Phân khúc condotel không đủ sức để lấp khoảng trống bất động sản nghỉ dưỡng

Nguyễn Thanh Thuý Nguyễn Thanh Thuý | 6-07-2021, 08:57 | Thị trường 24h

Phân khúc condotel không đủ sức để lấp khoảng trống bất động sản nghỉ dưỡng

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng vừa nhen nhóm "sự sống" sau đợt dịch bệnh lần thứ 3 thì tiếp tục nhận thêm một "cú bồi" lần thứ 4 khiến thị trường này thêm ảm đạm. Chuyên gia dự báo, kể cả khi dịch bệnh được kiểm soát thì vẫn phải mất 2-3 năm mới hồi phục hoàn toàn và mọi giao dịch mới trở lại như trước.

Cắt lỗ ồ ạt

Liên tiếp các đợt "bão dịch" càn quét vừa qua khiến thị trường bất động sản nghỉ dưỡng không thể "đứng dậy" được. Trên thị trường xuất hiện tình trạng nhiều nhà đầu tư bán cắt lỗ hoặc chuyển nhượng. Theo khảo sát của Batdongsan.com tại Đà Nẵng, trên đường Phước Trường 1 rao bán cắt lỗ khách sạn 3 sao mặt biển diện tích 240m2, có giá 29 tỷ đồng. Trước đó, chủ khách sạn này đã mua với giá 32 tỷ đồng.

Một khách sạn mặt tiền đường Hà Bổng, quận Sơn Trà, diện tích 113m2, giá rao bán 18,5 tỷ đồng, cắt lỗ 500 triệu đồng. Ngoài ra, trên các đường Lý Thường Kiệt, Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, Ngô Quyền… nhiều chủ sở hữu của loại hình sản phẩm bất động sản này đang rao bán cắt lỗ phổ biến từ 200 đến 300 triệu đồng/ căn.

Cũng trên trang batdongsan.com.vn, tại Nha Trang, nhiều condotel trên đường Trần Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Tất Thành, Phạm Văn Đồng… đang được rao bán cắt lỗ phổ biến từ 100 đến 400 triệu đồng/căn. Cá biệt có những căn condotel trên đường Lê Thánh Tôn chấp nhận cắt lỗ 400-500 triệu đồng cũng chưa có người mua.

Theo báo cáo thị trường bất động sản của DKRA Việt Nam vừa công bố, việc thanh khoản nhà phố và shophouse biển sa sút là do tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư.

Cụ thể, tháng 5, nhà phố và shophouse biển cung cấp ra thị trường 193 căn, nhưng chỉ tiêu thụ được 81 căn, thanh khoản giảm 84% so với tháng 4/2021. Nguồn cung sụt giảm so với tháng trước và tập trung chủ yếu ở Phú Quốc, Khánh Hòa và Bình Thuận. Sức cầu chung toàn thị trường ở ngưỡng thấp trong suốt những tháng đại dịch bùng phát trên diện rộng.

Tương tự, biệt thự biển cũng ghi nhận thanh khoản thấp trong tháng 5. "Rổ hàng" phân khúc này có 116 căn chào bán mới nhưng chỉ tiêu thụ được 22 căn, tỷ lệ tiêu thụ chỉ đạt 19%. Nguồn cung mới của loại hình biệt thự biển khá hạn chế, tập trung chủ yếu ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Thuận và Phú Quốc.

"Việc dịch bệnh tái bùng phát khiến nhiều chủ đầu tư thận trọng hơn, đa số tổ chức bán trực tuyến. Nguyên nhân sức tiêu thụ thấp được lý giải là do giá bán loại tài sản này khá cao, khiến sức mua khiêm tốn", DKRA Việt Nam lý giải.

Dữ liệu của DKRA cho hay, thanh khoản căn hộ condotel trong tháng 5 cao nhất trong vòng 5 tháng qua dù đợt dịch mới diễn biến ngày càng phức tạp. Trong tháng 5/2021, thị trường condotel ghi nhận một dự án mở bán, cung cấp ra thị trường 516 căn, gấp 2 lần so với tháng trước, tỷ lệ tiêu thụ đạt 89% (khoảng 461 căn), gấp 5,4 lần so với tháng 4/2021.

Hồi phục trong dài hạn

Lý giải diễn biến tăng tốc giữa mùa dịch của thị trường căn hộ condotel, DKRA cho rằng, do đây là tài sản giá vốn thấp hơn so với nhà phố, biệt thự và shophouse biển, cộng thêm dự án mới tập trung ở Bà Rịa – Vũng Tàu, thủ phủ du lịch ngắn ngày có cự ly gần với TP. HCM nên sức mua nhỉnh hơn các phân khúc còn lại.

Tuy nhiên, với sản lượng tiêu thụ 461 căn condotel trong tháng qua cho thấy, quy mô thị trường này vẫn còn bị bó hẹp, khác xa với thời hoàng kim của condotel, thời mà tỉnh thành nào cũng có sản phẩm mới với thanh khoản cao. Và điểm sáng này chưa thể lấp được chỗ trống của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng bị "vùi dập" trong đại dịch.

Đơn vị này dự báo diễn biến bất động sản nghỉ dưỡng trong những tháng cuối năm sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình dịch Covid-19. Nếu kiểm soát dịch bệnh và chiến dịch tiêm chủng vaccine được thực hiện tốt có thể từng bước tạo đà phục hồi cho thị trường trong dài hạn. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, giới đầu tư có thể vẫn chịu áp lực tâm lý thận trọng hoặc chờ đợi thêm khi cân nhắc mua bất động sản nghỉ dưỡng.

Nhận định về bất động sản nghỉ dưỡng, ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội nhìn nhận, mặc dù lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng cũng ghi nhận những tín hiệu khả quan nhất định. Ngành du lịch và khách sạn Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh sau khi dịch bệnh được kiểm soát và các lệnh hạn chế du lịch được gỡ bỏ, tạo điều kiện cho sự trở lại của các hoạt động du lịch quốc tế và nội địa.

"Tuy nhiên, thị trường này cũng phải mất 2-3 năm để hồi phục hoàn toàn nếu dịch bệnh được kiểm soát", ông Matthew Powell nhận định. 

 Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho rằng, tình trạng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng gặp khó xuất phát từ một số nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng, khiến hầu hết các cơ sở du lịch đều hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa.

Bên cạnh đó, chính sách của chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng nói chung liên quan đến loại hình căn hộ du lịch chưa có thay đổi gì đáng kể. Đặc biệt, vấn đề về pháp lý khiến nhiều dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng tại các địa phương đang gặp phải vướng mắc nên chưa thể khởi động đầu tư xây dựng.

"Chính những hạn chế như trên đã khiến bất động sản du lịch nói chung và condotel nói riêng chưa tạo được niềm tin cho các nhà đầu tư tham gia đầu tư vào bất động sản du lịch", ông Đính nói.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm