Điểm tin thị trường bất động sản TP.HCM tuần 1 tháng 7/2020

| 29-06-2020, 05:00 | Thị trường 24h

1. Nhà phố, biệt thự khu Đông TPHCM được săn lùng trước khi “Thành phố phía Đông” thành lập

Theo dự báo của Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam, trong những tháng cuối năm 2020, thị trường nhà, đất và đất nền vẫn sẽ là sản phẩm chủ đạo tại Hà Nội và TP.HCM. Giao dịch dự báo tốt hơn khi dịch bệnh qua đi, người mua quan tâm hơn và các doanh nghiệp địa ốc “chạy đua” bán hàng.

Chẳng hạn, trong những năm gần đây, chủ trương đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng tại TPHCM luôn được triển khai mạnh mẽ. Các tuyến cao tốc, metro… liên tục được nâng cấp mở rộng, hoàn thiện nhằm kết nối liên thông giữa các quận, huyện và vùng vệ tinh. Trong đó, đặc biệt là phía Đông Sài Gòn đang được đầu tư mạnh.

TPHCM đánh giá việc quy hoạch phát triển khu đô thị sáng tạo tương tác phía Đông sẽ hình thành tiểu vùng đô thị trung tâm theo quy hoạch vùng TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Trong tương lai, khu đô thị sáng tạo sẽ trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế thành phố. Các nhà đầu tư cũng cho rằng chính vì những cơ hội to lớn này, trong năm 2020, khu Đông sẽ là tâm điểm dẫn dắt thị trường bất động sản TPHCM.

2. Dự án cao tốc Bắc – Nam: Ngân sách sẽ rót hơn 78 nghìn tỷ đồng

Ngày 19/6, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua chủ trương chuyển đổi phương thức đầu tư từ BOT sang đầu tư công 3 đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020, gồm đoạn: Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây. Quốc hội cũng chấp thuận bổ sung 23.461 tỷ đồng bằng nguồn ngân sách nhà nước cho 3 dự án này. Với mục tiêu chậm nhất đến cuối năm 2022 hoàn thành, đưa vào sử dụng. Như vậy, tổng số vốn ngân sách nhà nước bố trí cho 11 đoạn cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 là 78.461 tỷ đồng.

Điểm tin thị trường bất động sản TP.HCM tuần 1 tháng 7/2020

Dự án cao tốc Bắc – Nam: Ngân sách sẽ rót hơn 78 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, riêng 6 đoạn đầu tư công tổng vốn ngân sách bố trí hơn 53.100 tỷ đồng. Nếu được kịp thời giải ngân, các dự án hoàn thành đúng tiến độ vào năm 2022 (trừ cầu Mỹ Thuận vào năm 2023), nền kinh tế sẽ hưởng lợi rất lớn từ dòng tiền này (chưa kể phần vốn ngân sách hỗ trợ các dự án BOT).

3. Hà Nội truy thu 35 tỷ đồng doanh nghiệp sử dụng đất sai mục đích

Cục Thuế TP Hà Nội mới đây có Quyết định số 12854/QĐ/CT-QLĐ bãi bỏ Quyết định số 58105/QĐ-CT-QLĐ ngày 24/7/2019 về việc miễn tiền thuê đất đối với Công ty CP Đầu tư và Xây dựng quốc tế Vigeba (Công ty Vigeba).Theo đó, bãi bỏ việc miễn tiền thuê đất đối với Công ty Vigeba tại các thửa đất có ký hiệu: NT1, NT3, TH, THPT thuộc dự án Khu đô thị Thành phố giao lưu, phường Cổ Nhuế 1, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, lý do bãi bỏ là chủ đầu tư sử dụng đất không đúc mục đích: “Trường hợp người thuê đất, thuê mặt nước đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định tại Nghị định này nhưng trong quá trình quản lý, sử dụng đất không đáp ứng các điều kiện để được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước có nguyên nhân từ phía người thuê đất hoặc sử dụng đất không đúng mục đích đã được ghi tại quyết định cho thuê đất, hợp đồng thuê đất nhưng không thuộc trường hợp bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật đất đai thì phải thực hiện hoàn trả ngân sách Nhà nước số tiền thuê đất đã được miễn, giảm và chậm nộp tính trên số tiền thuê đất được miễn, giảm theo quy định của pháp luật”- Quyết định của Cục Thuế TP Hà Nội nêu rõ.

4. Công an làm việc với 32/38 đầu nậu đất ở Bình Chánh

Sáng 25-6, đại diện UBND huyện Bình Chánh -TP HCM, cho biết sẽ tập trung lực lượng chuyên ngành để đấu tranh, trấn áp, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng tại địa bàn xã Vĩnh Lộc A. UBND huyện sẽ tập trung thực hiện các nhóm nhiệm vụ: Huy động tối đa lực lượng để xử lý dứt điểm tất cả các trường hợp móng gạch, nhà quây tole, phân lô, bán nền và xây dựng công trình nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp phát sinh sau Chỉ thị số 23.

Công an làm việc với 32/38 đầu nậu đất ở Bình Chánh.

Công an huyện Bình Chánh – TP HCM đã mời làm việc 32/38 đầu nậu đất, 6 đối tượng còn lại đã bỏ đi khỏi địa phương nên chưa làm việc được.UBND huyện Bình Chánh nhấn mạnh sẽ kiên quyết xử lý nghiêm, dứt điểm, kịp thời đối với các vi phạm về đất đai, xây dựng, xử lý mạnh tạo tính răn đe đối với các đối tượng đầu nậu, môi giới, phân lô bán nền, xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp, quyết tâm lập lại trật tự quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A nói riêng và huyện Bình Chánh nói chung.

5. Tổ hợp 5.000 tỷ chưa nghiệm thu cho dân vào ở chỉ rõ trách nhiệm chính quyền

Dự án Khu văn phòng, nhà ở và nhà trẻ (tên thương mại Hinode City) có địa chỉ tại số 201 Minh Khai, phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, TP.Hà Nội do Tổng Công ty CP Thương mại và Xây dựng (Vietracimex) làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư lên tới hơn 4.825 tỷ đồng. Dù đang trong quá trình xin điều chỉnh phương án kiến trúc và khắc phục vi phạm xây dựng sai phép chưa được nghiệm thu hoàn thành, chưa được chứng nhận an toàn phòng cháy chữa cháy… chủ đầu tư vẫn cho cư dân về ở trái phép bất chấp an toàn và quy định pháp luật.

Theo PGS.TS. Trần Chủng, công trình chưa được nghiệm thu chủ đầu tư bất chấp quy định vẫn cho dân vào ở mà chính quyền không quyết liệt xử lý làm ngơ là thiếu trách nhiệm, coi thường an toàn sinh mạng người dân. Nói rõ hơn về vấn đề trách nhiệm, vị nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho rằng lỗi chính vi phạm trực tiếp là chủ đầu tư đã bất chấp luật pháp, bất chấp quản lý ngang nhiên thách thức dư luận. Còn về phía chính quyền, cơ quan quản lý Nhà nước phải kiểm tra xử lý, can thiệp khi chủ đầu tư không tuân thủ quy định pháp luật.

Theo Propzy

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm