Villa T: Kiệt tác kiến tạo từ thiết kế độc đáo, nội thất đơn giản

Nguyễn Thanh Thuý Nguyễn Thanh Thuý | 22-11-2019, 14:56 | Khám phá - Trải nghiệm


Tổng quan về thiết kế, Villa T như được ghép nối từ 3 khối nhà kề sát nhau

Một không gian mở hướng đến đường nét hiện đại, nhưng chứa đựng trong đó là hơi thở truyền thống từ vùng quê của chủ đầu tư

Dự án Villa T nằm ở Củ Chi, thuộc khu vực ngoại ô thành phố Hồ Chí Minh. Theo yêu cầu của chủ đầu tư, anh hi vọng thiết kế của ngôi nhà sẽ là sự giao thoa giữa yếu tố hiện đại và hơi thở truyền thống của quê hương mình, tạo ra một cảm giác thân quen nhưng cũng đầy cảm hứng.

Diện mạo của Villa T khiến ta không khỏi liên tưởng tới những căn nhà ngói đỏ ba gian xưa. Hông nhà còn có lán nhỏ để chăm sóc cây cảnh thường thấy ở những gia đình trung lưu thời đó

Điểm giao thoa giữa hiện đại với truyền thống được thể hiện đầu tiên là ở đường nét thiết kế. Từ thiết kế khối nhà bên ngoài cho tới sắp xếp bố cục trong nhà cũng đều được lồng ghép khéo léo hơi thở cổ kim đan xen.

Những góc cong mềm mại của nội thất mang dấu ấn văn hóa truyền thống

Khu bếp chính đầy tính nghệ thuật, tinh tế với những đường nét giao thoa văn hóa độc đáo

Vật liệu sử dụng là điểm tiếp theo thể hiện sự tài tình của KTS khi muốn tạo nên sự cân bằng nét truyền thống với hiện đại bên trong ngôi nhà.

Xuyên suốt Villa T là những vật liệu truyền thống quen thuộc: gỗ tự nhiên, gạch terrazzo hay còn biết tới là đá mài, tre… được ứng dụng trong thiết kế hiện đại, bắt mắt hơn

Trong tương lai sẽ có 3 gia đình cùng chuyển về đây sinh sống. Đó là lý do tại sao Villa T không phải là một khối nhà trọn vẹn mà lại như 3 khối không gian ghép lại với nhau. Theo KTS, điều quan trọng nhất lúc đó các anh và chủ đầu tư quan tâm là làm sao để tạo nên một không gian sinh hoạt chung, ấm áp và dễ tiếp cận. Ở đó, các không gian có sự liên kết với nhau, các thành viên có thêm nhiều khoảng tương tác nhưng tính riêng tư vẫn được đảm bảo tuyệt đối. Nhờ thế, cả 3 gia đình cùng cảm thấy thoải mái khi chia sẻ với nhau không gian sống của Villa T.

Bản vẽ minh họa cách kết nối 3 khối nhà với nhau

Từ góc độ này có thể nhìn thấy không gian mở hoàn toàn cho tới tận khu bếp

Khu bếp và phòng khách của Villa T được bố trí liền kề. Tầm nhìn mở rộng theo độ mở của không gian.

Nội thất ở phòng khách khá hạn chế, tạo cảm giác thoáng đãng và thoải mái khi sử dụng

Các không gian đóng và mở xen kẽ nên các thành viên dễ dàng gặp gỡ, trao đổi, nói chuyện với nhau

Ở chỗ rẽ hành lang tầng 2 còn bố trí một góc nghỉ xinh xắn với ghế dài, cây xanh và cửa sổ hướng ra khung cảnh thiên nhiên bên ngoài

Không gian tầng hai giữa 3 khối nhà được nối liền, được dành trọn vẹn làm không gian riêng tư cho các các thành viên trong nhà. Villa T có tổng cộng 4 phòng ngủ: 1 phòng ở tầng 1 và 3 phòng còn lại trên tầng hai và đều được trang bị đầy đủ thiết bị nội thất, tiện nghi trong sinh hoạt.

Phòng riêng phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi. Dù không quá rộng rãi nhưng bố trí thêm gác xép nên cũng gia tăng đáng kể diện tích

Không chỉ “mở” bên trong, Villa T còn “mở” tới tận mái nhà. Một góc ngồi thú vị ở trên cao cho các thành viên trong gia đình

Cách mà KTS giúp Villa T tự vận hành, tương tác cùng mọi người trong nhà

Muốn một ngôi nhà có thể tự vận hành, trước hết nó phải “chủ động” tạo ra nguồn năng lượng: ánh sáng, gió, không khí, nước. Điều này không mới vì xu hướng thiết kế nhà ở hiện nay là tận dụng được nguồn năng lượng tự nhiên cho sinh hoạt của người dùng. Nhưng làm thế nào để ngôi nhà có thể “tự” lo liệu được phần năng lượng này, vận dụng nó và duy trì mà không cần sự tác động của con người thì không phải dễ. Do đó, thay vì chỉ áp dụng lý thuyết thiết kế, các KTS tập trung vào những trải nghiệm thực tiễn. Cụ thể là đánh giá tính khả thi, dự đoán tình huống lỗi có thế xảy ra khi áp dụng giải pháp để ngôi nhà có cơ chế tự thu lấy năng lượng tự nhiên và dùng nó để vận hành sinh hoạt bên trong.

Mọi vấn đề, tình huống đưa ra đều được đánh giá mức độ khả thi và giải quyết ngay tại công trường bằng mọi công cụ có thể.

Xuyên suốt thiết kế của Villa T là những ô cửa lớn lắp kính hoặc gạch thông gió để ngôi nhà lấy sáng, thông gió tối đa

Bản vẽ mô tả hướng nắng, gió vào nhà

Bên trong tường thông gió còn có một lớp cửa thủy tinh để cản bụi hoặc giữ nhà an toàn trong những ngày mưa giông

Vật liệu kính được ứng dụng mọi nơi để ánh sáng xuyên qua dễ dàng hơn

Vách tường thông gió được ứng dụng, vừa làm điểm nhấn thẩm mỹ lại vừa giúp phân chia không gian và tham dự vào việc luân chuyển năng lượng tự nhiên trong nhà

Điểm mạnh của Villa T là tính mở của nó. Từ ngoài hay bên trong nhà, mọi người có thể cảm nhận được hoạt động của các thành viên còn lại trong nhà. Và từ bên trong nhà, một người cũng có thể cảm nhận thiên nhiên bên ngoài lan tỏa vào trong nhà. Đấy là cách Villa T tạo nên sự tương tác giữa các thành viên, với môi trường xung quanh và các thành viên với chính ngôi nhà.

Vách kính như nối liền không gian thiên nhiên xung quanh với trong nhà tạo nên một khung cảnh hài hòa, dễ chịu

Ban ngày ngôi nhà lấy sáng từ ngoài, khi tối lên đèn ngôi nhà lại thắp sáng không gian xung quanh qua những ô cửa của mình

Thiết kế của Villa T độc đáo, nội thất của Villa T đơn giản, hòa chung lại thành một nét cá tính riêng biệt chỉ có ở nơi đây. Ở đó các thành viên trong gia đình được tận hưởng không gian sống thư giãn tuyệt vời giữa khung cảnh thiên nhiên trong lành, thoáng đãng.

Bản vẽ mặt bằng Villa T

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm