3 bài học "khắc cốt ghi tâm" tôi rút ra được từ lần mua nhà đầu tiên

Linh Giang Trần Linh Giang Trần | 26-10-2021, 15:14 | Phân tích Nhận định

Bài học mua nhà lần đầu: Phân chia tài chính khoa học

Có những ngày bạn bè hội họp, bạn tôi hỏi làm thế nào để đủ tiền mua nhà thế? Tôi đâu có đủ một số tiền lớn như thế trong tay, chẳng hạn, căn hộ chung cư giá bán 3 tỷ không nhất thiết bạn phải có sẵn 3 tỷ. Tôi lựa chọn hình thức mua nhà trả góp, vay ngân hàng 50% giá trị căn nhà, sau đó dùng chính căn nhà đó để thế chấp.

Điều này giúp tôi rút ngắn khoảng cách đến nơi an cư mơ ước bấy lâu nay, đồng thời gánh nặng về tài chính cũng không còn quá áp lực và đây cũng là nguồn động lực để tôi cố gắng hơn từng ngày. Để điều này diễn ra một cách thuận lợi, tôi đã có kế hoạch tài chính rõ ràng. cụ thể:

Số tiền nhất định phải có trong tay

Mua nhà yêu cầu trong tay bạn cần có tối thiểu 30% giá trị căn nhà. Theo kinh nghiệm của bản thân tôi, bạn nên có ít nhất 50% hoặc 70% càng tốt. Bạn có thể có bài toán, số tiền mình đang có trong tay có thể mua trong khoảng ngân sách nào, sản phẩm nào sẽ phù hợp với nhu cầu của bản thân hoặc gia đình.

Nếu các dự án phù hợp với khả năng tài chính hiện tại nhưng bạn chưa ưng ý thì đừng cố. Bởi vì, chuyện mua nhà là việc quan trọng của đời người, sinh sống lâu dài, chứ không phải cố chạy theo bằng bạn bè, để sau hối hận.


3 bài học "khắc cốt ghi tâm" tôi rút ra được từ lần mua nhà đầu tiên

Bạn cần xác định được số tiền có trong tay và khả năng tài chính của bản thân trước khi mua nhà.

Muốn mua một căn nhà 3 tỷ, bạn cần có 1 tỷ. Vậy làm thế nào để tích góp được số tiền đó? Kinh nghiệm của tôi là không nên lao đầu vào công việc như con thiêu thân, bạn nên suy nghĩ cách để chính số tiền đó có thể đẻ "trứng vàng", cho dù lợi nhuận một năm chỉ 10 - 15% nhưng cũng cao hơn nhiều so với lãi suất gửi ngân hàng.

Số tiền tiết kiệm để mua nhà là quá trình lâu dài, không thể tiết kiệm ngày một ngày hai. Hãy chuẩn bị trước cho mình tinh thần như vậy. Bản thân tôi, bên cạnh công việc chính làm account công ty truyền thông, tôi còn có 1 - 2 công việc freelance thường xuyên theo đúng chuyên môn của mình, tự kinh doanh thương hiệu riêng và góp vốn đầu tư cùng bạn bè. Không quá tập trung vào việc mở rộng kinh doanh, tôi luôn cố gắng để giảm mọi chi phí và thu về lợi nhuận cao, nhanh chóng nhất trong khoảng thời gian bỏ vốn ra.

Với tôi, khi đặt ra mục đích mua nhà trước 30 tuổi thì ưu tiên hàng đầu là nhà trước, sự nghiệp sau, không phải thế mà tôi lơ là công việc.

Có nhiều người suy nghĩ, nguồn thu lớn nhất chính là từ công việc chính, riêng tôi thì ngược lại. 50% nguồn thu của tôi đến từ việc kinh doanh, 30% từ freelance mang lại và 20% đến từ công việc chính. Tôi luôn có kế hoạch chi tiêu rõ ràng và chi tiết, ưu tiên tiết kiệm hơn là chi tiêu, vì thế tháng nào tôi cũng tiết kiệm được số tiền khá lớn để kế hoạch mua nhà không bị ảnh hưởng, tiếp đến mới chi tiêu dựa trên số tiền còn lại.

Không phải vì thế mà tôi ép mình sống cực khổ, tháng nào thu nhập cao hơn tôi cũng không tiết kiệm nhiều hơn, để động viên bản thân mình so với những tháng sống vào tình thương của gia đình và bạn bè. Đó là yếu tố giúp tôi quyết tâm tiết kiệm bền vững, không chi tiêu phung phí.


Chi tiêu hợp lý kết hợp với tiết kiệm sẽ là phương pháp hợp lý dành cho những người mua nhà trả góp.

Số tiền tôi tiết kiệm được, tôi thường gửi tiết kiệm hoặc mua trái phiếu theo sự hướng dẫn của ngân hàng để có lãi suất cao hơn. Vào thời điểm này, không có một quy tắc hay bí quyết làm giàu nào nhanh chóng ngoài luật chơi bản thân tôi đặt ra và tuân thủ theo:

  • Bền bỉ: Thông thường, chúng ta thường dành 8 tiếng mỗi ngày để làm việc, sau đó mình sẽ dành thời gian nghỉ ngơi và vui chơi. Riêng tôi, dành 10 - 12 tiếng/ngày, làm việc được nhiều hơn, học tập được nhiều kiến thức hơn và kiếm được nhiều tiền hơn. Sự quyết tâm của mình không thể nóng vội thực hiện trong 5 - 6 tháng, hãy cam kết với bản thân chạy đua trong quãng thời gian dài 3 - 4 năm.
  • Luôn chọn một phương án trong ngân hàng để số tiền tiết kiệm gửi với lãi suất cao hơn so với việc tiết kiệm. Sau một thời gian, số tiền tích lũy đã tương đối mình có thể đầu tư bất động sản lướt sóng, dưới sức nóng thị trường mình sẽ bán ra thu lời.

Khoản tiền cố định hàng tháng

Không ai có thể dám khẳng định vài tháng sau bạn sẽ duy trì được phong độ, doanh thu bán hàng ổn định như tháng trước, kinh doanh là vậy. Khi bạn đã mua một căn hộ trả góp thì dù có muốn hay không, tháng nào bạn cũng mang trong mình một khoản nợ, thậm chí nhiều người bị stress vì vấn đề này.


Hãy xác định và lập kế hoạch chi tiết cho số tiền cố định hàng tháng.

Đây là điều chắc chắn duy nhất tồn tại. Để bản thân sẵn dàng, hãy quan tâm đến lương cứng của mình, liệu có quá thấp không. Chỉ khi tôi cảm thấy thoải mái rằng giả sử tháng này tôi gặp biến cố và mất tất cả và chỉ có 20% lương cứng, tôi vẫn có một khoản tiền nhất định để trả nợ ngân hàng, ngay lúc đó suy nghĩ về việc mua một căn nhà mới sẽ mạnh mẽ hơn. Bởi lẽ, nó trở nên thực tế hơn.

Số tiền tiết kiệm cho tương lai

Mọi người thường thấy có một căn nhà thì cuộc sống ổn định, không quá lo toan về tiền bạc, nhưng đó chỉ là vẻ bề ngoài. Ngoài tiền nợ mua nhà, chúng ta vẫn phải cần khoản phí cho tiền ăn, tiền di chuyển, tiện điện nước và quan trọng hơn là những nhu cầu thiết yếu của bản thân.

Tôi không bao giờ sẵn sàng cho việc sở hữu một chiếc hộp quà trong chung cư, nhưng lại phải đánh đổi mọi niềm vui trong cuộc sống, một bữa ăn ngon nhưng không dám ăn, những chuyến đi xa để xả stress cũng không dám đi. Ở căn nhà của mình nhưng sống đời sống rón rén cũng không có gì là vui.

Hãy chỉ mua nhà khi bạn sẵn sàng và sau khi trừ hết chi phí nhà, bạn vẫn còn tiền để trang trải cuộc sống, những bất trắc không mong muốn. 

Bài học mua nhà lần đầu: Đừng suy nghĩ chuyện tương lai quá nhiều

Trước khi mua nhà tôi đã trải qua khoảng thời gian khủng hoảng về tương lai không hề nhỏ. Những câu hỏi thường trực luôn xuất hiện trong đầu tôi bấy giờ: Mình sẽ sống ở trong căn nhà này bao nhiêu lâu? Sinh sống với ai? Liệu mình lập gia đình có sống ở đây cả đời không?

Cứ thế, mình lại suy nghĩ về việc người yêu của mình bây giờ có trở thành chồng mình hay không, tương lai sẽ như thế nào? Tất cả suy nghĩ ấy đánh cắp đi niềm vui của tôi trong cuộc sống thực tại. Đến bây giờ, tôi nhận ra không ai có thể nói trước điều gì trong tương lai. Mình cứ sống cho hiện tại, đừng nghĩ quá xa vời.

Khi nhìn lại tôi đã nhận ra sự khủng hoảng đến với tôi xuất phát từ hai yếu tố. Bấy lâu nay, tôi đều ở trong những căn nhà “chắc chắn”, là căn nhà mình đã dành cả tuổi thơ, và căn nhà mình biết bố mẹ mình sẽ ở đến cuối cuộc đời. Bởi vậy như một lẽ dĩ nhiên, tôi nghĩ rằng một căn nhà là một thứ gì đó rất cố hữu trong cuộc sống của mình, và mỗi lần thay đổi không chỉ là một lần con tim như tan vỡ, mà còn mất rất nhiều thời gian và gắn với sự xáo trộn kinh khủng trong cuộc sống. 

Khi chuyển nhà đã ổn định, sau 2 tháng chính thức chuyển về nhà mới tôi chợt nhận ra: À, nó cũng thế này thôi à? Chuyển nhà, dọn nhà, sắp xếp lại đồ đạc có thể mệt, nhưng nó cũng chỉ vậy thôi.

Hãy nhớ rằng chúng ta đang trò chuyện với nhau trong bối cảnh một căn hộ chung cư, cảm giác khác xa với nhà mặt đất. Chung cư có sự gắn kết, hiện đại, tiện lợi, an ninh đảm bảo và độ ẩm ổn định. Thế nhưng, nó lại thiếu đi một yếu tố hết sức quan trọng, đó là cái hồn của một căn nhà mặt đất. Tất nhiên, không ai khác ngoài chúng ta sẽ là người tạo nên cái hồn cho chính ngôi nhà của mình, nhưng sự gắn bó sẽ không mạnh mẽ như ở nhà mặt đất.

Bài học mua nhà lần đầu: Đừng mua nhiều hơn những thứ mình cần


Khi mua nhà bạn không nên liều mình mua nhiều hơn những gì mình cần.

Không phải tôi được đà mà xông lên, nuôi tham vọng mua căn hộ thứ hai, mà một lần vô tình tôi đã được nghe câu hát với tôi vô cùng ý nghĩa "Đừng mua nhà khi mình chưa thật sự cần". Mỗi người chỉ cần duy nhất một căn nhà để an cư và không cần phải vội vàng.

Tôi nhận ra, mình có thể mua nhà muộn hơn vài năm nữa cũng không soa, vì đây là sản phẩm có giá trị lớn, nếu sai một bước sẽ phải ngậm trái đắng. Cuộc sống tôi vẫn ổn, không nhất thiết phải có nhà ngay lúc này, cho dù có nhu cầu thì cũng rất tuyệt đối. 

Đồng thời, mua căn nhà đó là niềm vui sướng, niềm tự hào của bản thân, nó sẽ không có ý nghĩa gì khi nó khiến chúng ta áp lực hơn, là gánh nặng đè trên vai, khiến ta phải đánh đổi quá nhiều niềm vui.

Tôi nhận ra, dù có nhà hay không, thì mọi thứ sẽ không có gì khác biệt nếu lối sống của mình vẫn thế, nếu chúng ta vẫn dồn thời gian từ sáng đến tối ở ngoài đường, chẳng có thời gian để chăm sóc bản thân, tự tay nấu những món ăn ngon hay vun vén không gian. Căn nhà chỉ là một gian phòng cũng chẳng sao.

Mỹ Linh (Tổng hợp)

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm