng trưởng quá nhanh đang gây áp lực cho hạ tầng kỹ thuật và xã hội, tác động tiêu cực đến môi trường, không khí, cấp nước, rác thải... đến hệ thống điện nước, cứu hỏa, hạ tầng xã hội.

Cần giải pháp kịp thời

Trước thực trạng này, mới đây UBND tỉnh Bình Định ban hành văn bản quyết định tạm dừng chuyển đổi mục đích xây dựng công trình nhà ở sang xây dựng cơ sở lưu trú phục vụ du lịch trên địa bàn thành phố Quy Nhơn. UBND tỉnh Đề nghị Công an tỉnh, các Sở Xây dựng, Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, UBND thành phố Quy Nhơn và các cơ quan liên quan tạm dừng các thủ tục liên quan đến việc thẩm định, cấp phép và đăng ký, kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn theo chủ trương nêu trên.

Đồng thời, giao Sở Xây dựng khẩn trương hoàn thiện đồ án quy hoạch phân khu xây dựng 12 phường nội thành Quy Nhơn, trình UBND tỉnh phê duyệt để quản lý quy hoạch theo quy định.

Thời gian tạm dừng đến khi hoàn thành đồ án quy hoạch phân khu xây dựng 12 phường nội thành Quy Nhơn được phê duyệt để đảm bảo đáp ứng các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và phù hợp với quy hoạch theo quy định.

Với Thành phố Đà Nẵng, trước đó UBND TP Đà Nẵng cũng đã tổ chức cuộc họp về vấn đề này và giải pháp được đưa ra là lập "hàng rào kỹ thuật" để khống chế việc nở rộ khách sạn.

Đại diện Sở Du lịch Thành phố Đà Nẵng, cho biết tình hình phát triển các loại hình cơ sở lưu trú du lịch (chủ yếu là khách sạn) trên địa bàn TP Đà Nẵng trong thời gian qua đã diễn ra quá nóng nên công tác phân tích, dự báo và xây dựng quy hoạch gặp nhiều khó khăn.

Tương tự câu chuyện trên, UBND TP Nha Trang cũng kiến nghị tỉnh Khánh Hòa tạm dừng việc thỏa thuận phương án kiến trúc đối với các công trình khách sạn cao tầng cho đến khi quy định quản lý quy hoạch kiến trúc tại thành phố này được ban hành.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Huỳnh Tấn Vinh - Tổng Giám đốc Furama Resort cho rằng, việc cấp phép xây dựng khách sạn hiện nay phụ thuộc vào cơ quan quản lý nhà nước mà trực tiếp là Sở Xây dựng. Thực tế, nhiều địa phương đang rơi vào khủng hoảng thừa khách sạn cấp thấp sao mà thiếu khách sạn cao cấp, biệt thự nghỉ dưỡng.

“Chính quyền địa phương cần nghiên cứu hạn chế cấp phép xây dựng khách sạn 1-3 sao, thay vào đó là gia tăng xây dựng biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp. Bên cạnh đó, chính quyền cũng cần đưa ra dự báo trong tương lai về nguồn khách du lịch, số lượng buồng phòng hiện tại và đưa ra khuyến nghị để giúp doanh nghiệp có cái nhìn thấu đáo hơn khi quyết định đầu tư xây dựng bất động sản du lịch” – ông Vinh nói.

HỒNG HƯƠNG

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm