5 Bài học kinh nghiệm mua nhà như ý từ chính việc MUA NHÀ và KẾT HÔN

Linh Giang Trần Linh Giang Trần | 29-07-2021, 11:01 | Kiến thức

Điểm giống nhau giữa Mua Nhà và Kết Hôn #1: Sự phù hợp

Mua nhầm nhà cũng như cưới lầm người, một lần chọn sai là vạn phần ngang trái. Cưới nhầm người thì hôn nhân đau khổ, mua nhầm nhà thì cuộc sống không thoải mái.

Nếu bạn tôn thờ nét đẹp mộc mạc, tự nhiên thì đừng “đâm đầu” cưới người ưa chưng diện. Vì khi về chung một nhà chắc hẳn sẽ cãi nhau mỗi khi cô ấy mất hai tiếng đồng hồ chỉ để trang điểm, hay làm bạn lỡ buổi hẹn chỉ vì mãi chọn quần áo.

Cũng như nếu gia đình bạn đã quen chi tiêu bình dân thì nên cân nhắc kỹ nếu muốn mua nhà ở những “khu nhà giàu” như Thảo Điền hay Phú Mỹ Hưng. Nếu ở đó thì bạn phải làm quen với những tô phở giá từ 60,000 đồng, hay bất chợt xe máy bị hư thì bạn phải dắt bộ nhiều cây số mới có tiệm sửa (vì nơi đây chủ yếu tập trung các garage sửa xe ô tô không thôi!).

Tương tự, về lối sống cũng vậy, nếu vợ chồng cần giống nhau về quan điểm sống thì mua nhà phải tìm môi trường phù hợp. Bạn có đồng ý rằng một gia đình trí thức lương thiện thì khó lòng sống bền trong khu vực đầy tệ nạn xã hội không?


5 Bài học kinh nghiệm mua nhà như ý từ chính việc MUA NHÀ và KẾT HÔN

Mua nhà ở đâu thì bạn phải chấp nhận mức sống ở đó!

Điểm giống nhau giữa Mua Nhà và Kết Hôn #2: Sự đánh đổi

Điều này đặc biệt đúng với những ai vay tiền mua nhà. Bước vào hôn nhân là phải đánh đổi cuộc sống độc thân tự do. Cũng vậy, bạn có sẵn sàng từ bỏ lối sống thoải mái chi tiêu trước đây để dành dụm tiền trả góp căn nhà mới không?

Thật khó để một người hàng năm đi du lịch 3 lần, ăn hàng quán thay ăn cơm nhà, “lên đời” điện thoại mỗi khi có mẫu mới phải chi tiêu dè sẻn, mang cơm đi làm,… để trả góp tiền mua nhà.

Có lẽ trước khi vay tiền mua nhà bạn chỉ đơn giản nghĩ rằng mình sẽ tiết kiệm hơn, mình sẽ bớt chi tiêu,… Nhưng không, bạn không thể chỉ nghĩ được, bạn phải cam kết. Cũng như kết hôn là phải lên phường đăng ký giấy trắng mực đen, bạn cũng phải cam kết và vạch ra kế hoạch chi tiêu rõ ràng để đảm bảo đủ tiền trả góp hàng tháng.

Bạn nên nhớ rằng, để một người thay đổi thói quen thật khó biết dường nào!


Bạn có sẵn sàng đánh đổi thói chi tiêu "thả cửa" để tiết kiệm tiền mua nhà trả góp không?

Điểm giống nhau giữa Mua Nhà và Kết Hôn #3: Sự chuẩn bị

Cũng như chuẩn bị kết hôn thì bạn phải ra mắt gia đình hai bên, chọn ngày cưới, khám sức khỏe, tâm lý sẵn sàng,… thì mua nhà bạn cũng phải chuẩn bị tài chính, kế hoạch chi trả và quan trọng là biết mình muốn gì.

Nếu dự định vay ngân hàng thì bạn nên liên hệ ngân hàng trước để nắm được hạn mức tối đa mình có thể vay. Khi đã nắm chắc tình hình tài chính của bản thân thì bạn có thể khoanh vùng được những căn nhà nằm trong khả năng chi trả của mình.

Đó là điều cần thiết để quá trình đi xem nhà diễn ra trơn tru hơn, không tốn thời gian cho những căn nhà nằm ngoài khả năng chi trả. Đồng thời, nắm được khả năng chi trả còn giúp bạn tự tin hơn trong quá trình thương lượng giá cả với người bán.

Điểm giống nhau giữa Mua Nhà và Kết Hôn #4: Thời điểm

“Đợi 1, 2 năm nữa rồi mình mua nhà được không?” hay “Chờ 1, 2 năm nữa rồi mình cưới nha em?” là hai câu hỏi khá giống nhau về bản chất đấy.

Nếu như nửa kia của bạn muốn lập gia đình lắm rồi và người ấy cũng có điều kiện tốt nữa thì sự chờ đợi khá vô định. Rất có thể, bạn sẽ mất người đó thôi, không có gì buộc họ phải một lòng chờ đợi bạn.

Cũng giống vậy, nếu căn nhà bạn đang “nhắm đến” nằm trong khu vực quy hoạch tốt, tiềm năng phát triển cao thì chắc hẳn 1, 2 năm nữa bạn không thể nào mua được với mức giá hiện tại. Đó là chưa xét đến người chủ khi đó có muốn bán hay không.


Nhà đất nằm trong khu vực đang phát triển sẽ không nằm yên giữ giá "chờ" bạn.

Tuy nhiên, nếu bây giờ tài chính của bạn còn eo hẹp, muốn mua nhà ngay thì phải vay ngân hàng nhiều, dẫn đến tiền lãi hàng tháng cao thì bạn nên chờ đợi để tích lũy thêm. Thời gian sau, khi bạn tích lũy được nhiều hơn và nâng cao thu nhập thì sẽ có nhiều lựa chọn hơn cho bạn.

Tương tự, nếu bạn thực sự chưa sẵn sàng bước vào đời sống hôn nhân thì cũng nên tìm hiểu kỹ càng hơn. Dù là mua nhà hay kết hôn thì bạn cũng nên nhớ:

“Không có sự lựa chọn phù hợp nhất, chỉ có sự lựa chọn phù hợp hơn”.

Điểm giống nhau giữa Mua Nhà và Kết Hôn #5: Động cơ

Vì sao bạn vội kết hôn? Vì sao bạn phải mua căn nhà đó? Bạn vội vàng kết hôn vì cảm thấy đã tìm được người phù hợp hay vì ba mẹ hối thúc, bạn bè ai cũng dựng vợ gả chồng?

Mua nhà cũng vậy. Đôi khi bạn “cắm đầu” mua một căn nhà không phù hợp chỉ vì những tác động bên ngoài. Có hai tác động tiêu cực thường thấy khi mua nhà là: sự so sánh và tâm lý sợ bỏ lỡ.

Thứ nhất, về sự so sánh, đôi khi có người liều mua một căn nhà nằm ngoài khả năng chi trả để rồi ngập đầu trong nợ chỉ vì “dượng Tư mua căn nhà to y vậy” hay “thằng bạn thân mới khoe căn hộ cao cấp ở trung tâm”.

Thứ hai, về tâm lý sợ bỏ lỡ. Đó là khi người bán bảo rằng đây là dự án cuối cùng trong khu vực này, đây là căn giá tốt duy nhất còn sót lại, “anh nhanh xuống tiền cọc đi, không là người khác mua mất!”. Và bạn sợ vuột mất căn nhà giá hời, liền vội xuống tiền mà không xem thêm một căn nào khác.

Đây là hai cái bẫy lớn ngăn bạn đến với căn nhà “hạnh phúc trăm năm” đấy!

Bài viết liên quan
Bạn đã xem
Khám phá & trải nghiệm