Thanh Hoá: Dự án khu dân cư hơn 600 tỷ xướng tên Liên danh Hano - Vid

| 11-12-2021, 09:08 | Thị trường 24h

Vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra công văn số 19103/UBND-CN về việc đồng ý thực hiện thủ tục chấp thuận nhà đầu tư đối với dự án Khu dân cư mới phía Tây Bắc đường Cầu Kè, huyện Thọ Xuân.

Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Kế hoạch và Đầu tư triển khai thực hiện các thủ tục tiếp theo; đồng thời, hướng dẫn Liên danh CTCP bất động sản Hano Vid - CTCP Trường Thịnh 36 thực hiện các thủ tục chấp thuận nhà đầu tư theo quy định.

Trước đó, ngày 28/7/2021 UBND tỉnh Thanh Hoá đã có quyết định số 2855/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu dân cư mới phía Tây Bắc đường Cầu Kè, huyện Thọ Xuân. Diện tích sử dụng đất của dự án khoảng 10,8 ha, gồm 422 căn liền kề và 37 căn biệt thự, quy mô dân số 2.000 người.

Thanh Hoá: Dự án khu dân cư hơn 600 tỷ xướng tên Liên danh Hano - Vid

Phối cảnh dự án Khu dân cư mới phía Tây Bắc đường Cầu Kè, huyện Thọ Xuân.


Vốn đầu tư của dự án dự kiến khoảng 625,7 tỷ đồng. Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm. Tiến độ thực hiện không quá 4 năm kể từ ngày phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư hoặc chấp thuận nhà đầu tư.

Đến ngày 20/9, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa đã có thông báo mời các nhà đầu tư quan tâm dự án trên. Sau đó, Sở này đã công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án. Theo đó, nhà đầu tư duy nhất đăng ký thực hiện dự án là Liên danh Hano Vid và Trường Thịnh 36.

Cái tên được chú ý hơn trong liên danh nhà đầu tư trên chính là Hano-Vid, doanh nghiệp này là thành viên của Tập đoàn TNR Holdings. Theo thống kê, trong 3 năm trở lại đây, TNR Holdings cùng May Diêm Sài Gòn và các thành viên khác trong tập đoàn là Hano-Vid, BĐS Mỹ, CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Nam Quang, CTCP Thương mại - Quảng cáo - Xây dựng Việt Hân đã được cấp phép trở thành chủ đầu tư của ít nhất 36 dự án, với tổng diện tích hơn 800 ha, gồm đủ các loại hình khu đô thị, khách sạn, hay cả bất động sản khu công nghiệp trên phạm vi cả nước.

Điểm mặt các dự án của TNR Holdings ở Thanh Hoá

Tại Thanh Hóa, TNR Holdings hiện nay có 2 dự án đang triển khai. Đầu tiên phải kể đến  dự án khu đô thị TNR Stars Bỉm Sơn, quỹ đất dự án có tổng diện tích 26,82ha với vốn đầu tư 532 tỷ đồng. Dự án được đầu tư xây dựng đồng bộ công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ - thương mại, nhà văn hóa cộng đồng và trường tiểu học phục vụ nhu cầu đất ở và các nhu cầu khác cho người dân trong khu vực, góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị thị xã Bỉm Sơn, đồng thời  thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Phối cảnh dự án khu đô thị TNR Stars Bỉm Sơn.


Tiếp đến là dự án Khu đô thị thị trấn Lam Sơn có quy mô khoảng 10,5 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 148,6 tỷ đồng, gồm 339 căn liền kề nhà phố shophouse và các tiện ích đi kèm. Được giới thiệu sẽ là một trong những khu đô thị đồng bộ, hiện đại tại huyện Thọ Xuân nói riêng cũng như tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Hano - Vid làm ăn ra sao?

Về nhà đầu tư thực hiện dự án, Công ty Cổ phần Bất động sản Hano-Vid (Hano – Vid) được thành lập vào ngày 1/12/2010, có địa chỉ tại số 430 đường Cầu Am, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội.

Hano-Vid được thành lập bởi ba pháp nhân là: Công ty Cổ phần Dệt Hà Đông, Tổng công ty Cổ phần Dệt may Hà Nội và Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group, nay là TNG Holdings).

Từ nhiều năm nay, Hano - Vid đã trở nên “quen mặt” với thị trường Thủ đô khi phát triển dự án Goldsilk Complex (Vạn Phúc, Hà Đông). Người đại diện theo pháp luật kiêm tổng giám đốc của công ty là ông Nguyễn Thế Đạt.

Dữ liệu cho thấy trong giai đoạn 2018 - 2020, Hano-vid đã có quá trình tăng vốn điều lệ rất mạnh mẽ. Cụ thể, năm 2018, công ty tăng vốn từ 320 tỷ đồng lên 771 tỷ đồng, tháng 4/2019 tăng tiếp lên 2.391 tỷ đồng và đúng 1 năm sau thì tăng lên 3.544 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Bất động sản Hano - Vid là nhà đầu tư dự án khu đô thị mới ở huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá. ( Ảnh minh hoạ).

Nhờ màn tăng vốn siêu nhanh (gấp gần 11 lần trong 3 năm), quy mô tài sản và vốn chủ sở hữu của công ty đều gia tăng nhanh chóng. Xét riêng giai đoạn 2016 – 2019, tài sản của công ty đã tăng 52%, từ 2.640 tỷ đồng lên 4.012 tỷ đồng. Đóng góp chính cho sự tăng trưởng của quy mô tài sản là sự gia tăng của vốn chủ sở hữu, từ 329 tỷ đồng lên 2.627 tỷ đồng, tương đương tăng gấp 8 lần.

Trong khi đó, nợ phải trả có bước thoái từ 2.310 tỷ đồng xuống 1.385 tỷ đồng, tương đương giảm 40%.

Diễn biến gia tăng vốn chủ sở hữu và đà đi xuống của nợ phải trả không chỉ giúp kéo hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu xuống thấp vào năm 2019, sau nhiều năm ở mức rất cao, mà còn giúp Hano-vid giải quyết được tình trạng nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn vốn “đeo đẳng” suốt các năm 2016 – 2018.

Về tình hình kinh doanh, năm 2016, công ty ghi nhận doanh thu thuần 233 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu thuần tăng vọt lên 1.421 tỷ đồng do đây là năm bàn giao chủ yếu dự án Goldsilk Complex. Tới năm 2018, nguồn thu từ dự án không còn nhiều, doanh thu thuần quay trở lại mốc 233 tỷ đồng và tiếp tục giảm mạnh vào năm 2019, chỉ còn 21 tỷ đồng.

Lợi nhuận sau thuế có diễn biến tương ứng khi tăng mạnh từ 9,5 tỷ đồng (2016) lên 166,5 tỷ đồng (2017) rồi giảm xuống 19,7 tỷ đồng (2018) rồi 3,7 tỷ đồng (2019).

Những năm gần đây, Hano-vid làm ăn thuận lợi trông thấy. Tính từ 2019 tới nay, công ty này đã công bố trúng ít nhất 9 dự án đầu tư có sử dụng đất xây dựng các khu đô thị, khu nhà ở, khu dân cư. Trong đó, công ty trúng 7 dự án độc lập và 2 dự án liên danh với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển bất động sản TNR. Các dự án nằm ở nhiều tỉnh thành, từ Cao Bằng, Bắc Kạn, Yên Bái, Phú Thọ, đến Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Đắk Nông.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm