Kiến nghị gỡ vướng cho 116 dự án bất động sản bị ách tắc

| 4-08-2022, 15:18 | Thị trường 24h

“Sợ ký, sợ trình” dẫn đến hồ sơ dự án kéo dài

Theo HoREA, thị trường bất động sản tại Tp.HCM vẫn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng. Song, trên thực tế thị trường này bị sụt giảm về nguồn cung dự án cũng như sản phẩm nhà ở. Bởi nhiều dự án bất động sản bị dừng do không thực hiện được thủ tục đầu tư xây dựng hoặc bị dừng triển khai, bị ách tắc do vướng luật. 

Tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là căn hộ bình dân, nhà ở xã hội, điều này dẫn đến giá nhà đất tăng, làm cho số đông người có thu nhập trung bình và thấp ở đô thị khó tạo lập nhà ở hơn. Tình trạng mất cân bằng cung - cầu do nguồn cung quá ít trong lúc nhu cầu quá cao làm cho giá nhà dễ bị đẩy lên cao, dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ, đầu tư lướt sóng làm lũng đoạn thị trường, trục lợi.

HoREA cũng cho răng, để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển bền vững, cân bằng thì phân khúc căn hộ bình dân, giá vừa túi tiền của đại bộ phận khách hàng có nhu cầu phải giữ ở tỷ lệ cao nhất; tiếp theo là phân khúc căn hộ trung cấp; còn phân khúc cao cấp chiếm tỷ lệ nhỏ nhất.

Kiến nghị gỡ vướng cho 116 dự án bất động sản bị ách tắc

HoREA kiến nghị tháo gỡ vướng mắc cho loạt dự án bất động sản bị ách tắc do luật.


Bên cạnh đó, tình hình chuyển nhượng dự án nhà ở trong thời gian qua giảm mạnh do chưa đầy đủ các thủ tục pháp lý, đồng thời cũng do thiếu hụt nguồn cung quỹ đất, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung dự án mới, đặc biệt là những dự án phân khúc nhà ở bình dân.

Trước đó, HoREA cũng đã nhiều lần kiến nghị UBND Tp.HCM, báo cáo các vướng mắc để tháo gỡ các dự án bất động sản trên địa bàn. Chẳng hạn, có những dự án cả 10 năm chỉ vì vướng thủ tục hoán đổi tiền sử dụng đất và được kinh doanh thương mại, hay vướng cơ chế hoán đổi… đến nay vẫn chưa được giải quyết. 

Một số dự án được chính quyền chấp thuận đầu tư với công năng là nhà chung cư cao tầng, đã xây dựng xong móng và hầm nhưng sau đó các dự án này được chuyển nhượng sang cho đối tác và đã được Tp.HCM chấp thuận cho nhận chuyển nhượng toàn bộ dự án và sổ đỏ đất ở. Song vẫn không thể triển khai vì vướng quy hoạch hoặc không phù hợp quy hoạch. 

Thị trường bất động sản ngưng trệ, nếu các cơ quan, ban ngành không có giải pháp xử lý hiệu quả các điểm nghẽn hiện nay thì nguy cơ phá sản do không cân bằng được tài chính, còn thị trường sẽ sụt giảm quy mô về tăng sản phẩm, khó khăn cho người muốn sở hữu nhà ở thực khi lựa chọn.

Các vướng mắc tại các dự án phát triển nhà ở tồn tại nhiều năm qua nhưng chưa được Tp.HCM gỡ vướng, xử lý dứt điểm.

Một phần do luật chồng luật, nhất là các quy định tréo ngoe về đóng tiền sử dụng đất và các thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai chưa được giải quyết dứt điểm, khiến hàng loạt dự án bất động sản trên địa bàn TP bế tắc, điều này khiến không ít doanh nghiệp mang tiếng bội tín với khách hàng. Ngoài ra, sở, ngành có liên quan và địa phương có tư tưởng “sợ ký, sợ trình” dẫn đến hồ sơ dự án kéo dài hoặc bị “đá qua - đá lại” giữa các sở, ngành, không bên nào chịu giải quyết dứt điểm. 

HoREA hy vọng trong thời gian tới, chính quyền TP tiếp tục quan tâm hơn đến các vấn đề pháp lý, giải quyết sớm các thủ tục nộp tiền sử dụng đất, giúp các doanh nghiệp bất động sản gỡ rối trong thời gian sớm nhất. Từ đó, mang đến một thị trường bất động sản nhộn nhịp hơn, minh bạch, tạo nguồn cung dồi dào hơn.

Đề xuất bỏ quy định nộp bằng tiền đối với quỹ đất 20% để giữ đất làm nhà ở xã hội

Mới đây, HoREA cũng vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị 14 giải pháp phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Trong đó, Hiệp hội đề nghị bỏ quy định nộp bằng tiền đối với quỹ đất 20% . Ngoài ra, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại không phân biệt quy mô diện tích được lựa chọn, hoặc xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% trong dự án...

Theo đó, Hiệp hội đề nghị sửa Luật Nhà ở quy định quy hoạch khu vực riêng để phát triển nhà ở xã hội và “nhà ở giá phù hợp với thu nhập” của người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp đô thị với đầy đủ tiện ích, dịch vụ và kết nối giao thông thuận tiện, tương tự như thực tiễn của nhiều nước đã thực hiện.

Do ngân sách nhà nước có hạn nên nguồn vốn ngân sách, nhà nước chỉ nên tập trung phát triển nhà ở xã hội cho thuê. Đối với nhà ở xã hội để bán, cho thuê mua thì xã hội hoá để doanh nghiệp tư nhân thực hiện và có chính sách ưu đãi thực chất để khuyến khích doanh nghiệp tư nhân đầu tư nhà ở xã hội chỉ để cho thuê.

Để bổ sung quỹ đất, Hiệp hội đề nghị bỏ quy định nộp bằng tiền đối với quỹ đất 20%. Ngoài ra, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại không phân biệt quy mô diện tích được lựa chọn, hoặc xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% trong dự án; hoặc được hoán đổi quỹ đất 20% nhà ở xã hội của dự án nhà ở thương mại bằng quỹ đất ở hoặc quỹ nhà ở tại vị trí khác theo nguyên tắc đảm bảo giá trị tương đương.

Để tạo nguồn vốn, Hiệp hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo đẩy nhanh gói 15.000 tỷ đồng, trước hết là hỗ trợ 2 tháng tiền thuê nhà cho công nhân lao động. Nhưng một phần của gói hỗ trợ 15.000 tỷ đồng sẽ có thể bị “ế” do thiếu dự án nhà ở xã hội dẫn đến thiếu sản phẩm nhà ở xã hội, nên Hiệp hội đề nghị bổ sung đối tượng chủ nhà trọ cũng được vay ưu đãi để đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp nhà trọ, phòng trọ cho công nhân lao động thuê.


PV
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm