Bất chấp đại dịch, giá các căn hộ vẫn tiếp tục tăng trong quý thứ 10

| 6-07-2021, 15:57 | Thị trường 24h

Ảnh minh họa.

Nguồn cung mới giảm mạnh nhất trong 5 năm

Theo Báo cáo Thị trường bất động sản quý 2 năm 2021 vừa được Savills công bố, trong quý vừa qua, chỉ có một dự án mới và giai đoạn tiếp theo của 6 dự án cung cấp khoảng 1.600 căn hộ chung cư ra thị trường. Nguồn cung mới này giảm 60% theo quý và -74% theo năm. Như vậy, đây là quý có nguồn cung mới thấp nhất trong vòng 5 năm qua.

Theo báo cáo, sở dĩ nguồn cung mới thấp là do trong bối cảnh lo lắng về làn sóng Covid-19 thứ 4 gia tăng nên các chủ đầu tư giảm quy mô mở bán. Chính vì vậy, nguồn cung sơ cấp cũng giảm -13% theo quý và -27% theo năm xuống 21.300 căn. 

Mặc dù vậy, số lượng căn bán được trong quý vẫn đạt khoảng 4.800, tăng 4% theo quý với tỷ lệ hấp thụ đạt 23%, tăng 4 điểm % theo quý. Số lượng giao dịch hạng B và C chiếm 94%. Nguồn cung mới trong quý đạt tỷ lệ hấp thụ 46%. 

Về giá, theo báo cáo, bất chấp các đợt Covid, giá vẫn tăng trưởng mạnh. Giá chào bán sơ cấp trung bình là 1.625 USD/m2, tăng 7% theo quý và 11% theo năm, các dự án hạng B tăng mạnh nhất đạt mức 13% theo năm. 

Theo Savills, đây là quý thứ 10 liên tiếp giá bán sơ cấp tăng. Nguồn cung ít, cơ sở hạ tầng được cải thiện, tiêu chuẩn phát triển cao hơn và giá thép tăng gần đây đã dẫn đến sự gia tăng mạnh về giá căn hộ. 


Bất chấp đại dịch, giá các căn hộ vẫn tiếp tục tăng trong quý thứ 10

Chênh lệch về giá giữa nội và ngoại thành đang dần thu hẹp

Theo thống kê của đơn vị này, từ năm 2017, giá căn hộ sơ cấp đã tăng 14% mỗi năm tại quận Cầu Giấy, nơi có các cơ sở chăm sóc sức khỏe và giáo dục có chất lượng. Giá bán sơ cấp tại quận Long Biên tăng 12%/năm do vị trí gần khu trung tâm và những nơi có cải thiện về cơ sở hạ tầng gần đây, bao gồm nút giao thông kết nối đường Vành đai 3 và đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đường Vành đai 2 đã mang lại lợi ích cho các dự án hạng B và C tại đây. Các quận/huyện Đống Đa, Thanh Xuân, Từ Liêm, Hoài Đức, Hoàng Mai, Thanh Trì cũng ghi nhận giá tăng. 

Chính vì vậy, chênh lệch về giá bất động sản giữa khu vực thành thị và vùng lân cận đang được thu hẹp do cơ sở hạ tầng cải thiện và các dự án ở xa sẽ có nhiều tiện ích đa dạng để bù đắp cho bất lợi về vị trí. Các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm kết nối đã và đang góp phần bao gồm đường Vành đai 3 mở rộng và cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2. Dịch chuyển xa trung tâm cùng với sự mở rộng đô thị của Hà Nội, nguồn cung đã mở rộng từ các khu vực thành thị đến các huyện ngoại thành.


Cụ thể, nếu như năm 2017, các huyện Hoài Đức và Thanh Trì cung cấp 6% nguồn cung thì trong 6 tháng đầu năm 2021, 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh chiếm 32% thị phần. Từ năm 2021 trở đi, các huyện ngoại thành sẽ cung cấp 27% nguồn cung. 

Nguồn cung mới hạn chế và hàng tồn kho giá cao khiến các chủ đầu tư chuyển hướng sang các tỉnh lân cận. Cơ sở hạ tầng được cải thiện đã thúc đẩy nhu cầu nhà ở tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh. 

“Sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng tại Hà Nội đang thu hẹp khoảng cách về giá giữa khu vực đô thị và lân cận. Quy hoạch phân khu nội đô lịch sử đặt mục tiêu giảm dân số của khu vực, đồng thời khẳng định xu hướng phát triển chung cư hướng ra ngoài trung tâm và tạo điều kiện cho việc cải tạo, nâng cấp cũng như tạo ra các dòng sản phẩm cao cấp nâng tầm vị thế thị trường”, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Cấp Cao, Bộ phận Tư vấn, Savills Hà Nội nhận định.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm