Bất động sản dọc trục đường Phạm Thế Hiển có đặc điểm gì?

Nguyễn Thanh Thuý Nguyễn Thanh Thuý | 12-07-2021, 11:06 | Thị trường 24h


Người ta nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi Phạm Thế Hiển” là một câu nói không hề sai. Chẳng ngoa khi mọi người luôn tự hào về chiều dài của đường Phạm Thế Hiển, là nơi bắt đầu và cũng là điểm kết thúc của mọi cuộc vui của dân Quận 8. Đường Phạm Thế Hiển kết nối Quận 8 với các quận trung tâm, đan xen với các tuyến đường nhỏ khác tạo nên hệ thống giao thông mạng nhện. Đây cũng là đoạn đường mà các anh shipper khi nghe đến phải giật thót tim vì độ khó của số nhà. Đi thật xa để trở về cũng xa không kém.


Kỹ năng đi cầu và né cầu là một trong những kỹ năng sinh tồn. Hết đường Phạm Thế Hiển chuẩn bị chuyển quận thì dân quận 8 thường bấm quẻ để quyết định chọn cầu Chữ Y hay cầu Nguyễn Tri Phương. Vì quyết định này sẽ dẫn đến thời lượng lưu thông trên các tuyến đường ngày hôm đó. Quận 8 có đến 44 cầu, tổng chiều dài lên tới hơn 2.500 mét. Những cây cầu nổi tiếng có thể nhắc đến như cầu chữ Y, cầu Nhị Thiên Đường, cầu Chà Và, cầu Chánh Hưng, cầu Hiệp Ân. Chỗ gặp gỡ giao thông thủy và bộ là bến, cảng. Đây tạo nên thế mạnh về giao thông và kinh tế của Quận 8. Toàn Quận có 14 bến đò ngang, các cảng Chánh Hưng, Dương Bá Trạc, Bình Đông, Bình Lợi.


Các cụ có câu: “Đất lành chim đậu”. Cư dân của Quận 8 đông nhất là người Việt, người Hoa, người Chăm, Khơ-me. Những người nông dân từ Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hoà lên vùng đất này khai phá và canh tác nông nghiệp. Những người lao động nghèo từ miền Bắc, miền Trung (Huế, Quảng Trị) đến bến cảng bán sức lao động. Đó là nguồn cư dân Sài Gòn Quận 8 gốc. Sau đó nông dân và lao động nghèo từ miền Tây lại dồn về Quận 8. Sau này khi đất nước mở cửa thì thỉnh thoảng lại có mấy anh da đen chạy tay ga chiều chiều xuống Thành Long đá banh nữa. 

Đời Phạm Thế Hiển khúc từ cầu Chữ Y đến cầu Nhị Thiên Đường, đoạn phường 3-4-5 luôn đông vui nhộn nhịp vì gần chợ, lại có nhiều địa điểm ăn chơi. Từ cầu Nhị Thiên Đường hướng phía cuối đường thì ít nhộn nhịp hơn nhưng vẫn lung linh vì có nhiều nhà thờ. Cứ vào mùa giáng sinh thì đây là con đường Xóm Đạo đẹp nhất Sài Gòn. Mọi người đổ dồn về Quận 8 để đón Giáng Sinh.


Ở quận 8 mà không biết chỗ ăn ngon là dại. Ăn uống ở đây phải nói là tốt nhất trong tầm giá, nhất là khu chợ Phạm Thế Hiển và Nhị Thiên Đường. Quận 8 đa phần là dân có mức thu nhập phổ thông, nên hàng quán hay chợ búa ở đây bình dân, không chặt chém. Dân ở quận khác bán từ sáng đến chiều thì ở Quận 8 bán từ chiều đến sáng. Muốn ăn vặt ban đêm thì ra khu Bùi Minh Trực với Bông Sao, chợ Phạm Thế Hiển. 


Đam mê lội nước không bao giờ mất đi ở Phạm Thế Hiển. Cứ đến hẹn triều cường nước lên, có nhiều đoạn đường dân chúng thi nhau lội nước đông vui như hội. Quay đầu là bờ mà ai ngờ là biển cả, nên bạn đừng nghĩ sẽ có thể quay xe để đi đường khác, vì không có lối nào khác để đi cả, chỉ một lựa chọn thẳng theo Phạm Thế Hiển mà về thôi. 

Thường thì Quận 8 sẽ là nơi để láng giềng Bình Chánh dùng để minh hoạ dễ hiểu khi chỉ đường và mượn mác để không bị mang tiếng vùng hẻo lánh. Đặc điểm nhận dạng: số nhà có chữ Ấp là dấu hiệu cho biết bạn đang dần “bỏ phố về rừng”. 

TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN CỦA BẤT ĐỘNG SẢN NHÀ Ở TRÊN ĐƯỜNG PHẠM THẾ HIỂN

Tuyến đường Phạm Thế Hiển quận 8 kết nối thuận lợi bởi tuyến giao thông huyết mạch dần được hình thành như Đại lộ Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh, dự án xây dựng cầu Bình Tiên, mở rộng Quốc lộ 50, đường Bến Bình Đông, dự án xây dựng thêm nhánh cầu Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Tri Phương, …Trong tương lai gần, giao thông càng thuận lợi hơn khi có sự xuất hiện tuyến Metro số 3A và số 6.

Cơ sở hạ tầng trên tuyến đường Phạm Thế Hiển ngày càng có những bước đột phá, đi kèm với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, liền kề với các công trình như đường điện, trường học… hoàn chỉnh trên đà lợi thế tăng giá. 

Phạm Thế Hiển còn là tuyến đường huyết mạch của Quận 8, là đầu mối để đi về các quận 6, 5, 7, 10.

Đồng bộ rõ rệt về hạ tầng và cảnh quan đô thị cùng lợi thế vị trí nên trong những năm vừa qua Phạm Thế Hiển là cái tên thu hút nguồn vốn đầu tư lớn của các “ông trùm” Bất Động Sản

NHỮNG DỰ ÁN TRÊN ĐƯỜNG PHẠM THẾ HIỂN


Tuyến đường Phạm Thế Hiển sở hữu hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện, quỹ đất lớn. Nhất là ưu thế mức giá đất “mềm”, tuy chỉ xa hơn vài kilomet nhưng giá có thể giảm đến phân nửa đã khiến nó rơi vào “tầm ngắm” giới đầu tư, thị trường BĐS khu vực này theo đó trở nên sôi động hơn với sự nhập cuộc của nhiều tên tuổi lớn cùng nhiều dự án. Trong đó, phải kể đến những “ông lớn” như: Novaland, Phúc Khang, Angia, Phước Thành, Hưng Thịnh, Sacomreal, …

Hiện có một loạt các dự án BĐS đã và đang triển khai xung quanh khu vực tuyến đường Phạm Thế Hiển như: Khu căn hộ Green River, Hà Đô Green Lane Quận 8, Tara Residence, The Avila, Topaz City, Asa Light, Auris City, khu nhà ở ven sông Nam Phát, khu dân cư sinh thái ven sông Osaka Garden, … Mức giá tại các dự án có mức tăng đáng kể so với thời điểm mở bán trung bình khoảng 15 – 20%.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm