Điểm tin tuần 4 tháng 7: Bất động sản Việt Nam thăng hạng minh bạch sau một thập kỷ

Nguyễn Thanh Thuý Nguyễn Thanh Thuý | 20-07-2020, 05:52 | Thị trường 24h

Một tuần đã trôi qua với nhiều diễn biến mới liên quan đến thị trường bất động sản. Dưới đây là tổng hợp những tin tức bất động sản nổi bật nhất bạn không nên bỏ qua:

1. Bất động sản Việt Nam thăng hạng về minh bạch

Từ hạng kém minh bạch, sau một thập kỷ, bất động sản TP HCM, Hà Nội tiến lên nhóm bán minh bạch, xếp thứ 56 toàn cầu.

Jones Lang LaSalle (JLL) vừa công bố Bảng xếp hạng Chỉ số Minh bạch Bất động sản toàn cầu (GRETI) đánh giá 99 quốc gia và vùng lãnh thổ, cùng 163 khu vực, thành phố theo 210 tiêu chí: tính bền vững, khả năng phục hồi, công nghệ bất động sản (proptech), các lĩnh vực thay thế… Chỉ số này được nghiên cứu từ năm 1999, đến nay đã trải qua 11 phiên bản và kết quả lần khảo sát này, Việt Nam lọt vào nhóm quốc gia liên tục thăng hạng.

Bất động sản Việt Nam thăng hạng về minh bạch.

Trong năm 2020, nhờ sự phát triển của hai đô thị lớn nhất nước là TP HCM và Hà Nội, độ minh bạch của thị trường bất động sản Việt Nam được xếp hạng 56 trên toàn cầu, bước vào nhóm các nước bán minh bạch lần đầu tiên sau một thập kỷ.

Báo cáo đánh giá, trong 10 năm qua, Việt Nam đã từng bước trở thành điểm đến hàng đầu cho ngành công nghiệp sản xuất tại Đông Nam Á và thu hút lượng vốn đầu tư nước ngoài đáng kể. Tuy nhiên Việt Nam vẫn cần tiếp tục cải thiện tăng thứ hạng minh bạch nếu muốn thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài vì chỉ số minh bạch này tỷ lệ thuận với dòng vốn FDI đầu tư vào các quốc gia.

2.Giá thuê căn hộ dịch vụ xuống thấp nhất 4 năm

Báo cáo mới nhất của Savills Việt Nam cho biết, sau quý I đầy khó khăn, sang quý II thị trường căn hộ dịch vụ cho thuê tại TP HCM tiếp tục ảm đạm do ảnh hưởng của Covid-19. Nửa đầu năm 2020, thị trường ghi nhận 2 dự án hạng C đóng cửa, làm giảm 121 căn hộ trong tổng nguồn cung 109 dự án (6.400 căn). Hai dự án này chuyển đổi chức năng sang văn phòng cho thuê, các dự án khác vẫn duy trì hoạt động.

Tuy nhiên, nhằm thu hút khách thuê, trong quý II, giá thuê căn hộ dịch vụ tiếp tục giảm còn 23 USD mỗi m2 một tháng, giảm 4% theo quý và năm. Trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, khoảng một phần ba dự án trong tổng nguồn cung giảm 20% giá thuê hoặc miễn phí các dịch vụ tiện ích như tiền điện, nước tối đa trong 3 tháng.

Hai quý vừa qua, căn hộ dịch vụ chỉ đạt công suất trung bình 61%, tiếp tục giảm 5 điểm phần trăm theo quý và 19 điểm phần trăm theo năm. Công suất hoạt động của phân khúc hạng B bị ảnh hưởng nhiều nhất do phụ thuộc vào nguồn khách ở ngắn hạn.

3. Đề xuất cấp “sổ đỏ” cho tầng hầm “nở” ra ngoài ranh khối đế chung cư

Một trong 8 giải pháp để giúp thị trường BĐS phục hồi sau dịch là đề xuất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đối với tầng hầm có phần diện tích rộng hơn, ngoài ranh khối đế chung cư.Đây là vướng mắc chung của nhiều dự án nhà ở cao tầng ở TP.HCM và nhiều đô thị lớn hiện nay.

Trong đó, đề xuất đáng chú ý nhất là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với tầng hầm có phần diện tích rộng hơn, ngoài ranh khối đế chung cư. Theo HoREA, đây là vướng mắc chung của nhiều dự án nhà ở cao tầng, mà tầng hầm có diện tích lớn hơn diện tích khối đế tòa nhà chung cư, do một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề xuất chủ đầu tư phải đóng bổ sung nghĩa vụ tài chính.

Nhưng, đề xuất này thiếu căn cứ pháp luật. Bởi lẽ, khi xác định tiền sử dụng đất của dự án nhà ở thì Hội đồng thẩm định giá đất đã tính toán đầy đủ tổng chi phí đầu tư và tổng doanh thu của dự án, bao gồm toàn bộ diện tích tầng hầm và chủ đầu tư đã nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước.

4.Nhu cầu sở hữu ngôi nhà thứ 2 tăng nhiệt trở lại sau dịch Covid-19

Sau giai đoạn cách ly xã hội, nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân tăng cao. Tuy nhiên hiện nay người dân không chỉ quan tâm đến những chuyến du lịch mà hướng tới sở hữu một căn hộ tại điểm du lịch mà mình yêu thích để nghỉ dưỡng cuối tuần.

Nhu cầu sở hữu ngôi nhà thứ 2 tăng nhiệt trở lại sau dịch Covid-19.

So sánh với các quốc gia trong khu vực, chuyên gia từ Savills cho rằng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam có tiềm năng đáng kể. Một phần do mức giá second home còn thấp so với các nước khác đồng thời người mua nhận lợi ích kép. Trước hết là tiềm năng tăng giá tốt nhờ lượng du khách dồi dào và ngày càng tăng trưởng. Kế đến, lợi nhuận sinh lời từ cho thuê cũng rất khả quan, nhất là tại các dự án có sự hợp tác quản lý vận hành từ đơn vị chuyên nghiệp.

5.Bộ Xây dựng đưa ra hàng loạt giải pháp “cứu” thị trường bất động sản

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, nếu kịch bản Việt Nam kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và bắt đầu trạng thái bình thường vào quý 3/2020 thì có 5 yếu tố cơ bản có khả năng ảnh hưởng lớn đến thị trường bất động sản. Cụ thể là các yếu tố: Kinh tế vĩ mô; các thị trường đầu tư khác; nguồn cung các loại sản phẩm bất động sản so với nhu cầu; chính sách tài chính, tín dụng; sự can thiệp của nhà nước vào thị trường.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết sẽ xác định cụ thể danh mục các dự án nhà ở xã hội đang triển khai dở dang có thể đầu tư ngay trong năm 2020 để thực hiện cho vay nhằm tăng nguồn cung cho thị trường.Giảm lãi suất cho vay nhà ở xã hội, giảm 50% thuế VAT cho dự án nhà thương mại giá thấp.Đồng thời nghiên cứu, xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để bán với tiêu chuẩn thiết kế căn hộ khép kín, có diện tích sử dụng dưới 70m2, giá bán không quá 20 triệu đồng/m2, tối đa không vượt quá 1,5 tỷ đồng/căn (đã bao gồm VAT).

Propzy Tổng Hợp.

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm