Đề xuất cho phép doanh nghiệp bất động sản giãn nợ, chậm nộp tiền sử dụng đất

| 19-11-2021, 16:38 | Thị trường 24h

UBND Tp.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn thành phố quý III/2021.

Theo báo cáo của UBND Tp.HCM, thị trường bất động sản quý III phát triển chậm hơn so với quý II và cùng kỳ năm ngoái. Do thực hiện các chỉ thị giãn cách xã hội nên thành phố không có biến động về lượng và giá nhà ở trên diện rộng; nguồn cung nhà ở tại các dự án rất hạn chế và hầu như không có.

Đề xuất cho phép doanh nghiệp bất động sản giãn nợ, chậm nộp tiền sử dụng đất

Tp.HCM đề xuất cho phép giãn nộp tiền sử dụng đất; hỗ trợ, miễn, giảm thuế... nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trong bối cảnh đại dịch.


Tp.HCM cho rằng hiện nay, hệ thống các quy định pháp luật còn bất cập, thiếu đồng bộ, gây khó khăn trong việc ngăn chặn và đề xuất giải pháp xử lý những vi phạm trong hoạt động kinh doanh bất động sản, có thể hình thành những điểm nóng, phức tạp. Qua đó, UBND Tp.HCM nhận diện một số trường hợp thường xảy ra như một căn hộ bán cho nhiều người, dự án chưa hoàn chỉnh thủ tục pháp lý nhưng chủ đầu tư đã cho đặt cọc, giữ chỗ, hứa mua hứa bán.

Để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và hiệu quả, UBND Tp.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ loạt giải pháp.

Đơn cử, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản chịu tác động của dịch Covid-19, đề xuất cho phép chậm nộp, giãn nộp tiền sử dụng đất; hỗ trợ miễn, giảm thuế; xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc hoặc kéo dài thời hạn cho vay.

Chủ đầu tư đã hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng đã có quyết định giao đất và hoàn thành nghĩa vụ tài chính, đối với toàn bộ dự án hoặc một phần dự án, đang thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cho phép chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án tương ứng.

Mặt khác, cho phép nhà đầu tư khi nhận chuyển nhượng dự án để đầu tư xây dựng và khai thác mà không cần phải có chức năng kinh doanh bất động sản đối với các công trình văn hóa, giáo dục, y tế, trung tâm thương mại.

Bên cạnh đó, ban hành quy định về thuế suất giao dịch bất động sản và số lượng bất động sản sở hữu để tạo động lực cho người dân khai báo đúng giá trị giao dịch, giao dịch chính thức, tăng nguồn thu từ giao dịch bất động sản và đảm bảo kinh doanh bất động sản minh bạch và lành mạnh.

Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2021, có 6.171 doanh nghiệp xây dựng tạm ngừng kinh doanh (chiếm 13,7%), 4.091 doanh nghiệp chờ giải thể (chiếm 12,6%). 

Các doanh nghiệp bất động sản có lãi lớn chủ yếu tập trung ở nhóm doanh nghiệp đã niêm yết trên sàn chứng khoán.

Hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản cũng chịu nhiều ảnh hưởng khi có tới 28% đơn vị có nguy cơ giải thể, phá sản; 32% đơn vị đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì và 40% doanh nghiệp còn khả năng chống đỡ, nhưng không cao. Hiện tại đã có tới hơn 80% sàn giao dịch không có doanh thu hoặc doanh thu rất thấp.

Theo Báo cáo gửi Bộ Xây dựng về Thị trường bất động sản và Nhà ở trên địa bàn Tp.HCM trong quý III/2021, thị trường bất động sản thành phố phát triển chậm hơn so với quý II/2021 và chậm hơn so với cùng kỳ.

Nguyên nhân, thị trường trong quý III/2021 bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19 khi thành phố trong giai đoạn giãn cách xã hội, nên không có biến động về lượng và giá nhà ở trên diện rộng. Nguồn cung nhà ở tại các dự án rất hạn chế và hầu như không có.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm