Hơn 161.000 tỷ đồng đầu tư đường Vành đai 3 Tp.HCM và đường Vành đai 4 vùng Thủ đô

| 16-06-2022, 14:08 | Thị trường 24h

Sáng 16/6, có 475/478 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,38% Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Tp.HCM.

Theo đó, chủ trương đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 Tp.HCM nhằm mục tiêu kết nối Tp.HCM với tỉnh Đồng Nai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Long An và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang đầu tư, tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất nhằm xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hơn 161.000 tỷ đồng đầu tư đường Vành đai 3 Tp.HCM và đường Vành đai 4 vùng Thủ đô

Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 Tp.HCM và đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.


Đường vành đai 3 Tp.HCM khoảng 76,34 km, chia thành 8 dự án thành phần theo hình thức đầu tư công; sơ bộ tổng mức đầu tư là 75.378 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 61.056 tỷ đồng; nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026 - 2030 là 14.322 tỷ đồng.

Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.

Về nhu cầu sử dụng đất và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 642,7 ha, trong đó: đất trồng lúa khoảng 70,24 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 103,52 ha, đất rừng sản xuất khoảng 16,82 ha, đất dân cư khoảng 64,1 ha, đất trồng cây lâu năm khoảng 229,62 ha, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp 11,2 ha và đất khác khoảng 147,2 ha. Giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch, trừ đoạn Tân Vạn - Bình Chuẩn đã đầu tư.

Về tiến độ thực hiện, dự án chuẩn bị đầu tư, thực hiện Dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2025 và đưa vào khai thác từ năm 2026.

Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng quy định rõ việc triển khai, thực hiện Dự án được áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt về: Nguồn vốn đầu tư; Tổ chức thực hiện dự án;… Đồng thời, giao Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội trong việc triển khai tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành Dự án theo đúng Nghị quyết này và quy định của pháp luật có liên quan; đôn đốc, kiểm tra các địa phương được giao làm cơ quan chủ quản và chịu trách nhiệm về tiến độ, chất lượng Dự án; quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo các địa phương bảo đảm nguồn vốn thực hiện Dự án;…

Cũng trong buổi sáng, với 474/475 đại biểu tán thành (chiếm 95,18%), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội.

Nghị quyết nêu rõ mục tiêu đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, vành đai liên vùng, khu kinh tế trọng điểm Vùng Thủ đô Hà Nội, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của Thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phạm vi, quy mô, hình thức đầu tư của Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội, đầu tư khoảng 112,8 km, chia thành 07 dự án thành phần; quy mô, hình thức đầu tư của từng dự án thành phần. Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả. Khuyến khích ứng dụng công nghệ cao trong tổ chức thi công, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện hình thức thu phí tự động không dừng trong khai thác, vận hành.

Theo Nghị quyết nhu cầu sử dụng đất và phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, theo đó, sơ bộ nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 1.341 ha, trong đó: đất trồng lúa khoảng 816 ha, đất nông nghiệp khác khoảng 258 ha, đất dân cư khoảng 58 ha và đất khác khoảng 209 ha. Cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa để thực hiện Dự án. Giải phóng mặt bằng toàn tuyến một lần theo quy mô quy hoạch. Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án là 85.813 tỷ đồng (tám mươi lăm nghìn, tám trăm mười ba tỷ đồng). Tiến độ thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.

Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội giao Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn Dự án; Dự án thành phần 3 được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư. Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định…


Huyền Châu
Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm