Doanh nghiệp nước ngoài “đỏ mắt” tìm mặt bằng cao cấp ở Việt Nam

| 12-01-2021, 10:32 | Thị trường 24h

Doanh nghiệp nước ngoài “đỏ mắt” tìm mặt bằng cao cấp ở Việt Nam
Ảnh minh họa.

Theo báo cáo mới nhất của Savills, những năm về trước khách hàng từ Việt Nam thường có thói quen đến Singapore, Bangkok để mua hàng xa xỉ. Tuy nhiên, trong năm 2020 vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid -19, việc đi laij bị hạn chế nên đã tạo cơ hội và động lực để các nhãn hàng cân nhắc đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam. 

Theo ghi nhận, trong năm 2020, Việt Nam ghi nhận không ít các khách sạn 5 sao và khu nghỉ dưỡng cao cấp hướng trọng tâm đến nhóm khách hàng tại Việt Nam thay vì chỉ tập trung vào du khách quốc tế. Chính việc này đã khiến thị trường bắt đầu có bước chuyển mình lớn trong lĩnh vực dịch vụ - giải trí và kinh doanh hàng xa xỉ. 

Trước sự hiện diện gần đây nhất của Tập đoàn LVMH với hai cửa hàng Louis Vuitton và Christian Dior tại khu vực Tràng Tiền  ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng đây là một dấu hiệu đáng mừng về niềm tin dành cho thị trường Việt Nam khi các thành phố khác hoặc ở quốc gia khác, các nhãn hàng không nhận thấy cơ hội trong việc mở cửa hàng mới hoặc đánh giá hoạt động kinh doanh có thể quá rủi ro. 

Theo ông Giám đốc Savills Hà Nội, thời gian qua, đơn vị này ghi nhận sự quan tâm lớn của các nhãn hàng tới thị trường Việt Nam và một trong vài vấn đề chính của họ là xác định mặt bằng phù hợp.

Mặc dù vậy, quá trình tìm kiếm mặt bằng được đánh giá là một thách thức vì các nhãn hàng xa xỉ có nhiều yêu cầu trong việc xác định địa điểm phù hợp. 

“Họ cần địa điểm nằm trong khu vực có đối tượng khách hàng tiềm năng, có lưu lượng khách qua lại lớn. Tuy nhiên, với ngành hàng xa xỉ, đặc biệt là xung quanh khu vực Hoàn Kiếm, Tràng Tiền, Ngô Quyền, các địa điểm phù hợp còn rất ít. Tại đây, số lượng địa điểm chưa vượt quá 30. Đã có không ít nhãn hàng chấp nhận lựa chọn địa điểm ở các trục phố khác hoặc tại các tòa nhà nhỏ”, ông Matthew cho biết.

Theo đánh giá của ông Giám đốc Savills Hà Nội, trong khu vực trung tâm, thử thách sẽ càng lớn nếu nhãn hàng xa xỉ yêu cầu mặt bằng diện tích lớn và chất lượng tốt, với các chỉ số mặt bằng (độ cao, độ sâu, độ rộng, vv.) phù hợp. 


Ngoài ra, yếu tố chủ đầu tư cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng để các bên có thể ký hợp đồng thuê. Với một giá thuê cao, các nhãn hàng cần phải tự tin đứng vững trên thị trường trong khoảng thời gian thuê 10 năm. Vì vậy, trong vài năm tới, kỳ vọng cũng rơi vào một số trung tâm thương mại chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế xuất hiện tại Việt Nam. 

“Thị trường Hà Nội đang thiếu những dự án bất động sản chất lượng cao, có sẵn, để đáp ứng nhu cầu và điều kiện của các thương hiệu trong ngành mỹ phẩm, đồ điện tử, thời trang, mặt hàng xa xỉ. Có những nhãn hàng cao cấp mong muốn gia nhập thị trường Việt Nam nhưng chưa thể tìm thấy địa điểm phù hợp, nên họ tiếp tục ở tình trạng chờ đợi hoặc tìm kiếm tại nhóm thị trường khác. Do đó, theo dự báo sang năm 2021, các dự án bán lẻ thu hút FDI sẽ tập trung chủ yếu ở dự án phức hợp (bao gồm nhà ở, văn phòng, khách sạn, bán lẻ) thay vì các dự án độc lập”, Giám đốc Savills Hà Nội dự báo.

VÂN PHONG

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm