Bình Phước đề nghị làm loạt dự án hạ tầng, bao gồm cao tốc Chơn Thành - Hoa Lư

Linh Giang Trần Linh Giang Trần | 13-11-2020, 08:42 | Thị trường 24h

Bình Phước đề nghị làm loạt dự án hạ tầng, bao gồm cao tốc Chơn Thành - Hoa Lư

Tại buổi làm việc vừa qua với Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, lãnh đạo tỉnh Bình Phước có đề nghị thực hiện và thúc đẩy một số dự án hạ tầng giao thông lớn tại địa phương. Lãnh đạo tỉnh đề nghị Bộ GTVT chấp thuận bổ sung đoạn tuyến cao tốc Chơn Thành – Hoa Lư vào quy hoạch mạng lưới các tuyến cao tốc quốc gia; chấp thuận bổ sung tuyến đường phía Đông Nam QL14 kết nối Đắk Nông – Bình Phước và đường Đồng Phú – Bình Dương vào Quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông vận tải kiên kết vùng.

Đồng thời, tỉnh đề nghị bổ sung quy hoạch kiên kết vùng tuyến đường Tây QL13 kết nối Bình Dương – Chơn Thành - Hoa Lư; bổ sung quy hoạch đoạn tuyến đường sắt từ cảng Cái Mép – Thị Vải vào quy hoạch tuyến đường sắt Xuyên Á…

Trong đó, đoạn tuyến cao tốc Chơn Thành - Hoa Lư nằm trong tổng thể đường cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành - Hoa Lư, đi qua 3 địa phương là Bình Phước, Bình Dương, TP HCM. Tuyến cao tốc có chiều dài 69 km, quy mô 6-8 làn xe, dự kiến xây dựng sau năm 2020.

Tuyến đường Tây Quốc lộ 13 kết nối huyện Chơn Thành (Bình Phước) đi cửa khẩu Hoa Lư (Lộc Ninh, Bình Phước) có chiều dài 50 km, vận tốc thiết kế 80 km/h. Để thực hiện dự án, tỉnh cần giải tỏa 326 ha đất với kinh phí 965 tỷ đồng, thực hiện trong 5 năm.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, trong thời gian qua cũng như sắp tới, Bộ GTVT và tỉnh Bình Phước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với nhau để triển khai thực hiện tốt các công trình, dự án giao thông. Liên quan đến đấu nối 4 điểm vào QL13, Bộ trưởng giao Vụ Kết cấu hạ tầng phối hợp với Tổng cục Đường bộ tổ chức kiểm tra, xem xét. Đồng thời, Bộ trưởng cũng cho ý kiến chỉ đạo về nhiều dự án khác.

Vị trí Bình Phước (trong vòng tròn màu đỏ). Ảnh: Google Maps


Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, Bình Phước là cửa ngõ giao thương kết nối giữa các tỉnh Tây Nguyên với các tỉnh Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt với các khu kinh tế năng động bật nhất của cả nước như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương… Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương cho rằng hệ thống giao thông hiện tại của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, các tuyến giao thông có tính kết nối liên kết kinh tế vùng, khu vực vẫn chưa hình thành và còn nhiều hạn chế.

Theo Khổng Chiêm

Người đồng hành

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm